Bạch Long Vỹ: 30 năm sứ mệnh “phên dậu tiền tiêu”
“Lá chắn” giữa biển khơi
Được thành lập năm 1993, Bạch Long Vỹ là hòn đảo xa nhất vịnh Bắc bộ, cách đất liền khoảng 140 km, diện tích khoảng 2,5 km2. Ban đầu, chỉ có 56 hộ dân, là thanh niên xung phong và người dân làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện nay, dân số trên đảo khoảng 700 người, sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Mặc dù diện tích đất tự nhiên không lớn nhưng Bạch Long Vỹ có vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo vệ và giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển, được ví như “phên dậu của tiền tiêu” của Tổ quốc.
Nhìn từ trên cao, hòn đảo có hình dáng giống đuôi của một con rồng. Đó cũng chính là lý do mà người ta đặt cho nó cái tên Bạch Long Vỹ và trở thành một trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc bộ nên tàu, thuyền nhộn nhịp vào ban ngày, ban đêm, ngọn hải đăng vẫn lặng lẽ tỏa sáng, chỉ đường cho tàu, thuyền đi lại.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, huyện đảo từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ hệ thống đường giao thông nội bộ, bệnh viện, trường học, điện chiếu sáng, nước ngọt đến hệ thống cảng và khu neo đậu tàu, trụ sở các cơ quan, đơn vị, nhà dân và các công trình văn hóa…
Đảo Bạch Long Vỹ nhìn từ trên cao
Gánh vác trọng trách quan trọng là “lá chắn”, xa đất liền nhưng các đơn vị lực lượng vũ trang luôn chủ động khắc phục mọi khó khăn, thường xuyên quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch huấn luyện, tích cực triển khai nhiều giải pháp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương và huấn luyện. Căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, các đơn vị đã cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ huấn luyện đưa vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ và xây dựng kế hoạch thực hiện, luôn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh, chính trị, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Ông Trần Quang Tường -Chủ tịch UBND huyên, cho biết: trong suốt 30 năm qua, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo luôn xác định vị trí, tầm quan trọng, khắc phục gian khó, hoàn thành tốt nhiệm mọi nhiệm vụ. Về tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2022 đạt 494,96 tỷ đồng (101% kế hoạch). Trong đó, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 258,4 tỷ đồng (91,74% kế hoạch); Nhóm ngành dịch vụ đạt 226 tỷ đồng (114% kế hoạch); Tổng mức bán lẻ hàng hóa 50,2 tỷ đồng (đạt 102,45% kế hoạch), tăng 17,71%; Nhóm ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 10.56 tỷ đồng (103,83% kế hoạch), tăng 6,13%; Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 923 triệu đồng, trong đó, thu thuế 630 triệu đồng (105% kế hoạch giao), thu phí, lệ phí và giá dịch vụ của Ban quản lý Cảng và khu neo đậu tàu đạt 300 triệu đồng; Tổng huy động vốn đầu tư đạt 239 tỷ đồng.
Đủ điều kiện để người dân sinh sống
Năm 2005, giá trị sản xuất theo giá thực tế của huyện Bạch Long Vỹ là 48,67 tỷ đồng, trong đó cao nhất là thương mại (21,1 tỷ đồng, hàng tiêu dùng hộ cá thể chiếm 13 tỉ) và công nghiệp chế biến (8 tỷ đồng). Hệ thống âu thuyền, cầu cảng, trạm,...có thể đáp ứng gần 20 ngàn lượt tàu đánh bắt thủy hải sản trên vịnh Bắc bộ vào neo đậu, tránh bão, mua bán hải sản, tiếp dầu, lương thực, nước ngọt…
Năm 2022, huyện đảo tập trung triển khai các dự án được thành phố phân bổ, như: dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm dịch vụ hậu cần, bến neo đậu tàu, đón trả khách tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vỹ tại xã Hoa Động (Thủy Nguyên), dự án đầu tư xây dựng Cảng và khu neo đậu tàu phía Tây bắc (giai đoạn I); dự án Xây dựng Trạm cứu hộ động vật hoang dã và sản xuất giống hải sản phục vụ tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong khu bảo tồn biển; Đồng thời, xúc tiến dự án sửa chữa nâng cấp Trung tâm Văn hoá, dự án sửa chữa Trường Tiểu học - Mẫu giáo, dự án sửa chữa, nâng cấp nhà ở cho cán bộ Ban quản lý cảng hướng đến kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện (26/3/1993-26/3/2023).
Năm 2023, huyện đảo Bạch Long Vỹ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: triển khai các hoạt động kỷ niệm 30 ngày thành lập huyện; triển khai chương trình số hóa; Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, tăng cường bảo đảm nhiệm vụ quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục triển khai dự án đầu tư trung tâm dịch vụ hậu cần, bến neo đậu tàu, đón trả khách tuyến Hải Phòng - Bạch Long Vỹ; Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác y tế, giáo dục và các hoạt động văn hoá; bảo đảm an sinh xã hội; Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực về kinh doanh dịch vụ, tài nguyên - môi trường, xây dựng…
Đặc biệt, huyện đảo chú trọng đến các chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thuỷ sản - công nghiệp, xây dựng - thương mại, dịch vụ đạt từ 2,77% - 35,9% - 61,33% (trong đó nhóm ngành nông nghiệp, thuỷ sản tăng 2,46%; nhóm ngành thương mại, dịch vụ tăng 6,19% so với năm 2022); Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển dự kiến thực hiện 120 tỷ đồng; Thu thuế đạt 650 triệu đồng; Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ổn định ở mức dưới 1%; Duy trì 95% lao động có việc làm; Tỷ lệ nhân dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 95%; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế và trẻ trong độ tuổi 3,4,5 được đến trường, học bán trú.
Vừa làm nhiệm vụ “phên dậu tiền tiêu”, vừa là đảo ngọc xinh đẹp giữa trùng khơi, huyện đảo đang thay đổi từng ngày, thể hiện khí chất của quân và dân, như đang tiếp thêm tình yêu về Bạch Long Vỹ trường tồn.
Bạch Long Vỹ đang đổi thay từng ngày:
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.