Bộ Tài chính góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh
22.800 DN tham gia NSW
Tại cuộc họp báo, Bộ Tài chính cho biết với vai trò là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Tổng cục Hải quan là cơ quan thường trực giúp việc cho Ủy ban 1899 đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc thúc đẩy kết nối thủ tục NSW và ASW, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Tính đến nay, NSW đã kết nối 11 bộ, ngành với 53 thủ tục hành chính được thực hiện và đạt được một số kết quả tích cực như: hạ tầng công nghệ thông tin hoạt động ổn định; các vướng mắc của doanh nghiệp (DN) cơ bản được giải quyết; nhận thức về tạo thuận lợi thương mại đã được nâng lên; số lượng hồ sơ, thủ tục giải quyết qua NSW tăng đáng kể...
Tính đến 15/7/2018 đã có 1,34 triệu hồ sơ của 22.800 DN đã được xử lý thông qua NSW.
Các bộ, ngành đến nay đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về KTCN theo Quyết định số 2026/QĐ-TTg.
Về việc thực hiện ASW, ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức kết nối trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA (C/O) mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN.
Về Cơ chế một cửa Asean, từ ngày 1/1/2018, Việt Nam đã chính thức kết nối với Cơ chế một cửa ASEAN trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ điện tử ATIGA C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan và sử dụng chứng từ này làm căn cứ để áp dụng mức ưu đãi thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN. Tính đến ngày 30/6/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 04 nước này là 30.674 C/O, tổng số C/O gửi tới 04 nước là 15.372 C/O. Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Philippines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O form D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia, Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan Asean. Không chỉ dừng lại trong khu vực Asean, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh Kinh tế Á – Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.
Trong lĩnh vực KTCN, số lượng hàng hóa phải KTCN còn chiếm tỷ trọng lớn (trong năm 2017, số lô hàng bị KTCN so với tổng số lô hàng XNK chiếm khoảng 19,4%); hiệu lực hiệu quả KTCN còn thấp, còn nhiều chồng chéo và trùng lặp; phí kiểm tra một số mặt hàng XNK vẫn còn cao…
Bộ Tài chính cũng cho biết việc triển khai NSW, ASW và cải cách công tác KTCN mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song kết quả triển khai vẫn còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai chủ trì họp báo |
Để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế và tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa NSW, ASW, Bộ Tài chính đã được Chính phủ giao chuẩn bị tổ chức hội nghị chuyên đề về “Thúc đẩy NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại”. Dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức diễn ra vào ngày 24/7/2018
Hội nghị quan trọng này sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban 1899; Bộ trưởng Bộ Tài chính - Phó Chủ tịch Ủy ban 1899 và có sự tham gia của các đại sứ một số nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đại diện các DN, hiệp hội DN…
Sau khi kết thúc hội nghị, Ủy ban 1899 căn cứ vào kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 văn bản quan trọng.
Đó là, nghị định của Chính phủ quy định về thực hiện các thủ tục hành chính thông qua NSW, ASW và KTCN đối với hàng hóa XNK và Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác KTCN nhằm tạo thuận lợi thương mại.
Tại buổi họp báo, Tổng cục Hải quan cho biết, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đồng thời thực hiện các cam kết quốc tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua các Bộ, ngành đã tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác quản lý và thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Dự kiến, đến cuối năm 2018, sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu đến hết năm 2019, triển khai các thủ tục hành chính có số lượng giao dịch nhiều, tác động lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân đạt ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện.
Đến hết năm 2020, hoàn thành triển khai tất cả các thủ tục hành chính của các Bộ, ngành tham gia quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Đóng góp tích cực vào cải thiện môi trường kinh doanh
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan việc triển khai NSW, ASW đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. "Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan chính phủ."- ông Bình nhận định.
Các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này. Những nỗ lực cải cách của Chính phủ Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy NSW, ASW đã và sẽ phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 xuống 55 giờ); Đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); Chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; Tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu (với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu) và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu (với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu).
Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 04 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu trong khu vực ASEAN. Những kết quả này đã phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới nói chung và triển khai NSW, ASW nói riêng.
Lợi ích toàn diện cho Chính phủ, người dân và doanh nghiệp
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình đã trực tiếp giải đáp các vướng mắc, băn khoăn của phóng viên báo chí liên quan đến NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lợi ích của việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại, Thứ trưởng Vũ Thị Mai một lần nữa nhấn mạnh, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại đem lại lợi ích toàn diện cho Chính phủ, người dân và đặc biệt là doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu Việt Nam đối với hàng xuất khẩu giảm 03 giờ (từ 58 giờ xuống còn 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 06 giờ (từ 62 giờ xuống còn 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 01 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu và trên 34 triệu giờ lưu kho bãi đối với hàng nhập khẩu. Kết quả này phản ánh nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của các cơ quan thuộc Chính phủ trong lĩnh vực giao lưu hàng hoá biên giới. Cũng theo báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 2 năm trở lại đây (2016, 2017), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong 4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hoá qua biên giới đứng đầu trong khu vực Asean.
Thông qua cơ chế một cửa quốc gia, các cơ quan nhà nước làm quen và dẫn chuyển đổi sang thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; các giao dịch hành chính được ghi nhận trên hệ thống giúp cơ quan nhà nước đo lường thời gian, tính toán hiệu quả thực hiện TTHC, góp phần cải cách thủ tục để phục vụ doanh nghiệp và người dân được tốt hơn. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giúp Việt Nam sẵn sàng về mặt kỹ thuật cũng như pháp lý để đàm phán các thoả thuận song phương, đa phương trong việc công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật, giấy phép/giấy chứng nhận điện tử nhằm đơn giản hoá TTHC tại nước nhập khẩu; giảm thời gian thông quan và tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ra các thị trường quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.