Trong thông cáo báo chí, Bộ Y tế cho rằng việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong chương trình sữa học đường là rất cần thiết, nhưng cũng có nhiều ý kiến khác.
Ngày 5.12, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 31/2019/TT-BYT (TT31) quy định yêu cầu đối với các sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường (CTSHĐ), thay thế Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28.9.2016. Nội dung đáng chú ý nhất của TT31 là sản phẩm sữa tươi trong CTSHĐ phải đảm bảo đủ 21 vi chất với hàm lượng trung bình của từng loại vi chất trong 100 ml sữa và quy định về nguồn nguyên liệu đầu vào, việc công bố sản phẩm, ghi nhãn cũng như điều khoản chuyển tiếp. Theo quy định tại TT31, ngoài 3 vi chất sắt, can xi, vitamin D mà CTSHĐ đang thực hiện thì tới đây sẽ bổ sung thêm 18 vi chất khác như: kẽm, đồng, phospho, ma giê, các loại vitamin A, E, C, B1, B2…
Theo Bộ Y tế, TT31 được ban hành nhằm thực hiện các chỉ tiêu của Quyết định 1340/QĐ-TTg ngày 8.7.2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt CTSHĐ cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020, đặc biệt là các chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi, tăng chiều cao.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa, Hà Nội) trả lời trên báo Thanh niên, việc Bộ Y tế quy định bổ sung nhiều vi chất khiến nhiều người cho rằng có thêm nhiều vi chất thì người dùng càng có lợi. Tuy nhiên, đối với dinh dưỡng, cách hiểu này chưa hẳn đã đúng.
21 vi chất được bổ sung vào trong chương trình sữa học đường theo thông tư 31 của Bộ Y tế
Theo ông Thịnh, 21 loại vi chất bổ sung vào sữa tươi là các chất dinh dưỡng vốn có sẵn trong các loại thực phẩm như rau, củ, quả. Tùy từng khu vực địa lý hoặc do thói quen về ăn uống nên có thể trẻ ở đó thiếu đi một số vi chất cần được bổ sung. Nhưng khi Bộ Y tế đưa ra quy định bổ sung 21 vi chất này vào sữa tươi, tức đã biến loại sản phẩm này thành sữa công thức và áp dụng đại trà cho toàn bộ trẻ em là không ổn.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng đối với sữa học đường, nền chính vẫn là sữa tươi, dinh dưỡng đưa vào chỉ để bổ sung các vi chất mà trẻ bị thiếu hụt để giải quyết vấn đề còi xương, phát triển trí tuệ. Còn sữa công thức thì mỗi loại có đối tượng nhất định chứ không thể đại trà, sẽ nguy hiểm, thậm chí có trường hợp không tốt cho sức khỏe trẻ em.
“CTSHĐ là một chương trình đặc biệt, rất hiếm có và có tác động tới trẻ em, tới toàn dân nhưng việc đưa ra quy định nêu trên của Bộ Y tế là quá vội vàng và không phát huy được đúng mục đích, hiệu quả mà chương trình đề ra. Quan điểm của tôi là đưa thêm càng nhiều vi chất vào sữa tươi thì càng tốt cho trẻ nhưng cần phải làm rõ việc đưa vào như vậy dựa trên cơ sở nào, theo nghiên cứu khoa học nào?”, ông Thịnh nói.
Theo ý kiến của Viện Dinh dưỡng thì việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình Sữa học đường là rất cần thiết và sẽ giúp đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về vitamin và khoáng chất hàng ngày của trẻ. Đồng thời Thông tư 31/2019/TT-BYT cũng đã quy định rõ ràng về hàm lượng trung bình cần bổ sung của mỗi loại vi chất, tạo cơ sở thống nhất cho tất cả các địa phương thực hiện chương trình sữa học đường.
Trong thông cáo này, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng phối hợp với Bộ Y tế tích cực thông tin tuyên truyền giúp cho Chương trình Sữa học đường được thực hiện hiệu quả, góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học của Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng.