Bí ẩn ngôi chùa thờ hai vị sư cơ thể bất hoại
Tam quan cổ kính của chùa Đậu |
Nhiều dấu ấn đặc sắc
Con đường nhỏ gập ghềnh, lúc xuyên qua làng mạc, lúc cắt qua cánh đồng, lúc uốn lượn triền đê dẫn đến ngôi chùa Đậu nằm cuối làng Gia Phúc (xã Nguyễn Trãi, Thường Tín, Hà Nội), Chùa Đậu nằm giữa cánh đồng, có dòng sông Nhuệ chảy uốn lượn sau lưng và những hồ nước lớn bao bọc xung quanh khiến chùa như được tạo dựng ngoài đảo. Đứng từ xa nhìn lại, chợt động tâm thấy cảnh nước biếc gương soi thấu cửa thiền. Chùa thờ bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ trong hệ thống Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) nên còn gọi là Pháp Vũ Tự. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, chùa vẫn giữ được khuôn viên hơn 4000m2 với những mái chùa cong vút cổ kính.
Theo truyền thuyết, chùa khởi dựng vào thế kỉ III, xây lớn vào đời nhà Lý. Kiến trúc của chùa theo kiểu “nội công ngoại quốc”, “tiền Phật hậu thánh” theo cấu trúc hệ thống tứ pháp của nhà Phật, mặt quay hướng Đông Nam. Trung tâm của quần thể kiến trúc gồm ba nếp nhà liên kết với nhau tạo thành hình chữ Công (I), phía trước là Chính Điện, phía sau là Thượng Điện, nơi đặt tượng nữ thần Pháp Vũ (tức bà Đậu). Ngôi Chính Điện có từ thời Lê, mái lợp ngói mũi hài, các cột xà đều chạm rồng; những bệ đá chân cột chạm hoa sen, bộ cửa tám cánh đề chạm tứ linh, tứ quý, sơn son thiếp vàng…
Kiến trúc nhà ba lớp liên tiếp |
Hai nếp nhà được liên kết bằng một ống muống , nơi này được gọi là Thiêu Hương , nơi bài trí hệ thống tượng Phật. Vào năm 1947, toàn bộ quần thể bị giặc Pháp đốt phá , chỉ còn lại nền móng và bệ đá bằng đá vôi ở giữa Thượng Điện. Bệ đá được làm bằng đá vôi, trang trí hoa văn rồng yên ngựa, hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Lê - Mạc. Sau đó, do nhu cầu tín ngưỡng của người dân, chính quyền và nhân dân địa phương đã cho đúc lại tượng nữ thần Pháp Vũ. Bảo vệ bên ngoài là Long Đỉnh được xây bằng gạch và bê tông. Đến năm 1986, chính quyền và nhân dân địa phương cho dựng tạm trên nền kiến trúc cũ nối thông Long Đỉnh với Chính Điện theo dạng ống muống. Kiến trúc này được gọi chung là Tam Bảo (hay Thượng Điện).
Phía ngoài cổng Tam Quan là một gác chuông rất đẹp, cách bài trí hai tầng tám mái với những mái chùa cổ kính. Nhiều bộ phận trên cột và kèo của gác chuông được các nghệ nhân thời đó khắc họa rất tinh xảo như hoa lá, rồng phượng…Đăc biệt trên tầng hai có treo quả đại hồng chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (năm 1801) thời Tây Sơn. Tiếng chuông lớn, ngân xa làm người ta gợi nhớ về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc.
Quả Đại Hồng chuông thời Tây Sơn |
Huyền bí hai pho tượng táng
Ngoài những giá trị kiến trúc, chùa Đậu còn bảo lưu được nhiều di vật quý như: 2 con chồn đá ở thềm Tam Quan có niên hiệu thời Trần, đôi rồng đá ở thềm bậc Tiền Đường, đến nay đã có hơn 500 năm tuổi; các phù điêu trạm hình tiên nữ đầu người, mình chim, những chàng trai cưỡi rồng đánh hổ, các loại gạch đất nung có hoa văn thời Mạc, thời Lê, hai bộ sách đồng…
Đặc biệt, chùa còn lưu giữ hai pho tượng ướp xác, còn gọi là xá lỵ, hay tượng táng hai vị tổ thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường quý hiếm, làm nên một chùa Đậu bí ẩn và độc đáo.
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Minh |
Tương truyền 2 vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là người thôn Gia Phúc, sống vào đầu và giữa thế kỷ XVII, kế tiếp nhau trụ trì Chùa Đậu. Theo di chúc của các vị thiền sư: "Ta vào nhập thất 100 ngày tụng kinh niệm Phật, sau đó xác thân sẽ được giữ nguyên". Hết 100 ngày các Phật tử mở cửa am, thấy thiền sư vẫn ngồi theo thế nhập thiền và có mùi thơm. Qua vài chục năm áo vải bị ẩm, rơi rụng. Khi đó thiền sư chỉ còn da bọc xương nên các thiện tín đã mặc cho ông một lớp áo bằng sơn ta. Thi hài của hai thiền sư là hiện vật lịch sử quý hiếm vì họ đã để lại Toàn thân Xá lợi. Xá lợi đốt không cháy, ngâm trong nước không tan, không bị không khí, thời gian bào mòn.
Nhục thân thiền sư Vũ Khắc Trường |
Hai pho tượng táng chùa Đậu đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là ngôi chùa có tượng nhục thân đầu tiên tại Việt Nam. Chùa Đậu còn được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa có cuốn sách bằng đồng cổ nhất Việt Nam, chùa được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1964.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chùa Đậu vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo và những di vật còn mãi với thời gian. Nó mang lại nhiều ý nghĩa tâm linh và thu hút rất nhiều khách thập phương đến cúng bái. Hằng năm, lễ hội được tổ chức từ mồng 8 đến mồng 10 tháng giêng (âm lịch). Người dân và du khách khắp nơi kéo đến cung bái, cầu mong mưa thuận gió hòa, thi cử đỗ đạt, bình an vô sự.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.