Cà Mau chủ động mời Tổ công tác của Thủ tướng đến ‘gỡ vướng’
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kiểm tra hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh Cà Mau. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Ngày 11/8, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Cà Mau về thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đã nêu nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc, qua đó kiến nghị Tổ công tác báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm giải quyết.
Cụ thể, vấn đề đáng quan ngại nhất đối với Cà Mau hiện nay là tình trạng sạt lở ven biển vẫn đang diễn biến phức tạp. Hiện một số đoạn đang sạt lở nghiêm trọng, ngân sách xử lý khẩn cấp Trung ương cấp cho tỉnh chỉ đảm bảo thực hiện 50% khối lượng công việc, do đó lãnh đạo Cà Mau kiến nghị được bố trí thêm vốn hỗ trợ tỉnh triển khai các dự án kè chống sạt lở.
Cùng với chống sạt lở, hạ tầng giao thông yếu kém cũng đang là một khó khăn lớn khác, khiến một tỉnh dù có 3 mặt tiếp giáp biển, có một ngư trường đánh bắt thủy sản trọng điểm của cả nước nhưng vì khoảng cách địa lý và hạn chế về giao thông nên đến nay tỉnh này vẫn khó hội nhập và phát triển.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, mặc dù đã kiến nghị rất nhiều nhưng hiện thành phố Cà Mau, trung tâm tỉnh này đang là địa phương duy nhất tại khu vực không có tuyến đường tránh, tất cả các loại xe đều đi chung một tuyến đường đi thẳng vào thành khố khiến tai nạn và ách tắc giao thông xảy ra thường xuyên.
Ngoài ra, hiện tuyến Quốc lộ 1, đồng thời cũng là tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cà Mau đi Năm Căn rất hẹp trong khi mật độ giao thông cao. Hay tuyến quốc lộ 63 đi Kiên Giang, đoạn trên địa bàn Kiên Giang đã làm xong nhưng đoạn qua thành phố Cà Mau đình trệ đã lâu, xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Tiến Hải cho hay, mặc dù đã làm việc nhiều lần với Bộ Giao thông vận tải nhưng các dự án trên vẫn chưa có tiến triển.
Liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, lãnh đạo Cà Mau cho biết giai đoạn 2011 – 2015 đã cổ phần hóa 65 doanh nghiệp. Giai đoạn từ 2016 - 2020, tỉnh đang tiếp tục triển khai, tuy nhiên đối với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ngọc Hiển, Chủ tịch UBND Cà Mau cho biết đây là hai doanh nghiệp đang quản lý rất nhiều đất rừng, nếu như triển khai theo mục tiêu chung có nhiều nhà đầu tư tham gia nhưng quan điểm của Cà Mau cho rằng sẽ rất khó để quản lý, nhất là vấn đề cuộc sống người dân địa phương nhận khoán đất rừng của các công ty trên và đang sinh sống tại đây ổn định. Đề xuất của Cà Mau là sẽ sắp xếp hai công ty trên theo hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên.
Chủ tịch UBND Cà Mau cũng kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ “gỡ rối” vướng mắc về pháp lý liên quan đến việc bán đấu giá căn nhà sở hữu nhà nước số 18 Ngô Quyền, thành phố Cà Mau; thủ tục thành lập Trường Đại học Y dược; thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về thủy sản.
Kiến nghị Tổ công tác báo cáo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương thực hiện các thủ tục cho triển khai Dự án đầu tư Nhà máy Điện gió Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1, cụ thể là vướng trong điều chỉnh quyết định giao đất khu vực biển cho pháp nhân mới là người nước ngoài. Xem xét ban hành cơ chế để huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ ven biển, kết hợp với đầu tư khai thác du lịch, điện gió, điện mặt trời…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá Cà Mau mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã rất nỗ lực trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Việc Cà Mau chủ động có văn bản mời Tổ công tác của Thủ tướng về làm việc cũng đã thể hiện tinh thần này.
Trong cải cách thủ tục hành chính, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Cà Mau thành lập được một Trung tâm hành chính công của tỉnh, có thể kết nối liên thông với sở, ban, ngành trên hệ thống điện tử, với tần suất 3 ngày giải quyết xong thủ tục thành lập doanh nghiệp là rất tiến bộ. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo tỉnh quyết liệt hơn, cử được lãnh đạo các sở ra trực tiếp xử lý hồ sơ của người dân và doanh nghiệp, để có thể thẩm tra tại chỗ, quyết định tại chỗ và trả hồ sơ, thay vì chuyên viên tiếp nhận rồi lấy hồ sơ mang về sẽ làm giảm đi ý nghĩa của cải cách.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đánh giá cao đề án quản lý xe công tập trung của tỉnh Cà Mau, và cho rằng đây là giải pháp tăng hiệu quả sử dụng xe công và tiết kiệm ngân sách mua sắm xe công của tỉnh. Nếu Cà Mau triển khai thành công thì đây sẽ là mô hình cho các địa phương khác học tập.
Liên quan đến 17 đề xuất, kiến nghị của tỉnh, trước hết là quy hoạch điện gió, thế mạnh của Cà Mau, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nếu kết hợp với điện khí, điện mặt trời thì Cà Mau sẽ trở thành một trung tâm sản xuất điện lớn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và đồng thời sẽ làm việc với Bộ Công Thương để đẩy nhanh việc này.
Đối với công tác chống sạt lở ven biển, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng không chỉ có kè bờ, mà còn phải di dời dân, tái định cư và cho biết sẽ tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành cơ chế, tạo điều kiện để Cà Mau đẩy nhanh các công trình chống sạt lở biển mang tính cấp thiết và lâu dài.
Ngoài ra, với dự án Trường Đại học tư thục Y Dược, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng hứa sẽ cố gắng để trong tháng 8 này sẽ có thể trả lời cho tỉnh. Các kiến nghị, đề xuất khác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cam kết những gì làm được ngay như kiến nghị: Văn phòng Chính phủ cập nhật, giao tất cả các nhiệm vụ (trừ những văn bản mật); hay kịp thời cập nhật thông tin trên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, trong đó, nội dung nhiệm vụ nên viết ngắn gọn, cô đọng và cụ thể... thuộc thẩm quyền của Văn phòng Chính phủ thì sẽ được xử lý sớm. Còn những kiến nghị khác, Tổ công tác sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có những chỉ đạo sớm, tạo điều kiện cho Cà Mau phát triển.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.