Bảo hiểm y tế và những khó khăn đối với người khuyết tật
Trong số 25 triệu người chưa có Bảo hiểm y tế có khoảng 20 triệu người làm nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, chính sách hiện hành là được Nhà nước hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ Bảo hiểm y tế nhưng họ vẫn chưa tiếp cận được khoản hỗ trợ này.
Bên cạnh đó, có khoảng 2 triệu người cận nghèo, thuộc nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% mệnh giá thẻ Bảo hiểm. Tuy nhiên việc cập nhật danh sách người cận nghèo cũng rất chậm trễ và cho đến nay mới có 4 triệu trong số 6 triệu người cận nghèo có thẻ Bảo hiểm y tế, khi viện phí tăng với nhóm trả viện phí trực tiếp, 2 triệu người chưa có thẻ còn lại sẽ gặp khó khăn.
Đối với người khuyết tật thì Bảo hiểm y tế lại càng quan trọng hơn, họ luôn mong muốn được chăm sóc sức khoẻ khám chữa bệnh vì đó là nhu cầu tất yếu và không thể thiếu đối với họ.
Người khuyết tật không có Bảo hiểm y tế đã khó khăn như vậy nhưng khi có Bảo hiểm y tế thì vẫn còn những khó khăn nhất định.
Trên thực tế, tỉ lệ người khuyết tật sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế đi khám tại các cơ sở y tế không cao, chất lượng phục vụ chưa thật sự tốt, trang thiết bị chưa đảm bảo yếu tố tiếp cận với người khuyết tật. Và có những khó khăn khi dùng thẻ Bảo hiểm y tế như phải khám đúng tuyến, thủ tục còn khá phức tạp, thời gian chờ đợi lâu…
Mức sống của người khuyết tật không cao, tình hình tài chính lại có hạn, trong khi chi phí khám, chữa bệnh lại không hề nhỏ. Hơn nữa, người khuyết tật thường có sức khỏe yếu hơn những người bình thường, vì vậy, người khuyết tật sẽ phải chi trả nhiều chi phí hơn cho quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt là chi phí điều trị lâu dài. Điều này càng thể hiện rõ người khuyết tật phải chịu gánh nặng tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe hơn so với người thường. Đó là còn chưa kể tới quá trình điều trị, người khuyết tật cần những dụng cụ hỗ trợ để đảm bảo quá trình phục hồi chức năng (ví dụ như nẹp, chân giả, tay giả…), nhưng những loại dụng cụ hỗ trợ này lại gần như không nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả. Như vậy, người khuyết tật phải tự mình trang trải cho những chi phí này. Đây là một trong những điều mà cộng đồng người khuyết tật rất băn khoăn và khá lo lắng.
Để người khuyết tật có được những hỗ trợ tốt nhất, có thể tiếp cận hoàn toàn với các chính sách, dịch vụ nên chăng các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo tính đồng bộ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, cụ thể, tăng cường nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác Bảo hiểm y tế, cũng như đội ngũ cán bộ y bác sỹ khám chữa bệnh đối với việc khám chữa bệnh cho người khuyết tật. Các cơ sở y tế công lập cần chú trọng tới công tác ứng xử, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người khuyết tật, có phương án hỗ trợ đối với người khuyết tật nhẹ sử dụng bảo hiểm y tế . Đặc biệt, cần phải đưa vào danh mục một số dụng cụ hỗ trợ thiết yếu cho người khuyết tật vào hạng mục do Bảo hiểm chi trả. Hiện thực hóa những điều này sẽ giúp người khuyết tật yên tâm hơn với việc tham gia bảo hiểm y tế và đảm bảo quyền của người khuyết tật trong quá trình tham gia khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.
Theo Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế và Điều 3, Điều 4, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 62/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế:
- Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ được Nhà nước đảm bảo kinh phí đóng Bảo hiểm y tế và được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người khuyết tật thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn được Nhà nước đảm bảo kinh phí đóng bảo hiểm y tế và được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người khuyết tật thuộc hộ gia đình cận nghèo được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng Bảo hiểm y tế và được thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người khuyết tật là học sinh, sinh viên được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 50% mức đóng Bảo hiểm y tế nếu thuộc hộ cận nghèo và hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng nếu không thuộc hộ cận nghèo và được thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người khuyết tật thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp mà có mức sống trung bình từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 30% mức đóng Bảo hiểm y tế và được thanh toán 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Người khuyết tật hiến các cơ quan của cơ thể được Nhà nước đảm bảo kinh phí đóng Bảo hiểm y tế và được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán 80% chi phí khám bệnh chữa bệnh.
|
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.