Bộ Chính trị sẽ có một Nghị quyết về FDI

2019-01-15 10:02:07 0 Bình luận
Chiều 14/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương để xây dựng Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, thông qua.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung xây dựng Đề án có chất lượng, định hướng giải pháp rõ ràng cho lâu dài - Ảnh: VGP/Thành Chung 


Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, Việt Nam đã có lịch sử 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trở thành một thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Đến nay, đã có hơn 26.500 dự án ĐTNN đến từ 129 quốc gia và vùng lãnh thổ, cam kết đầu tư trên 334 tỷ USD vào Việt Nam.

Đến năm 2017, khu vực ĐTNN chiếm gần 20% GDP, đóng góp 23,7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, sử dụng gần 4 triệu việc làm trực tiếp và 5-6 triệu việc làm gián tiếp.

Tuy nhiên, thời gian qua Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa có một Nghị quyết chuyên đề về thu hút FDI. Do đó, việc Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ trì xây dựng Đề án này để trình Bộ Chính trị thông qua bằng một Nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI mang lại. Đồng thời, góp phần để Đảng, Nhà nước lồng ghép việc thu hút FDI trong phát huy nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021-2030.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến tại Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào tháng 10/2018, báo cáo tổng kết của 11 bộ, ngành, 63 địa phương, góp ý của Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo Đề án. Theo đó, Đề án liệt kê 10 đóng góp chủ yếu và 6 hạn chế bất cập của khu vực FDI tới nền kinh tế trong nước.

Về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán, coi khu vực FDI là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài. Thu hút FDI có chọn lọc, khuyến khích gắn kết với doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đa phương hoá, đa dạng hoá, bảo đảm tính độc lập của nền kinh tế, bảo đảm an ninh quốc gia...

Có 2 nền kinh tế trong 1 đất nước?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo Đề án đã liệt kê được nhiều vấn đề liên quan tới FDI nhưng chưa nêu bật được những nội dung “then chốt” liên quan đến thực trạng, xu hướng phát triển của khu vực FDI, đặt ra nền tảng thu hút lĩnh vực này trong giai đoạn tới.

“Cần lắng nghe, chắt lọc các ý kiến chuyên gia, nhất là tiếp thu, cụ thể hoá các đánh giá, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài. Không chỉ làm rõ được thực trạng mà còn thể hiện được xu hướng thu hút FDI và sự thay đổi, hoàn thiện chính sách thu hút FDI”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng dư luận xã hội đang có “cảm giác” là có sự lệch pha giữa khu vực FDI và khu vực trong nước, đến mức một số chuyên gia đã nói “có 2 nền kinh tế trong 1 đất nước”. Hay như nhận định Nhà nước ưu đãi quá mức cho FDI mà để doanh nghiêp trong nước lép vế. Do vậy, các bộ, ngành phải nhận định rõ các nội dung này để thiết lập quan điểm, giải pháp trong thu hút FDI, tăng cường nội lực khu vực kinh tế bản địa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường.

Về định hướng thu hút FDI, Phó Thủ tướng cho rằng dự thảo Đề án chưa đánh giá được tác động của sự phát triển cách mạng công nghệ và sự dịch chuyển đầu tư dòng vốn trên thế giới. Chưa phân tích, làm rõ nhận định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển nội hàm thu hút và sử dụng FDI sang nội hàm chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài cả về quản lý, kết nối, đầu tư mua lại, sáp nhập lẫn nhau, đặc biệt hợp tác bảo vệ môi trường, bảo vệ người lao động, bảo đảm các lợi ích xã hội. Hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ Đề án của Bộ Chính trị không phải để xác lập chủ trương mà là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút FDI, định hướng khắc phục hệ thống pháp luật về thuế, doanh nghiệp, đầu tư, sử dụng đất đai... và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật.


Ảnh: VGP/Thành Chung


Hướng tới thu hút, ưu đãi cho cả doanh nghiệp trong nước và FDI

Từ thực tiễn của địa phương, lãnh đạo UBND Thành phố Hải Phòng cho biết quan điểm của Thành phố là ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chuỗi sản xuất toàn cầu và các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, Hải Phòng cũng thu hút các doanh nghiệp FDI làm phụ trợ cho doanh nghiệp trong nước như các doanh nghiệp của Đức tới đầu tư, sản xuất khung, gầm ô tô cung cấp cho Vinfast.

“Hải Phòng thu hút FDI gắn với lợi thế so sánh địa phương và phát huy lợi thế của vùng và mong được Chính phủ đầu tư hệ thống giao thông thuỷ, biển, bộ, hàng không để giữ chân các nhà đầu tư ở Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm phía bắc”, đại diện Hải Phòng nói.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Khánh Hoà thì cho rằng thủ tục lựa chọn nhà đầu tư FDI đấu thầu sử dụng đất quá lâu, mất tới 700 ngày làm việc, phân cấp, phân quyền cho địa phương lựa chọn nhà đầu tư chưa triệt để làm mất cơ hội cho các nhà đầu tư...

Còn lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc cho biết khu vực FDI chậm triển khai các thiết chế nhà ở, dịch vụ cho công nhân nên gây sức ép rất lớn tới quản lý của địa phương. Lãnh đạo Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên thì cho biết doanh nghiệp trong nước khó tham gia cung cấp phụ trợ vì các cơ chế đấu thầu quốc tế ngặt nghèo của doanh nghiệp FDI và việc chuyển giao công nghệ, quản lý còn hạn chế.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, nêu bật được thực trạng, định hướng giải pháp quan trọng để phát huy hơn các thuận lợi, khắc phục những hạn chế để khu vực FDI tiếp tục đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&ĐT thành lập Tổ soạn thảo Đề án, tổ chức chương trình làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bình Dương là những địa phương thu hút FDI chủ lực để ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của địa phương trong hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả thu hút FDI.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Chủ tịch nước Lương Cường: Việt Nam sẵn sàng hợp tác vì một APEC thịnh vượng

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024, Chủ tịch nước Lương Cường đã tham gia các sự kiện quan trọng và gửi đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và phát triển bền vững.
2024-11-16 09:16:13

Hải Phòng tổ chức chương trình gặp mặt, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam

Chiều 15/11, TP.Hải Phòng tổ chức chương trình “Gặp mặt kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam” (20/11/198 2 - 20/11/2024). Chương trình nhằm tôn vinh các thế hệ thầy, cô đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp giáo dục thành phố, khơi dậy truyền thống “tôn sư trọng đạo”, một giá trị văn hóa quý báu.
2024-11-16 05:47:11

Hải Phòng tổ chức tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân cuối năm

Ngày 15/11, HĐND TP.Hải Phòng (khóa XVI) tổ chức tiếp xúc với cử tri các quận Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Kiến An và các huyện Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Lão, An Dương trước khi diễn ra kỳ họp thường lệ cuối năm.
2024-11-15 21:43:21

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
2024-11-15 20:29:00

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn

Sáng 15/11, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”
2024-11-15 17:54:20

Hướng tới xã hội chống lãng phí của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí cũng chính là một trong bốn giải pháp đột phá được đưa ra trong bài viết “Chống lãng phí” gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm.
2024-11-15 10:19:31
Đang tải...