Bảo hiểm xã hội Việt Nam đổi mới thế nào sau tái cơ cấu?
Theo Quyết định số 391/QĐ-BTC, BHXH Việt Nam chuyển từ cơ quan trực thuộc Chính phủ sang trực thuộc Bộ Tài chính, với chức năng thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT, và tham gia cùng các bộ ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện chính sách bảo hiểm.
Sau sắp xếp, BHXH Việt Nam được tổ chức thành ba cấp. Cấp trung ương là cơ quan BHXH Việt Nam với 14 đơn vị tham mưu, bao gồm các ban: Thực hiện chính sách BHXH, Thực hiện chính sách BHYT, Quản lý thu và phát triển người tham gia, Quản lý đầu tư quỹ, Kiểm toán nội bộ, Pháp chế, Tài chính - Kế toán, Tổ chức cán bộ, Tuyên truyền và Hỗ trợ người tham gia, Thanh tra, Văn phòng, Trung tâm Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số, Trung tâm Lưu trữ, Trung tâm Kiểm soát thanh toán BHXH, BHYT điện tử.
Trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Hà Nội, tháng 1/2025. Ảnh: Hồng Chiêu
Cấp khu vực được tổ chức thành 35 BHXH khu vực, thay vì 63 đơn vị cấp tỉnh như trước. Mỗi khu vực quản lý 1-2 địa phương, trong đó 7 khu vực chỉ quản lý một địa phương do có số người tham gia đông, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Thanh Hóa, Nghệ An. 28 khu vực còn lại quản lý hai tỉnh, với trụ sở chính đặt tại một tỉnh. Cấp này có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, với bình quân không quá 10 phòng tham mưu.
Cấp huyện bao gồm BHXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, liên huyện, gọi chung là cấp huyện và trực thuộc BHXH khu vực. Cấp này có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng, với không quá 350 đơn vị và không tổ chức bộ máy bên trong.
Ông Lê Hùng Sơn, Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết trong những ngày đầu sắp xếp có khó khăn nhất định, nhưng toàn ngành nỗ lực cùng nền tảng công nghệ thông tin có sẵn để sớm khắc phục. Việc phân cấp khu vực quản lý địa bàn thay thế cấp tỉnh, với trụ sở đặt tại một địa phương, không ảnh hưởng tới việc phục vụ người dân. Từ lâu, ngành bảo hiểm giải quyết quyền lợi không phân biệt địa giới hành chính, người dân có thể gửi hồ sơ tới bất kỳ cơ quan BHXH nào trên cả nước. Trong thời gian sắp xếp bộ máy, việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng không bị gián đoạn. Trong ngày 3-4/4, toàn ngành đã chi trả chế độ cho 2,7 triệu trong số 3,4 triệu người thụ hưởng, đạt 80%. Khoảng 1,3 triệu người tại 38 tỉnh thành hưởng chế độ qua tài khoản cá nhân, 25 địa phương còn lại sẽ chi trả trong hôm nay.
Bên cạnh việc tái cơ cấu tổ chức, Luật BHXH 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong chính sách BHXH. Một trong những thay đổi đáng chú ý là người lao động tham gia BHXH từ ngày 1/7/2025 sẽ không được rút BHXH một lần nếu không thuộc các trường hợp quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.
Ngoài ra, người lao động đi xuất khẩu lao động sẽ có thêm cơ hội hưởng lương hưu, và thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu sẽ giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm, tạo điều kiện cho nhiều người lao động tiếp cận chế độ hưu trí.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.