Nghiên cứu luật bảo vệ những người tiêu dùng yếu thế
Quan tâm đến bảo vệ nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) cho rằng, tại Khoản 1, Điều 7 của dự thảo luật xác định có 5 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương bao gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, phụ nữ mang thai, sinh con hoặc nuôi con bằng sữa mẹ, người bị bệnh hiểm nghèo “Quy định này mới mang tính chất liệt kê” – đại biểu cho biết; đồng thời nêu quan điểm, đây là nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về sức khỏe, tài sản trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhưng quy định của dự thảo Luật chưa rõ, chưa bao quát hết những bất lợi mà người tiêu dùng dễ bị tổn thương có khả năng phải chịu.
Thực tế, ngoài sự bất lợi cho sức khỏe, tài sản, người tiêu dùng còn dễ bị tổn thương, có khả năng còn phải chịu những tác động bất lợi khác như bất lợi về danh dự, bất lợi về tinh thần.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc dự thảo Luật lần này đã xác định và cần phải bảo vệ quyền lợi cho đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là hết sức cần thiết và mang tính nhân văn. Tuy nhiên, chính sách, cách thức cụ thể để bảo vệ như thế nào đối với nhóm đối tượng này thì dự thảo luật vẫn chưa thể hiện rõ. Nếu không quy định rõ thì khó có tính khả thi trong áp dụng thực tiễn.
Theo đại biểu, đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương là đối tượng yếu thế. Do đó, Ban soạn thảo cần phải quy định rõ chính sách riêng, cụ thể khi các đối tượng này bị xâm phạm về quyền lợi, để đảm bảo pháp luật được thực thi hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân giải trình
Phát biểu giải trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trân trọng cảm ơn những ý kiến quý báu của các đại biểu Quốc hội, những ý kiến này sẽ giúp Bộ Công Thương làm tốt nhiệm vụ của mình trong việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ trưởng cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo Luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.