Bỏ biên chế giáo viên, lại thêm quyết định nóng vội?

2017-05-28 13:46:13 0 Bình luận
HOANHAP.VN Sau khi có thông tin Bộ giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên, việc tuyển dụng sẽ theo chế độ hợp đồng “có vào - có ra” và giáo viên sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ lớn đã tạo nên nhiều tranh cãi xung quanh việc này.

 

Từ thực tiễn của ngành giáo dục

Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, việc bỏ biên chế thay thế bằng hợp đồng lao động sẽ tạo ra cơ chế mở; “có ra, có vào”, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, là cơ sở để giáo viên luôn luôn nỗ lực, không chểnh mảng trong công việc.

Trên thực tế, hiện nay có một bộ phận giáo viên yếu kém về chuyên môn, trì trệ, không chịu khó học hỏi, đổi mới áp dụng các phương pháp dạy học mới, lại không thực sự tâm huyết với nghề, lên lớp dạy chỉ cho có mà vẫn nhận đủ lương như những giáo viên giỏi và trách nhiệm khác. Những giáo viên như vậy thường nghĩ, đã vào được biên chế rồi thì yên tâm, chỉ cần làm việc cầm chừng miễn là dạy đủ công, không ai đuổi ra khỏi ngành được. Nay thí điểm bỏ biên chế bằng việc ký hợp đồng sẽ buộc giáo viên phải luôn nỗ lực, cố gắng thay đổi cách dạy học, khẳng định chất lượng học sinh và không được phép chểnh mảng để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo.



Hơn 1 triệu lao động đang làm việc trong ngành giáo dục


Vấn đề đặt ra, khi bỏ biên chế giáo viên

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn về hiện tượng lạm quyền, lợi ích nhóm. Bởi nếu giao cho các trường tự chủ trong việc nhận và sa thải giáo viên theo hợp đồng, hiệu trưởng sẽ có quyền rất lớn. Liệu có dẫn tới tình trạng hiệu trưởng lạm quyền quyết định mọi vấn đề của trường mà không có giáo viên nào dám có ý kiến hay không. Khi ký hợp đồng giáo viên sẽ là người lao động còn hiệu trưởng là ông chủ sẽ có rất nhiều tình huống có thể xảy ra với các thầy cô giáo mà không phải tình huống nào cũng tích cực như lương không cố định, có thể bị sa thải nếu có ý kiến khác với hiệu trưởng...

Một chuyên gia phân tích: “Chuyện xin vào hợp đồng, xin vào biên chế hiện nay quyền lực của Hiệu trưởng cũng đã rất lớn và cũng có nhiều cái rất là tiêu cực mà bây giờ giao cho Hiệu trưởng, như vậy, hiệu trưởng quyền hành rất lớn. Phải có một cơ chế kiềm chế và kiểm soát lại và kiểm soát đó phải có hội đồng nhà trường thật là mạnh, giống như hội đồng quản trị phải thông qua chứ không phải một mình quyết định được”.

Hiện nay, ở một số nơi đã thuê hiệu trưởng. Do đó, nếu bỏ biên chế, hiệu trưởng cũng phải không trong biên chế như giáo viên và phải ký hợp lao động với một đơn vị chủ quản của trường đó. Từ phân tích như vậy, các chuyên gia cho rằng, việc bỏ biên chế giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải tính toán kỹ và đưa ra lộ trình cụ thể, không thể nói bỏ là bỏ ngay. Nếu bỏ thì phải tính đến chính sách đãi ngộ đối với giáo viên ở những vùng khó khăn, miền núi biển đảo như thế nào? Cơ chế chính sách như thế nào để đảm bảo lương và cuộc sống của họ?, nhất là trong điều kiện hiện nay lương giáo viên còn thấp. Nếu lương chưa tăng mà áp dụng việc xóa biên chế thì liệu còn mấy ai yêu nghề, mấy ai chịu đến những nơi khó khăn để dạy.

PGS.TS Phạm Tất Dong nói: “Liệu những vùng khó khăn lương, phụ cấp có thể khác nhiều như thế nào trong hợp đồng được thỏa thuận? Chắc chắn làm hợp đồng thì ở miền núi khó mà giữ được giáo viên. Có vấn đề đặt ra là có người thật là giỏi nhưng đến tuổi nghỉ rồi còn ký hợp đồng với họ không. Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải bàn với bên Lao động, Nội vụ và Tài chính. Hiện, vẫn chưa có những quy định, những cơ chế, chính sách cụ thể mà thực hiện ngay, tôi sợ hơi vội”.

Khi bỏ công chức, viên chức giáo viên thì rất có thể nhiều trường học không còn được bao cấp như mô hình hiện tại thì nhà trường sẽ nghĩ ra nhiều cách biến tướng đi để thu thêm tiền của học sinh, sinh viên. Không chỉ còn là học thêm dạy thêm mà khi ấy sẽ “đẻ” ra hàng trăm loại phụ phí khác như: Xây dựng trường học, lắp điều hòa, sửa chữa trường lớp, vườn cây… Phụ huynh học sinh có nhiều người không muốn theo nhưng họ buộc phải đóng tiền vì con họ đang học trong trường. Quả thực nếu như vậy thì việc bỏ công chức, viên chức sẽ chỉ làm cho gánh nặng đối với người dân. 

Bộ Giáo dục và đào tạo nói gì?

Trước nhiều ý kiến trái chiều trong chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua việc tự chủ chỉ được bàn đến nhiều ở giáo dục đại học, chưa đề cập ở giáo dục phổ thông. 

Từ băn khoăn này, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông. Ở giáo dục phổ thông, tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.

Về nhiệm vụ, các trường đã được phân quyền rồi nhưng thực tế chưa chủ động. Nếu không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa, vai trò chủ động của nhà trường và tính linh hoạt của thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt và khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.

Về tổ chức bộ máy và nhân sự, đây là vấn đề thiếu tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường. Các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng.

Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay sở GD&ĐT đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường. Điều đó dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được thầy cô giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục.

“Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên. Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng”, ông Nhạ khẳng định.

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng điều này tạo ra một lối suy nghĩ khác, đó là coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất. Giáo viên tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu. Năng lực của giáo viên được thể hiện qua thu nhập.

Bước đầu, sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, ý kiến băn khoăn, thậm chí là phản đối. Nhưng về lâu dài, việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Vì vậy, bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng lúc toàn ngành chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.

Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm ở những nơi có điều kiện như một số trường phổ thông có thương hiệu. Hiện tại, việc này trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành.

*****

Những ý kiến vừa nêu đều rất đáng được tham khảo, mong rằng trước khi Bộ giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ biên chế giáo viên - 1 quyết định liên quan đến hơn 1 triệu lao động đang làm việc trong ngành giáo dục, cần có những cân nhắc hợp lý, và có lộ trình, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của cả nước./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sun Symphony Residence - mảnh ghép hoàn thiện “bản giao hưởng” bên Dòng sông Ánh sáng

Ngày 12/5, hơn 2000 nhà đầu tư đã thăng hoa cùng “nốt sol” Sun Symphony Residence của bản giao hưởng bên sông Hàn - Dòng sông Ánh sáng tại sự kiện do Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) tổ chức đồng thời ở Hà Nội và Đà Nẵng
2024-05-13 18:20:32

Quảng Ninh: Động thổ xây dựng lại ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi tại Thị xã quảng Yên

Vừa qua, tại xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng chùa Lái (hay còn gọi là Linh Ngai Tự).
2024-05-13 15:24:20

Bí quyết thành công của quán kem trái cây tươi “chốt đơn” hàng nghìn que mỗi ngày

Xưởng kem thủ công của anh Tô Tuấn Anh tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội sản xuất loại kem làm từ hoa quả tươi có xuất xứ từ Mexico. Thu hút thực khách nhờ hương vị trái cây “thật”, không sử dụng hương liệu, phẩm màu hay chất bảo quản, loại kem này nhanh chóng trở thành món ăn giải nhiệt được yêu thích vào mùa hè này.
2024-05-13 11:09:06

Hơn 12 năm hành trình ''Cơm 5.000 đồng Hà Nội''

Đều đặn mỗi sáng cuối tuần căn bếp ấm cúng tại căn nhà nhỏ trên phố Minh Khai lại lên lửa, hàng chục bạn trẻ nhóm Cơm 5000 Hà Nội cùng nhau xắn tay áo, chuẩn bị các xuất cơm đặc biệt lan tỏa đến các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện lớn.
2024-05-13 10:52:54

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
2024-05-13 10:36:53

Giá nhà chung cư Hà Nội quay về giá trị thực?

Sau một thời gian tăng giá chóng mặt với mức cao ngất thì đến thời điểm hiện tại, giá chung cư tại Hà Nội đã dần có sự điều chỉnh quay đầu, trở về với giá trị thực. Sự đảo chiều bất ngờ nhưng đúng quy luật này chính chỉ là chỉ dấu cho thấy cơn sốt giá chung cư ảo ở Hà Nội đã hạ nhiệt.
2024-05-13 09:26:56
Đang tải...