Bỏ phương án vận chuyển rác từ huyện Côn Đảo vào đất liền
Tình trạng quá tải tại bãi rác Bãi Nhát, huyện Côn Đảo. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN) |
Ngày 23/8, thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp với đại diện các sở, ngành chức năng và huyện Côn Đảo để xem xét phương án, phê duyệt dự toán chi phí vận chuyển rác thải sinh hoạt tồn đọng tại huyện Côn Đảo về đất liền xử lý.
Cụ thể, số lượng rác tồn đọng tại bãi rác Bãi Nhát, huyện Côn Đảo, hiện là khoảng 70.000 tấn, chưa kể rác phát sinh hàng ngày là 15 tấn/ngày.
Huyện Côn Đảo đã đưa lò đốt rác thải sinh hoạt vào hoạt động với công suất 150-500kg rác/giờ, mỗi ngày đốt được khoảng 5 tấn rác thải. Lượng rác tiếp tục tồn đọng mỗi ngày thêm khoảng 10 tấn...
Do chôn lấp đơn giản nên mùi hôi thối và nước rỉ rác tràn lan gây ô nhiễm khu vực xung quanh. Nước rỉ rác đang xâm nhập và làm ô nhiễm nguồn nước, đất tại đây, đe dọa môi trường bãi tắm Bãi Nhát ở gần đó và nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Để xử lý tình trạng này, từ đầu năm 2019 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã tiến hành họp nhiều cuộc họp để tìm phương án phù hợp.
Tại cuộc họp đầu tháng 7/2019, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã thống nhất phương án vận chuyển rác tồn đọng trên theo đường tàu biển về đất liền xử lý tại khu chôn lấp rác thải tập trung tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhằm giải phóng bãi rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường và mỹ quan đô thị khu vực Bãi Nhát, giải phóng mặt bằng khu vực bãi rác để sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội khác của huyện.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giao huyện Côn Đảo khẩn trương xây dựng định mức, đơn giá xử lý, gửi Sở Xây dựng, Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo thường trực Tỉnh ủy trong tháng 7/2019; đồng thời lập dự án xây dựng đường vào, chuẩn bị mặt bằng nhà máy xử lý rác thải Côn Đảo...
Trên cơ sở đó, huyện Côn Đảo đã lập phương án và dự trù kinh phí thực hiện.
Cụ thể, số lượng rác tồn đọng tại Côn Đảo được tính để vận chuyển là khoảng 56.000 tấn (tạm tính tỷ trọng sau khi ép, còn khoảng 80%). Thời gian thực hiện ép rác dự kiến trong 7 tháng với tổng kinh phí ép rác, vận chuyển về đất liền là gần 40 tỉ đồng. Cộng với các khoản chi phí khác như xử lý, chôn lấp tại khu xử lý rác tập trung xã Tóc Tiên... tổng số tiền sẽ là gần 61 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Nhà nước chi trả.
Sau khi được tỉnh phê duyệt, huyện sẽ tổ chức đấu thầu, chọn đơn vị thực hiện, tổ chức triển khai cuối năm 2019, đầu 2020.
Huyện Côn Đảo đã báo cáo riêng về việc xây dựng hạ tầng nhà máy xử lý rác sinh hoạt tại Bến Đầm dự kiến sẽ rộng khoảng 1,92ha, thuộc đất hợp phần của Vườn quốc gia Côn Đảo.
Diện tích bãi rác Bãi Nhát khoảng 8.150m2 thuộc đất rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Côn Đảo quản lý, trong đó diện tích rác chiếm chỗ hiện nay là 7.350m2. Diện tích đất còn lại khoảng 800m2, trong đó, các công trình hiện hữu chiếm 580m2, nhà đốt rác khoảng 96m2...
Trường hợp nếu sử dụng phương án đốt rác truyền thống thì phải cần diện tích đất khoảng 2.000m2, lấy thêm đất rừng đặc dụng của Vườn quốc gia Côn Đảo. Tuy nhiên, thủ tục xin chuyển đổi đất rừng đặc dụng hiện nay phải trình Thủ tướng phê duyệt.
Hiện nay, số lượng rác tồn đọng tại bãi rác Bãi Nhát, huyện Côn Đảo khoảng 70.000 tấn. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN) |
Đối với phương án xã hội hóa nhà máy xử lý rác tại chỗ, huyện Côn Đảo cũng đã phối hợp với doanh nghiệp lập dự án. Công suất nhà máy xử lý rác dự kiến 115 tấn/ngày (trong đó rác tồn đọng là 100 tấn/ngày, rác thải phát sinh hàng ngày là 15 tấn). Với công suất như vậy phải mất 26 tháng mới xử lý xong hết rác tồn đọng.
Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là nếu đầu tư thì sau khi xử lý xong số rác tồn đọng, nhà máy có công suất như trên lại quá lớn so với nhu cầu tại Côn Đảo là 15 tấn rác mỗi ngày và tương lai là khoảng 30-40 tấn/ngày.
Ngoài ra còn phương án xã hội hóa xây dựng nhà máy xử lý rác kết hợp đóng kiện rác đưa về cảng Bến Đầm chờ xử lý cũng còn nhiều bất cập...
Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá kỹ, trên cơ sở ý kiến các sở, ngành, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất bỏ phương án đóng gói rác, vận chuyển bằng tàu về đất liền, chôn lấp tại Khu xử lý rác Tóc Tiên (thị xã Phú Mỹ) do chi phí đóng gói, vận chuyển, chôn lấp quá cao, không hiệu quả.
Thay vào đó, tỉnh chọn phương án xử lý rác tồn đọng bằng công nghệ đốt ngay tại huyện Côn Đảo. Trong khi chờ Sở Tài nguyên và Môi trường lên phương án xử lý, xây dựng nhà máy đốt rác có công nghệ tốt, phù hợp, số rác tồn đọng sẽ được đóng gói, hút chân không để tránh ô nhiễm môi trường và tạm thời bảo quản tại huyện Côn Đảo./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.