Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là gì?
Chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam. Chỉ số PCI do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI cùng hợp tác thực hiện.
Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Được xây dựng từ dữ liệu điều tra doanh nghiệp thường niên có quy mô lớn nhất, thực hiện một cách công phu nhất tại Việt Nam hiện nay, Chỉ số PCI chính là "tập hợp tiếng nói" của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam.
Quảng Ninh năm thứ 6 liên tiếp giành vị trí dẫn đầu trong top 10 tỉnh.
Chỉ số PCI không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học đơn thuần hoặc để biểu dương hay phê phán những tỉnh có điểm số PCI cao hay thấp. Thay vào đó, chỉ số PCI tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Với kết quả công bố thường niên cùng hệ thống dữ liệu đăng tải công khai trên trang web của dự án (www.pcivietnam.vn), đây là nguồn thông tin tham khảo hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố nói riêng, cũng như các nhà hoạch định chính sách nói chung, có thể xác định những điểm nghẽn trong điều hành chính tế cũng như lựa chọn những giải pháp phù hợp để tiến hành những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Cho tới lần cập nhật phương pháp luận gần nhất vào năm 2017, chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp.
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có:
1) Chi phí gia nhập thị trường thấp;
2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định;
3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai;
4) Chi phí không chính thức thấp;
5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng;
6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng;
7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp;
8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao;
9) Chính sách đào tạo lao động tốt;
10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì.
Với lần điều chỉnh phương pháp luận gần nhất vào năm 2021, có 141 chỉ tiêu được sử dụng để xây dựng chỉ số PCI. Chi tiết về các chỉ tiêu sử dụng trong từng chỉ số thành phần, tham khảo mục Dữ liệu.
Điể mới của PCI 2022
Một thay đổi lớn của báo cáo PCI 2022 là lần đầu tiên VCCI, USAID cùng các đối tác tư nhân giới thiệu và công bố chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI).
Đây là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.
Bằng việc xây dựng và công bố Chỉ số Xanh, VCCI, USAID mong muốn cổ vũ các tỉnh, thành phố tại Việt Nam quan tâm hơn tới phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường, cung cấp thông tin kịp thời hỗ trợ chính quyền tỉnh, thành phố trong hoạch định chính sách liên quan đến đầu tư và môi trường, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái kinh doanh thân thiện với môi trường, định hướng các nhà đầu tư có ý thức bảo vệ môi trường, thúc đẩy nhiều dự án xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn.
Theo VCCI, hành trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam và môi trường kinh doanh Việt Nam không phải là hành trình dễ dàng nhưng hy vọng đây là hành trình tươi sáng.
Dù đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2023 nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn hy vọng rằng Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua để hướng tới một tương lai tốt đẹp sắp tới.
Hy vọng Việt Nam vững vàng vượt qua giông bão khó khăn của kinh tế toàn cầu, hy vọng các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, hy vọng cộng đồng kinh doanh Việt Nam tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công phía trước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.