Bệ đỡ của Chính phủ và kỳ vọng đối với doanh nghiệp
2017-09-05 10:32:58
0 Bình luận
Với sự quan tâm, ủng hộ dành cho những dự án như VINFAST, Chính phủ cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, đòi hỏi các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam phải nhìn xa trông rộng, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt nhiều doanh nghiệp khác.
Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án VINFAST ngày 2/9 tại TP. Hải Phòng. Ảnh: VGP |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành sự quan tâm lớn đối với dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST của Tập đoàn Vingroup. Vào đúng ngày Quốc khánh 2/9, đích thân Thủ tướng cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành tới dự lễ khởi công dự án này tại Hải Phòng.
Biểu dương dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường và áp dụng kết quả của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, với tiến độ được xem là kỳ tích, Thủ tướng cũng yêu cầu VINFAST cần hợp tác với các doanh nghiệp ô tô khác trong nước để có sự phân công hợp lý trong sản xuất nhằm phát huy hiệu quả của toàn ngành.
Người đứng đầu Chính phủ quan tâm tới dự án này không chỉ bởi những con số về quy mô như công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào năm 2025, giải quyết việc làm cho 20.000 lao động, đóng góp vào ngân sách bằng tổng thu nội địa hiện nay của Hải Phòng, hay công nghệ hiện đại, tiên tiến theo cam kết của chủ đầu tư. Quan trọng hơn nữa là tác động lan tỏa có thể dự kiến được của dự án đối với nền kinh tế, khi đi theo sản xuất ô tô là hàng trăm nhà máy, xí nghiệp phụ trợ.
Chính phủ đã xác định cần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có sức cạnh tranh, góp phần tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước. Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam đã có khoảng 400 doanh nghiệp trong ngành sản xuất ô tô. Tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 460.000 xe/năm. Ngành đã giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100.000 lao động trực tiếp.
Tuy nhiên, rõ ràng là sự phát triển của ngành ô tô tại Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt, mục tiêu đạt tỉ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi 60% vào năm 2010 đã thất bại, thực tế cho đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp túi tiền người dân cũng chưa đạt được. Giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, theo xu hướng thế giới, những nước có trên 50 triệu dân thường có thương hiệu ô tô quốc gia.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, dự án mới của Vingroup không đơn thuần chỉ là bước phát triển mới của một tập đoàn kinh tế - cho dù đây là khởi đầu của việc Tập đoàn này tham gia lĩnh vực công nghiệp nặng. Lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy cũng là một trong những ngành công nghiệp mang tính dẫn dắt, có tác động tới nhiều ngành nghề khác.
Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong thế giới đầy biến động thì việc có thương hiệu sản phẩm quốc gia rất quan trọng. Vingroup là một tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu và sự ra đời của VINFAST thể hiện khát vọng xây dựng một thương hiệu Việt Nam có tầm thế giới, khẳng định khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại của người Việt. “Việc khởi công này (VINFAST) là một cử chỉ yêu nước”, Thủ tướng bình luận.
Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng đã yêu cầu phải “xóa bỏ mọi định kiến, rào cản” với khu vực kinh tế tư nhân và khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Do đó, sự ủng hộ của Chính phủ, của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với các dự án của các doanh nghiệp tư nhân là hết sức cần thiết. Nhà nước ủng hộ, tạo điều kiện, xóa bỏ mọi rào cản không đáng có cho mọi ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, mọi dự án dù lớn hay nhỏ - miễn là những ý tưởng, dự án đó không vi phạm pháp luật, không phải lợi ích nhóm, không đi ngược lại lợi ích của cộng đồng.
Như Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc từng trao đổi với Báo điện tử Chính phủ đầu năm nay: Bên cạnh vai trò xây dựng luật chơi, một Nhà nước kiến tạo, một Chính phủ kiến tạo cần làm “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp phát triển, phát hiện và hỗ trợ những mô hình doanh nghiệp có thể phát triển.
Trên thế giới, các nước phát triển luôn khuyến khích các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh và phát huy sức lan tỏa của họ. Ngay trong ngành công nghiệp ô tô, giữa tâm bão suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 2008-2009, Chính phủ Mỹ đã rót vào General Motors (GM) khoản tiền khổng lồ 49,5 tỷ USD để nắm giữ 61% cổ phần tại đây. Bộ Tài chính Mỹ cho biết động thái này đã ngăn chặn được sự sụp đổ của ngành công nghiệp ô tô Mỹ và bảo vệ hàng triệu việc làm. Câu chuyện này đã được Thủ tướng nhắc đến trong bài phát biểu nhân dịp khởi công VINFAST.
Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng và đòi hỏi các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam sẽ nhìn xa trông rộng, có thể làm đầu tàu, dẫn dắt cuộc chơi, tạo ra thị trường và mạng lưới kinh doanh hay các chuỗi giá trị, để các thành viên khác trong cộng đồng doanh nghiệp có thể xác định đường đi nước bước và chỗ đứng của mình. Nói khác đi, là phải xứng đáng với sự ủng hộ mà xã hội và Nhà nước dành cho họ, với lời động viên và sự quan tâm của Thủ tướng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Theo chinhphu.vn