Bộ Công thương tạo đột phá chiến lược trong phát triển năng lượng quốc gia 2024
Chiều ngày 23/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực và kết quả quan trọng mà ngành Công Thương đạt được trong năm 2024. Theo đó, ngành Công Thương đã có thành tích ấn tượng trong thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Cụ thể, trong năm 2024, Bộ Công thương đã có sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, trọng tâm là việc chủ trì, tham mưu chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới trong lĩnh vực năng lượng. Đây là các bước đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua Luật Điện lực sửa đổi, tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo, tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia, giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành.
Nửa đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành và ban hành Kế hoạch thực hiện 4 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Quy hoạch điện 8, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch khoáng sản; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia.
Tại hội nghị, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có báo cáo về tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của tỉnh, kiến nghị Bộ Công thương một số nội dung liên quan đến phát triển năng lượng.
Với việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc dự án năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, Bộ cần sớm ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu cơ quan thẩm quyền ban hành các quy định pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo đảm bảo đầy đủ, đồng bộ về quy định, hướng dẫn việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án và đưa ra cơ chế, chính sách giá mua điện các loại hình năng lượng tái tạo đảm bảo hấp dẫn nhà đầu tư.
Đề xuất Bộ rút ngắn thủ tục hành chính trong lĩnh vực triển khai đầu tư dự án chuyên ngành điện và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng truyền tải.
Về việc thúc đẩy tiến độ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, ông Trịnh Minh Hoàng kiến nghị Bộ Công Thương sớm tham mưu Chính phủ điều chỉnh đồng bộ Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch điện VIII, các Quy hoạch ngành quốc gia về phát triển điện hạt nhân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về điện hạt nhân.
Đồng thời, Bộ cần xác định cụ thể lộ trình triển khai các nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận để tỉnh có cơ sở điều chỉnh quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng vùng phát triển điện hạt nhân.
Ông Hoàng khẳng định tỉnh Ninh Thuận sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi động lại nhà máy điện hạt nhân theo chủ trương của Trung ương, Quốc hội, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, quán triệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.