Cần quan tâm hơn nữa đối với thương bệnh binh, gia đình chính sách
Chia sẻ với phóng viên về những chính sách của nhà nước trong giúp đỡ cho người có công (NCC) với cách mạng đặc biệt là các thương binh, người khuyết tật trong phát triển sản xuất kinh doanh, Thiếu tướng Lê Mã Lương, AHLLVT Nhân dân, Chủ tịch VAIDE cho biết: Từ năm 1947 cho đến nay Đảng, Nhà nước đã có hơn 1400 văn bản từ Pháp lệnh, Chỉ thị từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị, đến các Thông tư, quyết định và hàng loạt văn bản khác về chính sách đối với người có Công. Số lượng văn bản đó có tác động tích cực đến NCC, thương binh, các gia đình chính sách… Việt Nam là đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh với điều kiện vô cùng ác liệt. Khi chiến tranh kết thúc, hòa bình lập lại, trong bối cảnh xây dựng đất nước, cần có rất nhiều chính sách để khắc phục hậu quả từ chiến tranh để lại.
Thiếu tướng Lê Mã Lương cũng cho biết: Hiện nay hơn 700 doanh nghiệp là hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam. Khu vực kinh tế do thương binh làm chủ đang duy trì việc làm ổn định và đảm bảo thu nhập cho hàng chục ngàn lao động là thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, con em của các đối tượng chính sách và người khuyết tật. Trong 16 năm qua, hệ thống doanh nghiệp của Hiệp hội đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, 16 năm nay, Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên gần như không hề nhận được nguồn hỗ trợ nào từ Ngân sách nhà nước, ngoài chút ít kinh phí dạy nghề.
Kể từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội luôn là chỗ dựa tin cậy cho các doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật hoạt động trong tất cả các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh - dịch vụ của nền kinh tế. Dưới sự giúp đỡ của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên, nhiều thương binh, người khuyết tật đã vượt qua nỗi đau, tích cực lao động làm giàu cho mình, cho gia đình, không trở thành gánh nặng cho xã hội. Thông qua các chương trình, giải pháp do Hiệp hội triển khai, tổ chức đã xuất hiện nhiều Tấm gương “Thương binh tàn nhưng không phế”, “Anh bộ đội cụ Hồ”, “Người khuyết tật vượt khó” trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước.
Thiếu tướng Lê Mã Lương và AHLĐ Trần Hồng Quảng trong phiên thảo luận của Đại hội đại biểu toàn quốc Ủy ban MTTQ Việt Nam khóa IX |
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành Trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm đào tạo nghề, tạo việc làm đối với thương binh, con em gia đình chính sách và người khuyết tật, tạo điều kiện để Thương bệnh binh và người khuyết tật có thu nhập ổn định, hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, từ khi có Luật Người khuyết tật năm 2010 và Công ước Quốc tế về quyền của Người khuyết tật, Hiệp hội đã tiến hành họp Thường trực Ban chấp hành và Ban Chấp hành thường kỳ đề đưa ra những định hướng chiến lược, hướng đi đúng cho mình nhằm củng cố và phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hiệp hội luôn tham gia tích cực vào nhiệm vụ phản biện, xây dựng chính sách và thực hiện chính sách: Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam là một trong những đơn vị có vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức giám sát quá trình triển khai thực hiện Đề án Dạy nghề 10 năm (2011- 2020); Quyết định 51/2008/QĐ-TTg, ngày 24/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với Cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho lao động là người khuyết tật do Hiệp hội kiên trì tham mưu, đề xuất với các cấp, đã được Thủ tướng Chính phủ ký. Căn cứ quyết định này, Hiệp hội là đơn vị được chỉ định tham gia đôn đốc, giám sát để yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện.
Hiệp hội phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia xây dựng chính sách pháp luật, đóng góp ý kiến nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các cơ sở hội viên như: tham gia ý kiến xây dựng Luật Lao động, Luật Người khuyết tật, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội…
Thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương tổ chức các Hội nghị, Hội thảo nhằm đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Thương binh và người khuyết tật, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm cho các doanh nghiệp hội viên thực hiện đúng các quy định chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong nhiều năm qua, Hiệp hội đã tổ chức nhiều đoàn công tác đưa đại diện doanh nghiệp hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất tại Mỹ, Anh, Pháp… Sau mỗi chuyến đi, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được ký kết, sản phẩm do người khuyết tật và thương binh làm ra đã đến với bạn bè khắp các quốc gia trên thế giới. Qua đó, doanh thu của các doanh nghiệp hội viên tăng lên đáng kể, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp hội viên được cải thiện.
Qua các chương trình hành động của Hiệp hội, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong hệ thống, nhiều mô hình làm ăn kiếu mới, sản xuất giỏi như: Xí nghiệp tập thể Thương binh Quang Minh (Địa chỉ: 280 Lê Lợi, Q. Ngô Quyền, TP. Hải Phòng). Đây là một trong số doanh nghiệp đầu tiên của thành phố Hải Phòng được công nhận là "Cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ của thương bệnh binh và NKT". Ngày đầu thành lập, chỉ có 35 đồng chí là thương binh tham gia từ hạng 4/4 đến 1/4, cho đến nay đã nâng lên tới con số hơn 100 lao động chính thức và gần 300 lao động thời vụ, chiếm 52,6% là thương, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, con em các gia đình chính sách. Giám đốc Trần Hồng Quảng (thương binh ¼, Anh hùng lao động) cùng Ban lãnh đạo Xí nghiệp đều là thương binh nặng đã tổ chức kinh doanh tốt với đội xe vận tải và hành khách trên 100 chiếc, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ nằm rải rác trên phạm vi toàn quốc, trạm kinh doanh xuất nhập khẩu ở Quảng Ninh, Xây dựng cảng mới… Hiện Xí nghiệp còn mở rộng sản xuất với 3 Cụm công nghiệp tại Thủy Nguyên (Hải Phòng) mới năm đóng góp vào ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, đối với doanh nghiệp của người khuyết tật (trong 1000 doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội) có Công ty TNHH Chân Thiện Mỹ (Địa chỉ: Thôn Châu Cầu, Xã Châu Phong, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh). Năm 1996, khi khai sinh trung tâm dạy nghề, có rất nhiều khó khăn. Học viên khuyết tật vốn trình độ văn hóa thấp, đầy mặc cảm tự ti, nên để dạy nghề cho họ là cả một bài toán nan giải. Sau thời gian trầy trật xoay xở, sự kiên trì đã giúp lãnh đạo công ty tìm được "lối đi" vào lòng người khuyết tật. 60 học viên khóa chạm khắc đá, gỗ mỹ nghệ đầu tiên được nhận vào trung tâm làm việc đã cho sản phẩm, được thị trường chấp nhận. Nhiều học viên bị liệt hai chân, tay co rút, vốn trở thành gánh nặng cho gia đình, thì ở thời điểm năm 1996-2000 đã có thể kiếm được 500.000 đồng mỗi tháng. Đến nay, công ty đã mở được hàng trăm lớp dạy nghề cho hơn hàng ngàn học viên, phần đông là người khuyết tật. Hiện nay, Công ty Chân - Thiện - Mỹ tại Bắc Ninh đã tạo việc làm cho 800 người, trong đó thương bệnh binh và người khuyết tật là 388, với mức lương tháng bình quân 7 – 15 triệu đồng/tháng. Công ty chuyên cung cấp các mặt hàng thêu may, sơn mài, gốm, chế tác đá mỹ nghệ, trang sức bán khắp và ngoài nước, doanh số mỗi năm đạt cả trăm tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng/năm.
Trong bối cảnh, cả nước có gần 8 triệu người khuyết tật, hơn 1 triệu thương bệnh binh, và khoảng 10 triệu người có công, nếu Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên không nỗ lực vươn lên, tạo việc làm cho thương binh và người khuyết tật thì gánh nặng an sinh xã hội sẽ còn to lớn đến mức độ nào. Xét quá trình hoạt động của Hiệp hội trong những năm qua, đầu năm 2019, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hiệp hội.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng (Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước) trao Huân chương Lao động hạng 3 cho Hiệp hội doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam |
Với vai trò vừa là Phó chủ tịch Hiệp hội VAIDE vừa là Giám đốc Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh Hải Phòng ông Trần Hồng Quảng chia sẻ: "Tôi là Trần Hồng Quảng, thương binh ¼, AHLĐ thời kỳ đổi mới và cũng là thành viên của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là Phó Chủ tịch của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam. Hôm nay tôi đi dự đại hội, so với đại hội VIII thì đại hội IX năm 2019-2024, tôi thấy rất là đổi mới, những sự sáng tạo và những cái đổi mới, sự đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc đại diện cho nước ngoài. Tôi thấy rằng đại hội này rất chuyển biến và có những cái nguyện vọng, ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã phát huy được vai trò của MTTQ, làm cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, kỳ vọng vào các đại hội lần thứ IX này sẽ phát huy được cái tinh thần làm cho đất nước được phát triển và nguyện vọng của nhân dân là xứng đáng.
Chân dung AHLĐ Trần Hồng Quảng |
Nhưng riêng với tôi là một đơn vị của đối tượng chính sách là Xí nghiệp Tập thể Thương binh Quang Minh Hải Phòng muốn để đáp ứng được đông đảo nguyện vọng của đối tượng chính sách thì tôi thấy rằng các chính sách của Đảng, Nhà nước cũng đã quan tâm rất nhiều nhưng vẫn còn hạn chế vì với cái tinh thần hiện nay thì là một doanh nghiệp để mà phát triển được thì tôi cho rằng là những chính sách nhà nước đối với thương binh để hoàn thiện và phát triển được thì theo trước đây cái quyết định 51, thì có 51% là thương binh, nhưng hiện nay tôi thấy cái nghị định 28 của chính phủ ý là 70% Cụ thể, theo quy định tại điều 2, Quyết định số 51/2008/QĐ-TTg: Các cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người lao động là người tàn tật được thành lập theo quy định của pháp luật có trên 51% số lao động là người tàn tật và có quy chế hoạt động hoặc điều lệ phù hợp với đối tượng lao động là người tàn tật” thì được: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn tiền thu sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước” nhưng tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 9, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ có quy định mức độ hỗ trợ của Nhà nước như sau:
“Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật”. Quy định như trên còn nhiều bất cập vì nếu doanh nghiệp sử dụng 70% lao động là người khuyết tật trở lên thì không thể phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện kinh tế hội nhập, phải luôn đối mặt với cạnh tranh.
Bản thân tôi cho rằng đây là một điều rất là không hỗ trợ được cho sự phát triển của doanh nghiệp. Hiện nay thì phải nói là đối với các doanh nghiệp của thương binh thì đất nước đã giải phóng gần 50 năm rồi thì hiện nay thương binh không còn nhiều - đây là cái thứ nhất, cái thứ hai là để tạo được cái thu hút cho thương binh và người khuyết tật thì cái số phần trăm nó phải thế nào để có cái tỷ lệ cho phù hợp, bởi vì tôi cho rằng 70% là thương binh mà chỉ có 30% là người khỏe mạnh thì doanh nghiệp của đối tượng chính sách không thể phát triển được vì vậy là đề nghị với Đảng, nhà nước, các cấp chính quyền phải tháo gỡ và giúp cho các đối tượng này phát triển bình đẳng với các doanh nghiệp khác thì cái số lượng đối với thương bệnh binh phần trăm phải rút đi, nếu để theo nghị định 51 còn được chứ theo nghị định 28 thì tôi cho rằng không thể phát triển được".
Từ những khó khăn mà thương bệnh binh, gia đình chính sách, người khuyết tật còn gặp phải, lãnh đạo Hiệp hội VAIDE cũng đưa ra một số kiến nghị: Cần tăng cường công tác giám sát để thực hiện tốt hơn nữa chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình chính sách, thương bệnh binh và chính sách trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật.
Cần rà soát, hoàn thiện chương trình, đề án có liên quan trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, thương bệnh binh, giúp họ xóa bỏ rào cản, hòa nhập với xã hội, đồng thời giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định để họ có thể lo cho cuộc sống của bản thân, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các cấp, các ngành về trợ giúp xã hội đối với thương binh, người khuyết tật, xóa bỏ rào cản, góp sức trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn.
Mong muốn của Hiệp hội VAIDE là trong tương lai các thương bệnh binh, gia đình chính sách, người khuyết tật sẽ được công nhận và những công việc họ làm hay những doanh nghiệp của họ lập ra sẽ phát triển, tạo công ăn việc làm cho những người cùng cảnh ngộ, góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.