Bản tin Hòa Nhập ngày 30/11/2021: TP.HCM đang cần tuyển rất nhiều công nhân
Thuốc kháng virus Molnupiravir dạng uống. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đến nay Việt Nam đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc trong điều trị bệnh nhân COVID-19 như thuốc ức chế sự nhân lên của virus: Molnupiravir, Remdesivir, Favipiravir... Ngoài ra thuốc kháng thể kép cũng đang được đưa vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng.
Trường hợp Bộ Y tế được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc chứa Molnupiravir.
Các thuốc hỗ trợ khác như thuốc ức chế phản ứng miễn dịch (Chất ức chế Interleukin-6, Baricitinib), thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền (Xuyên tâm liên) cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Hiện có 6 nhà máy nộp hồ sơ đăng ký thuốc Molnupiravir. Trường hợp Bộ Y tế được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho cơ chế cấp giấy lưu hành sản phẩm để tháo gỡ khó khăn do quy định tại Điều 56, Điều 87 (khoản 1) và Điều 89 (khoản 1, điểm b khoản 3) của Luật Dược thì các nhà máy trong nước có thể sớm chủ động được nhu cầu thuốc chứa Molnupiravir trong nước.
Ngày 29/11, Hà Nội ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao kỷ lục, trong đó có 220 ca tại cộng đồng
Một tổ kiểm soát Covid-19 cộng đồng đang làm nhiệm vụ trên địa bàn phường Tương Mai.
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28/11 đến 29/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 390 ca dương tính với SARS-Cov-2, trong đó có 220 ca tại cộng đồng, 109 ca tại khu cách ly và 61 ca tại khu phong tỏa. Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới và số ca Covid-19 cộng đồng kỷ lục từ khi dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn thành phố.
Các ca cộng đồng được ghi nhận trong 24 giờ qua chủ yếu ở xã Tân Lập, thị trấn Phùng, xã Thượng Mỗ, xã Hạ Mỗ, xã Tân Hội (huyện Đan Phượng); xã Vân Nội, thị trấn Đông Anh, xã Nguyên Khê, xã Kim Chung (huyện Đông Anh); phường Khương Thượng, phường Ô Chợ Dừa, phường Trung Phụng, phường Cát Linh, phường Phương Liên, phường Thịnh Quang, phường Khâm Thiên, phường Thổ Quan (quận Đống Đa); thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm); xã Phú Cát (huyện Quốc Oai); xã Nhị Khê (huyện Thường Tín); xã Vân Canh (huyện Hoài Đức); phường Bưởi (quận Tây Hồ)…
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27-4 đến nay) là 10.059 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 3.963 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 6.096 ca.
Công ty Nhật Cường của "trùm" buôn lậu Bùi Quang Huy bị đề nghị bồi thường 250 tỷ đồng
Đại diện Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Chiều 29/11, tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty Nhật Cường, đại diện Viện kiểm sát bày tỏ quan điểm về các kháng cáo và kháng nghị.
Theo đại diện VKS cấp phúc thẩm, Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc và là người điều hành toàn bộ hoạt động doanh nghiệp. Huy đã chỉ đạo nhân viên thực hiện hoạt động buôn lậu, thu lợi bất chính hơn 221 tỷ đồng.
Vì vậy, có cơ sở chấp nhận kháng cáo của VKSND TP Hà Nội về việc Công ty Nhật Cường tham gia vụ án với vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và buộc Công ty Nhật Cường phải bồi thường dân sự, không buộc các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Học sinh cấp 3 Hà Nội có thể đi học trở lại từ ngày 6/12
Ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh việc đưa học sinh trở lại trường học phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn.
Chiều 29/11, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã xem xét báo cáo và yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội khẩn trương ban hành kế hoạch tổ chức đưa học sinh khối 10, 11, 12 và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trở lại trường học; trước mắt, thực hiện đối với các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; trong 14 ngày tính đến thời điểm 30/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng.
Thời gian thực hiện kế hoạch trên bắt đầu từ đầu tháng 12/2021, có thể xem xét từ 6/12.
“Việc đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh như vậy phải được chuẩn bị thật kỹ, bảo đảm có nguyên tắc và luôn đặt vấn đề an toàn sức khỏe của học sinh lên trên hết”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Thường trực Thành ủy Hà Nội lưu ý: Việc đưa học sinh các khối cấp 3 trở lại trường trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm việc tổ chức đối với khối lớp 9 ở 18 huyện, thị xã vừa qua. Trong đó, chú ý nhân rộng cách làm hiệu quả, khắc phục những tồn tại, nhất là giảm thiểu rủi ro liên quan đến an toàn phòng, chống COVID-19 và sức khỏe học sinh, giáo viên, nhân viên trường học.
Miền Trung mưa lớn, nguy cơ lũ quét rất cao ở Quảng Nam, Quảng Ngãi
Hàng loạt khu dân cư trên huyện vùng cao Hoài Ân (Bình Định) bị ngập sâu, chia cắt. (Ảnh: TTXVN phát)
Từ đêm 29 đến ngày 30/11, khu vực miền Trung tiếp tục có mưa lớn kéo dài, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, Kon Tum và Gia Lai.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 29 đến ngày 30/11, Trung và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Lượng mưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phổ biến 100-250mm, có nơi trên 300mm; ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên phổ biến 50-80mm, có nơi trên 130mm.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận, Kon Tum và Gia Lai, trong đó nguy cơ rất cao gồm các huyện, thị xã như Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi); An Lão, Tây Sơn (Bình Định).
Nguy cơ ngập úng cục bộ tại vùng trũng thấp, khu đô thị gồm Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên-Huế); Hòa Vang, Liên Chiểu (Đà Nẵng); Tam Kỳ, thị trấn Núi Thành, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Bắc Trà My, Nam Trà My (Quảng Nam); thành phố Quảng Ngãi, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ (Quảng Ngãi); thị xã An Nhơn, An Lão, Vân Canh, Tây Sơn, thành phố Quy Nhơn (Bình Định); thị xã Tuy Hòa, Sông Cầu,Đồng Xuân (Phú Yên); Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa). Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2.
Doanh nghiệp tại TP.HCM cần tuyển gần 42.000 lao động dịp cuối năm
Tại TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất nên tuyển nhiều lao động có tay nghề, kinh nghiệm.
Chiều 29/11, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp cần tuyển từ 33.000 - 42.000 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông để hoàn thành các đơn hàng cuối năm.
Trong đó, 70% nhu cầu tuyển lao động phổ thông liên quan các ngành như may mặc, giày da, cơ điện - điện tử, chế biến và các ngành thương mại, dịch vụ khác với mức thu nhập bình quân được các doanh nghiệp đưa ra từ 7 - 15 triệu đồng/tháng. Một số vị trí như quản lý, kỹ sư… có kinh nghiệm, chuyên môn cao sẽ có mức lương trên 14 triệu đồng/tháng. Đây cũng là cơ hội tốt để người lao động tìm việc dễ dàng sau mùa dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, nhu cầu nhân lực từ nay đến cuối năm tập trung ở một số nhóm nghề như: kinh doanh - thương mại, dịch vụ vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng, chế biến lương thực - thực phẩm, dịch vụ phục vụ, công nghệ thông tin - bưu chính - viễn thông, điện - điện tử - điện lạnh, dịch vụ tư vấn chăm sóc khách hàng, tài chính - tín dụng...
Hà Nội: Dự kiến triển khai thí điểm xe buýt điện từ 2/12
Đến năm 2022, có 9 tuyến buýt điện được mở mới trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận đề xuất về triển khai thực hiện mở thí điểm các tuyến buýt điện trên địa bàn TP, căn cứ theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội về phương thức thực hiện và lộ trình dự kiến thực hiện trong năm 2021, 2022 đối với các tuyến xe buýt điện trong thời gian thí điểm. Được biết, thời gian dự kiến triển khai chương trình thí điểm là từ 2/12/2021.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai thí điểm vận hành các tuyến buýt công cộng bằng xe điện sẽ được đề xuất thí điểm trong 12 tháng, với 9 tuyến. Theo lộ trình, trong năm 2021 sẽ có 3 tuyến mở mới trong thời gian tới gồm: lộ trình Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park và Long Biên - Cầu Giấy - Khu đô thị Ocean Park và tuyến Bến xe Mỹ Đình - Khu đô thị Ocean Park.
Tới năm 2022, tiếp tục mở mới 2 tuyến Hào Nam - Khu đô thị Ocean Park; tuyến Giáp Bát - Khu đô thị Ocean Park vào quý I. Quý II/2022, tiếp tục triển khai 4 tuyến Long Biên - Cửa Nam - Khu đô thị Smart City; Khu liên cơ Võ Chí Công - Khu đô thị Times City; tuyến Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây; tuyến Khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên.
Đặc biệt, TP sẽ ưu tiên mở trước các tuyến buýt có lộ trình kết nối với tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.