Các Nghị quyết của Quốc hội được triển khai quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả
Ảnh minh họa |
Xử lý trách nhiệm người ban hành quyết định hành chính trái pháp luật
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, một trong những nội dung quan trọng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo là nâng cao chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, hạn chế tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, nhất là đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 96/2015/QH13 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự; hoàn thiện quy chế và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đã từng bước đi vào nề nếp. Chất lượng điều tra tội phạm được nâng lên; tỷ lệ khám phá các vụ án hình sự đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính có quyết định hành chính bị khởi kiện phải chấp hành nghiêm nghĩa vụ, tham gia phiên toà theo đúng quy định của pháp luật; xử lý trách nhiệm người ban hành quyết định hành chính trái pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành; tăng cường kiểm tra công tác thi hành án hành chính.
3 bộ tiếp tục thực hiện trách nhiệm về an toàn thực phẩm
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2017/QH14 đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2016-2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo tổng kết 5 năm thực hiện để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật ATTP; cơ bản hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn; tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội LHPN trong việc giám sát, vận động thực hiện ATTP vì sức khoẻ cộng đồng.
Tiếp tục thực hiện cơ chế 3 Bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP theo chuỗi đối với từng nhóm, ngành hàng cụ thể. Kiện toàn ban chỉ đạo liên ngành các cấp, trong đó ở địa phương chủ tịch UBND là trưởng ban; bố trí cán bộ cấp xã để theo dõi; tiếp tục thí điểm thành lập ban quản lý ATTP và thanh tra chuyên ngành ở một số địa phương. Đổi mới phương thức quản lý, đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với thông lệ quốc tế.
“Công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm đã có nhiều giải pháp, tập trung vào thông tin, truyền thông; tổ chức giám sát, phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ, chú trọng các bếp ăn tập thể, khu du lịch, thức ăn đường phố; phòng ngừa ngộ độc rượu và độc tố tự nhiên. Tăng cường hợp tác liên kết, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.Hầu hết các tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình sản xuất thực phẩm theo chuỗi, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nhất là đối với các vấn đề nóng như sử dụng chất cấm, buôn lậu thực phẩm qua biên giới. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra nhiều đơn vị, địa phương; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc vi phạm. Kinh phí thực hiện công tác quản lý nhà nước về ATTP được bố trí thông qua Chương trình mục tiêu về y tế - dân số và nguồn xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo nghị quyết của Quốc hội.
Xây dựng Đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo Phó Thủ tướng Thường trực, đây là một trong những trọng tâm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, thực hiện đồng bộ các nội dung theo tinh thần nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế; điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tinh giản và nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức.
Chỉ đạo xây dựng đề án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đổi mới việc phân loại, xác định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế phù hợp với quy mô và đặc thù của từng loại đơn vị hành chính. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan công tác cán bộ như giao chỉ tiêu biên chế, tuyển dụng, bổ nhiệm. Trình Trung ương ban hành nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương.
Đã chỉ đạo đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, xây dựng Chính phủ điện tử, chỉ đạo thành lập các trung tâm hành chính công, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tập trung xử lý đối với 12 dự án thua lỗ, yếu kém
Về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn từ kỳ họp thứ 2, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Đã tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả,bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội và đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến nay việc xử lý đã có kết quả tích cực: 2 dự án đã có lãi; 3 dự án đã vận hành, sẵn sàng vận hành trở lại; các dự án còn lại đang được tích cực xử lý, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn để phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh, môi trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.
Đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể từng bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp trong thực thi nhiệm vụ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm.
Xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân một cách nghiêm túc để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp này.
Xây dựng phương án đổi mới thi, kế thừa những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, bất cập của kỳ thi “3 chung” trước đây, bảo đảm lộ trình, không gây xáo trộn. Qua 4 năm thực hiện, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đáp ứng yêu cầu gọn nhẹ, thiết thực, khách quan, tiết kiệm, giảm áp lực, mở rộng cơ hội lựa chọn trường cho học sinh. Chỉ đạo xử lý nghiêm những sai phạm trong tổ chức thi ở một số địa phương vừa qua, đồng thời đề ra giải pháp khắc phục cho thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông; chỉ đạo thực hiện thí điểm mô hình kết hợp dạy văn hóa và dạy nghề; liên kết giữa cơ sở giáo dục trung học với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện tư vấn nghề. Tổ chức xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các chương trình môn học một cách thận trọng; đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện.
Chính phủ chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý, đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng giáo dục đại học; nghiên cứu đổi mới công tác cử tuyển theo hướng tập trung cho các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn gắn với sắp xếp tuyển dụng sau đào tạo.
Chuyển hoá nguồn lực vàng vào sản xuất, kinh doanh
Về lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, đã thực hiện nghiêm chính sách tài khoá, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bảo đảm tín dụng cho nền kinh tế và giữ ổn định mặt bằng lãi suất, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ và tăng dự trữ ngoại hối, chuyển hoá nguồn lực vàng vào sản xuất, kinh doanh.
Tăng cường thanh tra, đổi mới hoạt động giám sát gắn với ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao năng lực cảnh báo, chủ động phát hiện, xử lý các rủi ro, tồn tại và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đẩy mạnh triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới tiền ảo, giao các bộ, ngành sớm hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra,xử lý nghiêm các vi phạm.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.