Bàn giao Bệnh viện Dã chiến 2.2 về Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Lãnh đạo Học viện Quân Y và Cục Gìn giữ hòa bình trao đổi biên bản bàn giao Bệnh viện Dã chiến 2.2. Ảnh BQP |
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì hội nghị. Cùng dự có Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y; Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu…
Theo nội dung bàn giao, Bệnh viện Dã chiến 2.2 thuộc Học viện Quân y được điều chuyển nguyên trạng về Cục GGHB Việt Nam, bao gồm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế quân số, trang thiết bị.
Cục GGHB Việt Nam trực tiếp quản lý, chỉ đạo Bệnh viện Dã chiến 2.2; Học viện Quân y hướng dẫn, chỉ đạo công tác chuyên môn y tế trong thời gian Bệnh viện Dã chiến 2.2 tham gia hoạt động GGHB Liên Hợp Quốc.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh BQP |
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh biểu dương, ghi nhận nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến 2.2 trong quá trình tổ chức huấn luyện; đánh giá cao công tác chuẩn bị và triển khai của các cơ quan chức năng cho Bệnh viện Dã chiến 2.2 đi làm nhiệm vụ GGHB Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh yêu cầu tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Dã chiến 2.2 quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm đối ngoại của Đảng, Nhà nước, Quân đội; chấp hành tốt lễ tiết, tác phong quân nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục triển khai huấn luyện bổ sung các nội dung về chuyên môn GGHB, y tế, tiếng Anh…
Thượng tướng Phạm Ngọc Minh cũng yêu cầu Cục GGHB Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Học viện Quân y và các cơ quan, đơn vị có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ Bệnh viện Dã chiến 2.2; đồng thời tăng cường kiểm tra, báo cáo, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…
Hội nghị bàn giao Bệnh viện Dã chiến 2.2 về Cục gìn giữ hòa bình Việt Nam. Ảnh BQP |
Được biết, theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc, một Bệnh viện dã chiến cấp 2 cần đảm bảo những năng lực như: Khám và điều trị tối đa 40 bệnh nhân ngoại trú 1 ngày; khả năng hồi sức cấp cứu và vận chuyển đường không, đường bộ các bệnh nặng tới tuyến y tế cao hơn; khả năng thực hiện 3-4 ca phẫu thuật 1 ngày có gây mê; khả năng nhận điều trị nội trú 20 bệnh nhân trong 7 ngày; có 2 đội y tế cấp cứu cơ động ngoại viện; tự bảo đảm đủ vật tư y tế tiêu hao - thuốc chữa bệnh trong bất kì tình huống nào…
Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc hằng năm gửi luân phiên các Bệnh viện tới tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại Phái bộ ở Nam Sudan.
Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 2 sẽ thay thế Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1, sau 1 năm bệnh viện này hoạt động ở Nam Sudan và sau tiếp 1 năm nữa, Bệnh viện dã chiến cấp 2, số 1 sẽ quay lại địa bàn để thay thế cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2.
Khi các bệnh viện này về nước sẽ trở thành các bệnh viện cơ động của quân đội, tham gia các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa, các cuộc diễn tập song phương và đa phương quốc tế, các hoạt động quân dân y kết hợp trong tình huống khẩn cấp./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.