Bản tin Hoà Nhập ngày 20/1/2022: Thuốc uống điều trị Covid-19 của Pfizer có thể chống lại biến chủng Omicron
Cụ thể, Pfizer nói rằng, 3 nghiên cứu phòng thí nghiệm riêng rẽ cho thấy nirmatrelvir, thuốc ức chế protease chính của liệu trình, duy trì hiệu quả chống lại biến chủng Omicron. Thuốc ức chế protease có tác dụng ngăn không cho virus nhân lên.
Thuốc trị Covid-19 của Pfizer có hiệu quả chống lại Omicron (Ảnh: Reuters).
Các bệnh nhân Covid-19 sẽ sử dụng liệu trình 2 viên nirmatrelvir với một viên thuốc chống virus khác là ritonavir, 2 lần/ngày trong 5 ngày. Pfizer gọi tên liệu trình này là Paxlovid.
Paxlovid được coi là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại Covid-19, với các thử nghiệm cho thấy nó làm giảm 89% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron đã làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của Paxlovid, cũng như các phương pháp điều trị Covid-19 khác, vì biến thể này có nhiều đột biến hơn so với các chủng trước đó.
"Các dữ liệu này cho thấy liệu trình trị Covid-19 của chúng tôi có thể trở thành công cụ quan trọng và hiệu quả trong cuộc chiến chống lại virus và các biến chủng gây lo ngại hiện tại, bao gồm Omicron. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả của liệu trình này trong điều trị thực tế và tin rằng những kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ tiếp tục được xác minh", người đứng đầu bộ phận khoa học của Pfizer Mikael Dolsten cho biết.
Gần 100 cơ sở giáo dục mầm non TP.HCM giải thể
Ngày 19/1, Sở GD&ĐT TP HCM tổ chức cuộc họp giao ban triển khai thực hiện nhiệm vụ, công tác trọng tâm năm học 2021 - 2022 của ngành giáo dục mầm non thành phố.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, TP HCM có 622 cơ sở giáo dục mầm non được sử dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch; 1.331 cơ sở giáo dục mầm non ngừng hoạt động từ 3 đến 6 tháng, gồm 468 cơ sở công lập, 863 cơ sở ngoài công lập và 1.766 cơ sở độc lập. Số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giải thể là 20 trường và 79 nhóm lớp.
Tính từ tháng 5/2021 đến nay, thành phố có tổng số ca F0 ở bậc học này là 11.087 ca, trong đó có 5.813 trẻ và 5.274 cán bộ, giáo viên, nhân viên
Hà Nội chính thức không bắn pháo hoa đêm giao thừa
Ảnh minh hoạ.
Thông tin nêu trên được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện trên địa bàn diễn ra vào sáng 19/1.
Trước đó, Hà Nội đã xin ý kiến Chính phủ về việc tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, Trung ương đề nghị Hà Nội không thực hiện việc này.
"Như vậy về cơ bản, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa trực tuyến dịp tết 2022" - ông Chu Ngọc Anh khẳng định.
Đã xác định nghi phạm vụ bé gái 3 tuổi nghi bị bạo hành với 9 đinh cắm trong đầu
Ảnh nghi can vụ việc đang được cộng đồng mạng chia sẻ.
Theo đại diện công an Thạch Thất cho biết, đã xác định được nghi can vụ bé gái 3 tuổi ở Hà Nội hôn mê với 9 chiếc đinh cắm trong đầu.
Bước đầu, nghi can gây ra vụ bạo hành bé gái 3 tuổi ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội - được xác định là NTH - người tình của mẹ cháu bé, là người cùng địa phương với nạn nhân.
Lãnh đạo Công an huyện Thạch Thất, Hà Nội cho biết đơn vị đã bàn giao nghi can chính trong vụ án cho Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội để điều tra.
Về phía công an Thành phố Hà Nội, trả lời Infonet, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: “Các đơn vị nghiệp vụ Công an TP đang khẩn trương điều tra làm rõ”.
Trước đó, như báo PLVN đã đưa tin, chiều 17/1, cháu ĐNA 3 tuổi, nhập viện trong tình trạng hôn mê với 9 chiếc đinh cắm trong đầu. Các bác sỹ đã phát hiện ngoài tổn thương ở sọ não, cháu còn phải bó bột ở tay (thời gian khoảng 2 tuần). Theo thông tin từ bố và bà nội nạn nhân, chỉ trong khoảng 3 tháng, cháu NA nhiều lần phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch tính mạng do ngộ độc thuốc trừ sâu, nuốt 3 chiếc đinh, dị vật ở mũi. Những tai nạn này đến với bé gái 3 tuổi khiến dư luận nghi ngờ cháu bé bị bạo hành.
Sáng nay, Toà xét sử cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh.
Sáng 20/1, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai) cùng 7 bị cáo khác ra xét xử. Phiên toà sơ thẩm dự kiến diễn ra trong 2 ngày.
Ông Nguyễn Quốc Anh cùng 7 bị cáo là cán bộ, nhân viên thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS, Công ty thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo điều tra, từ tháng 2/2017 đến tháng 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng Robot Rosa (liên kết với Công ty BMS) thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan 551 ca bệnh cho Công ty BMS.
Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng Robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.