Bài viết của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về cải cách chính sách BHXH

2018-05-09 11:10:50 0 Bình luận
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết “Cải cách chính sách BHXH góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước” của GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công.

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bao gồm bảo hiểm hưu trí - tử tuất; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm ốm đau, thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển và coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững đất nước cũng như thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động; sự hỗ trợ, hợp tác hiệu quả của các quốc gia, tổ chức quốc tế, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện, ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội để phát triển bền vững đất nước trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế.

Trong suốt thời kỳ thực hiện đổi mới, đặc biệt là giai đoạn từ năm 1995 đến nay, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, chính sách BHXH đã được thể chế hóa theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn về chế độ, chính sách, về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính. Cụ thể là: Đã hình thành hệ thống chính sách BHXH khá đồng bộ, bao quát hầu hết các chế độ BHXH theo thông lệ quốc tế: Gồm cả loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; đối với cả người có quan hệ lao động và người không có quan hệ lao động; cho cả khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức.

Hệ thống chính sách BHXH, các quan hệ BHXH được thiết kế, điều chỉnh và vận hành ngày càng phù hợp hơn. Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động, Quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH. Tổng số tiền chi cho các chế độ hưu trí, tử tuất, mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng khác năm 2017 từ Quỹ BHXH là 132.140 tỷ đồng, tăng hơn 9 lần so với thời điểm ngày 1/1/2007, là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH. Tổng số chi hưu trí, tử tuất năm 2017 từ nguồn ngân sách Nhà nước là 44.875 tỷ đồng, chỉ còn 25,35% so với tỷ lệ 56,2% tại thời điểm ngày 1/1/2007.

Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật và quy mô tham gia BHXH trên thực tế ngày càng được mở rộng. Tính đến năm 2017, tổng số người tham gia BHXH là 13,9 triệu người (trong đó: BHXH bắt buộc là 13,6 triệu người, BHXH tự nguyện là 0,3 triệu người), tăng hơn 2,3 lần so với thời điểm Luật BHXH số 71/2006/QH11 có hiệu lực (ngày 1/1/2007); số người tham gia BHTN là 11,7 triệu người; thực hiện cho trên 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí, BHXH hàng tháng. Trong năm 2017, có 9,1 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 0,7 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; trên 56 nghìn người hưởng chế độ tai nạn, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Mô hình tổ chức hệ thống BHXH với việc tách cơ quan quản lý Nhà nước với cơ quan tổ chức thực hiện chính sách về cơ bản là phù hợp với thông lệ quốc tế, đã phát huy được vai trò và tính hiệu quả trong từng khâu thiết kế, xây dựng, hoạch định đến tổ chức thực hiện chính sách, thu, chi và quản lý Quỹ BHXH. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH được tăng cường. Hệ thống pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật về BHXH thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BHXH được chú trọng hơn; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế về BHXH được đẩy mạnh.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng nêu trên, việc tổ chức thực hiện chủ trương đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách BHXH cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật cũng như quy mô tham gia BHXH trên thực tế còn thấp, chưa hướng đến bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối giữa chính sách BHXH với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ. BHXH bắt buộc còn bỏ sót một số nhóm đối tượng có nhu cầu và có khả năng tham gia.

Trên thực tế, năm 2017 mới chỉ đạt gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 70% chưa tham gia. Mục tiêu đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH theo Nghị quyết số 15-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI và Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị không đạt được. Các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính chưa được quán triệt đầy đủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong dài hạn, chính sách BHTN nặng về giải quyết hậu quả khi người lao động thất nghiệp mà chưa chú ý thỏa đáng đến phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Chưa thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập với tiền lương của người đang làm việc theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI và Luật BHXH. Hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước còn hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật, trốn đóng, nợ đóng BHXH, nhất là khu vực doanh nghiệp vẫn còn khá phổ biến, chậm được khắc phục.

Tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN còn nhiều hạn chế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và nhân sự của bộ máy thực hiện BHTN còn bất hợp lý, phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, chưa phù hợp với nguyên lý bảo hiểm và thông lệ quốc tế nhưng chậm được sửa đổi, chưa phát huy được các chức năng tích cực của chính sách. Nhận thức của một bộ phận người lao động và người sử dụng lao động về BHXH chưa đầy đủ. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu: (i) Chính sách BHXH của nước ta mới được hình thành và phát triển cùng với quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong khi tư duy, lý luận - nhận thức về BHXH cần quá trình từng bước hoàn chỉnh; năng lực thiết kế hệ thống còn hạn chế. Việc hình thành, hoàn thiện chính sách BHXH đòi hỏi thời gian dài trong khi chúng ta mới thực hiện được hơn 20 năm. Vì vậy, việc xây dựng chính sách, pháp luật, thiết kế bộ máy tổ chức thực hiện BHXH còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa đồng bộ. (ii) Đặc trưng cơ cấu lao động ở nước ta là phần lớn làm việc ở khu vực không có quan hệ lao động. Thu nhập của số đông người dân còn thấp và không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt lớn. Mạng lưới an sinh xã hội phi chính thức dựa trên mô hình gia đình truyền thống còn phổ biến. Do đó, không ít người dân chưa quan tâm tham gia BHXH. (iii) Năng lực xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BHXH nhiều mặt còn hạn chế.

Nhận thức còn chưa đầy đủ, sâu sắc, chưa coi công tác này là một trụ cột trong phát triển bền vững kinh tế-xã hội. Khả năng phân tích, dự báo còn bất cập. Chưa làm tốt công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. (iv) Công tác thông tin, truyền thông chưa được chú trọng. Nhận thức về BHXH trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của các chủ thể tham gia BHXH còn nhiều hạn chế, nhất là ý thức về quyền lợi, trách nhiệm đóng góp BHXH của người sử dụng lao động và người lao động.

Sau hơn 30 năm đổi mới, nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, tiềm lực đất nước đã được tăng cường đáng kể; truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc tiếp tục được phát huy; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nhiều kinh nghiệm quý qua hơn 20 năm phát triển chính sách BHXH. Tuy nhiên, kinh tế trong nước còn khó khăn, nguồn lực ngân sách Nhà nước hạn hẹp; thu nhập của nhiều người dân còn thấp và chưa ổn định; tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức ở mức cao; việc điều chỉnh một số chế độ BHXH qua nhiều giai đoạn để bảo đảm bền vững Quỹ cũng tạo ra những bất hợp lý nhất định; áp lực của già hóa dân số đối với hệ thống BHXH rất lớn; tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh về cơ cấu lao động và quan hệ lao động.

Trong bối cảnh, điều kiện mới hiện nay, đang đặt ra nhiều cơ hội, thách thức đan xen đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo về cải cách chính sách BHXH phù hợp hơn trong bối cảnh mới.

Một là, BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân và phát triển bền vững đất nước.

Hai là, phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng; công bằng, bình đẳng; chia sẻ và bền vững.

Ba là, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.

Bốn là, phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế, củng cố niềm tin, sự hấp dẫn và hài lòng của người dân cũng như các chủ thể tham gia BHXH.

Năm là, thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Căn cứ vào các quan điểm chỉ đạo nêu trên, xác định mục tiêu tổng quát trong cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới là: Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, tin cậy và minh bạch.

Để thực hiện được mục tiêu tổng quát này cần cụ thể hóa thành các mục tiêu với lộ trình thực hiện cụ thể như sau:

- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 có khoảng 45% và đến 2030 có khoảng 60%.

- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội); đến năm 2025 có khoảng 55% và đến 2030 có khoảng 60%.

- Giai đoạn đến năm 2021, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Phấn đấu giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp bằng mức ASEAN 4.

- Giai đoạn đến năm 2021, phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%; đến năm 2025 đạt mức 85% và đến 2030 đạt mức 90%.

Qua tổng kết lý luận và thực tiễn phát triển BHXH ở nước ta từ năm 1995 đến nay; kết quả nghiên cứu khảo sát sâu rộng ở trong nước và ngoài nước với sự tham gia góp ý của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã làm rõ những nội dung cơ bản về cải cách chính sách BHXH của nước ta trong thời gian tới gồm: (i) Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng (Lương hưu xã hội; BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; Bảo hiểm hưu trí bổ sung) nhằm tăng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; đồng thời tạo cơ hội cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu. (ii) Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng hưu trí theo hướng linh hoạt đồng thời với việc điều chỉnh công thức tính lương hưu theo nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ.

Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác có nhu cầu và có khả năng. (iii) Tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ. (iv) Cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện nhằm củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH. (v) Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động làm việc trong khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để gia tăng số lao động tham gia BHXH. (vi) Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng BHXH một lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế hiện nay đang thấp hơn so với quy định của pháp luật. (vii) Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu tăng trưởng diện bao phủ với mức hưởng khiêm tốn thay vì mức hưởng cao nhưng diện bao phủ hẹp. (viii) Điều chỉnh tỷ lệ tích lũy để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa phù hợp thông lệ quốc tế. (ix) Xây dựng lộ trình điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người tại chức, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ.

Trải qua các giai đoạn phát triển, chính sách BHXH đã đạt được những kết quả tích cực, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề lớn cần phải cải cách, điều chỉnh nhiều nội dung để khắc phục những hạn chế, yếu kém, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển và bối cảnh mới. Căn cứ vào vào các nội dung cơ bản về cải cách chính sách BHXH của nước ta và để đạt được các mục tiêu nêu trên, trong những năm tới cần thực thiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

1- Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH đối với việc ổn định đời sống nhân dân, ổn định kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; sự cần thiết và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH, tạo sự đồng thuận xã hội.

2- Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH và pháp luật có liên quan để thể chế hóa các chủ trương cải cách chính sách BHXH. Sửa đổi Luật BHXH theo hướng mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH cho toàn dân; thiết kế hệ thống BHXH đa tầng, hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng. Rà soát, sửa đổi các quy định tạo điều kiện để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH dễ dàng, thuận tiện. Quy định người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tham gia BHXH bắt buộc để một mặt tạo cơ hội cho họ tham gia chính sách an sinh xã hội, mặt khác bảo vệ việc làm cho lao động trong nước, không tạo lợi thế cho lao động nước ngoài so với lao động Việt Nam tiếp cận các cơ hội việc làm vì chi phí sử dụng thấp hơn ở cùng vị trí việc làm do không phải đóng BHXH. Đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH với các nước để hợp tác, ghi nhận và giải quyết quyền lợi BHXH cho lao động Việt Nam và lao động của nước ký kết hiệp định.

Sửa đổi Luật Việc làm, chính sách BHTN, chính sách việc làm theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, tránh sa thải lao động, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động, nhanh chóng đưa người thất nghiệp trở lại làm việc, khắc phục tình trạng trục lợi BHTN.

Hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý Nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý Quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt việc chậm đóng, nợ đóng đối với các doanh nghiệp; đồng thời, các doanh nghiệp và người lao động có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện cơ quan thực hiện BHXH nếu phát hiện có sai phạm trong thực hiện chính sách BHXH. Nghiên cứu bỏ quy định Công đoàn khởi kiện nợ BHXH vì không hiệu quả và không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH phải kết hợp với hoàn thiện chính sách pháp luật về chế độ tiền lương, việc làm và chính sách người có công với cách mạng.

3- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BHXH

Thống nhất đầu mối quản lý Nhà nước về BHXH, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong chỉ đạo thực hiện BHXH, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật. Nâng cao năng lực của cơ quan Nhà nước trong việc hoạch định chiến lược phát triển BHXH, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH, gian lận, trục lợi BHXH.

Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh việc phân cấp cho các cơ quan BHXH; thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; phân định rõ việc quản lý Nhà nước với quản trị bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH.

Tổ chức tốt cơ sở dữ liệu về BHXH, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan BHXH. Tăng cường công tác phối hợp và tích hợp thông tin dữ liệu giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH và thực thi chính sách BHXH.

4- Nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN

Hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHTN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Hội đồng quản lý BHXH. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán và thông tin báo cáo về BHXH theo quy định của pháp luật.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHTN; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về BHXH với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Tiếp tục hiện đại hóa quản lý BHXH, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện BHXH, BHTN.

Tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng tham gia BHXH, BHTN đi đôi với tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về BHXH.

Củng cố, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm để triển khai hiệu quả các chính sách BHTN, phát huy đầy đủ các chức năng của BHTN, bảo đảm BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Chi phí cho hoạt động tổ chức thực hiện các chính sách BHTN sử dụng từ nguồn Quỹ BHTN, không lấy từ ngân sách Nhà nước. Có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực dựa trên năng lực và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm biến đổi cấu trúc của thị trường lao động.

Tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính và hiệu quả đầu tư các Quỹ BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả và bền vững; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao; từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế.

5- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BHXH theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tăng cường sự lãnh đạo và tổ chức thực hiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương để thực hiện tốt chính sách BHXH, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách BHXH, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH.

BHXH là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, việc cải cách chính sách BHXH là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Xây dựng tổ chức bộ máy phục vụ nhân dân “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”

Cán bộ, đảng viên và nhân dân kỳ vọng cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị do Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm lãnh đạo, khởi xướng sẽ thành công, xây dựng được tổ chức bộ máy phục vụ nhân dân “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, với mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của người dân.
2024-11-17 11:36:45

Thị trấn Gôi (Vụ Bản, Nam Định) xứng danh đô thị văn minh

Bằng sự đồng thuận, đoàn kết, sáng tạo, đảng bộ, chính quyền, nhân dân thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng quê hương đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2024, tiếp tục xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững.
2024-11-16 21:39:35

Ngày hội gắn kết tinh thần đoàn kết dân tộc

Chiều ngày 16/11, tại nhà văn hóa thôn Trường Thọ, xã Quảng Tiên thị xã Ba Đồn tổ chức kỷ niệm 94 năm ngày truyền thống MTTQVN (18/11/1930 – 18/11/2024).
2024-11-16 17:00:00

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẵn sàng hợp tác vì một APEC thịnh vượng

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã tham gia các sự kiện quan trọng và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.
2024-11-16 09:16:13

Hải Phòng tổ chức chương trình gặp mặt, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều 15/11, TP.Hải Phòng tổ chức chương trình “Gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam” (20/11/198 2 - 20/11/2024). Chương trình nhằm tôn vinh các thế hệ thầy, cô đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục thành phố, khơi dậy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, một giá trị văn hóa quý báu.
2024-11-16 05:47:11

Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm

Ngày 15/11, HĐND TP.Hải Phòng (khóa XVI) tổ chức tiếp xúc với cử tri các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Kiến An và các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, An Dương trước khi diễn ra kỳ họp thường lệ cuối năm.
2024-11-15 21:43:21
Đang tải...