Cán bộ, học viên cao cấp lý luận chính trị xây dựng đèn đường giúp bà con miền núi
Tuy thuộc TP. Lai Châu nhưng bản Suối Thầu nằm ở vị trí khá heo hút, vắng vẻ với hơn 80 hộ dân tộc thiểu số, khoảng 500 người. Cuộc sống bà con nơi đây phần lớn vẫn còn nghèo khó.
Ông Hoàng Trung Kiên (Bí thư Đảng uỷ xã Sùng Phài) cho biết, dù cách không xa trung tâm thành phố nhưng ban đêm, khu vực này vẫn khá tối tăm vì không có hệ thống chiếu sáng công cộng. Tuy các gia đình đều có điện thắp sáng và sinh hoạt nhưng bà con nghèo chưa có điều kiện góp tiền thắp sáng thôn bản. Việc xây dựng hệ thống đèn đường cho bà con bản Suối Thầu là rất cần thiết và có ý nghĩa to lớn.
Theo đó, cán bộ và học viên Lớp K75-A11 đã đóng góp tiền xây dựng hệ thống khoảng 20 cột đèn chiếu sáng dọc đường bản Suối Thầu. Đây là loại cột đèn với công nghệ hiện đại, với hệ thống cảm biến có thể điều khiển từ xa, cài đặt chế độ tuỳ chọn và sử dụng pin tích điện kết hợp năng lượng mặt trời tuổi thọ 7 - 10 năm.
Cột đèn được làm bằng khung thép, lắp đặt khá dễ dàng trên mọi địa hình. Mỗi cột đèn có giá khoảng 1,7 triệu đồng, cách nhau khoảng 40 - 50m và cả hệ thống trải dài gần 1,5km từ đầu đến cuối bản Suối Thầu.
Sau khoảng nửa tháng lắp đặt, hệ thống đèn đã hoàn thành và đoàn cán bộ, học viên đã tổ chức khánh thành trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền tại xã cùng bà con trong bản.
Đoàn cán bộ và học viên Lớp Cao cấp lý luận chính trị K75-A11 khánh thành hệ thống đèn chiếu sáng bản Suối Thầu
Ông Sùng A Phừ (Bí thư chi bộ bản Suối Thầu) đại diện cho người dân nơi đây gửi lời cảm ơn chân thành đến đoàn công tác của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Từ khi có hệ thống đèn chiếu sáng, bản Suối Thầu như vui hơn hẳn. Người dân rất cảm động và ghi nhận tấm lòng của đoàn cán bộ, học viên trường Đảng. Có hệ thống đèn thắp sáng, bà con đi lại buổi tối dễ dàng hơn. Người dân qua lại, giao lưu khi “tắt lửa tối đèn” thuận lợi hơn. Làng xóm ngày càng gần gũi, gắn kết nhau hơn.
Ông Hoàng Trung Kiên (áo trắng) chia sẻ thông tin về bản Suối Thầu với đoàn cán bộ và học viên
“Cảm ơn đoàn cán bộ và học viên lớp cao cấp lý luận chính trị. Chúc cho thầy cô và học viên của trường Đảng ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước và cho người dân”, Bí thư Sùng A Phừ nói.
PGS.TS. Lê Văn Trung, Phó Viện Trưởng Viện Quyền Con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Trưởng đoàn công tác cho biết, chương trình thiện nguyện đến các địa phương miền núi xa xôi là hoạt động thường xuyên và thường niên của cán bộ và học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Việc làm này vừa được kết hợp trong các chương trình học cao cấp lý luận chính trị, vừa thể hiện trách nhiệm của học viên đối với xã hội, sự quan tâm phát triển vì con người theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước.
TS Trung hy vọng cuộc thiện nguyện của đoàn cán bộ và học viên Lớp K75-A11 lần này, tuy giá trị kinh tế không lớn, nhưng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số vốn còn nhiều khó khăn.
Hoạt động thiện nguyện tại bản Suối Thầu nằm trongchương trình học tập nghiên cứu thực tế tại tỉnh Lai Châu của Đoàn cán bộ và học viên Lớp Cao cấp Lý luận Chính trị K75-A11 (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Chuyến nghiên cứu thực tế do PGS.TS. Lê Văn Trung, Phó Viện Trưởng Viện Quyền Con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) làm Trưởng đoàn; Th.s Ngô Trường Sơn, Chủ nhiệm lớp làm Phó Trưởng đoàn cùng 43 học viên Lớp Cao cấp Lý luận chính trị, hệ tập trung K75.A11.
Ông Hoàng Trung Kiên (Bí thư Đảng ủy xã Sùng Phài) và ông Sùng A Phử (Bí thư chi bộ bản Suối Thầu) (bên trái) thay mặt bà con cảm ơn Ths Ngô Trường Sơn (Chủ nhiệm lớp K75-A11) và các học viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)
Nội dung chính của chương trình nghiên cứu thực tế là kết quả triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội gắn với bảo vệ quyền con người của đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là nghiên cứu các cơ chế, chính sách đảm bảo vị thế, năng lực làm chủ, góp phần cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động tại tỉnh Lai Châu.
Mỗi cột đèn cách nhau gần 50m, cả hệ thống trải dài gần 1,5km đầu đến cuối bản Suối Thầu
Theo PGS.TS. Lê Văn Trung, Phó Viện Trưởng Viện Quyền Con người, việc phát triển kinh tế xã hội cũng chính là sự thể hiện nỗ lực phát triển con người, bảo đảm quyền con người. TS. Lê Văn Trung cũng bày tỏ hy vọng rằng, việc bảo đảm quyền con người tại các vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu sẽ ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực hơn nữa.
Ths Ngô Trường Sơn (Chủ nhiệm Lớp K75-A11) cũng cho biết, cuộc thiện nguyện và nghiên cứu thực tế tại Lai Châu mang lại không ít những trải nghiệm, kiến thức cho các học viên trong học tập cũng như kinh nghiệm quý báu để áp dụng thực tiễn công tác tại địa phương mình sau khi hoàn thành khoá học.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.