Cây cầu hơn 10 năm "cõng" phế thải giữa Thủ đô
Cầu Đông Tác bắc qua sông Lừ, nằm trên địa phận 2 phường Trung Tự và Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội). Cây cầu có chiều dài 21 mét, rộng 15 mét, nối liền từ ngã tư Tôn Thất Tùng-Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch-Đông Tác đi các tuyến phố Lương Định Của, Phương Mai, Giải Phóng...
Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, hơn 10 năm nay, cây cầu này lúc nào cũng tràn ngập rác thải, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Trường Định (40 tuổi, lái xe ôm ở đầu cầu Đông Tác) cho biết, tình trạng đổ trộm phế thải đã diễn ra từ lâu. Nhân viên môi trường thường xuyên dọn dẹp nhưng chỉ được 2-3 ngày, phế thải lại đầy cầu, bốc mùi hôi thối. Tình trạng trên trở nên trầm trọng hơn trong những ngày nắng.
Hơn 10 năm nay, cây cầu này lúc nào cũng tràn ngập rác thải, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc đi lại của người dân
Chỉ tay về phía những đống rác thải, ông Mai Thanh Thản, Tổ trưởng tổ dân phố 15 phường Kim Liên nói, tình trạng đổ trộm phế thải trên cầu Đông Tác đã diễn ra nhiều năm. Người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên.
Ông Thản cho biết, trước đây, Hợp tác xã môi trường Thành Công đặt 2 thùng rác ở 2 cầu Đông Tác làm trạm trung chuyển rác thải cho người dân. Sau đó, cây cầu được duy tu và sửa chữa lại, những thùng rác được vận chuyển đi. Tuy nhiên, theo thói quen cũ, người dân vẫn mang rác ra đây vứt. Nhiều người lợi dụng tình trạng này cũng mang phế thải xây dựng đổ theo khiến cây cầu trở thành bãi rác.
Theo quan sát của PV, một bên cầu Đông Tác bị rác, phế thải xây dựng lấn chiếm ¼ lòng đường và một phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Rác thải đủ loại từ rác sinh hoạt, túi nilon, gạch ngói vụn, bàn ghế hỏng... Mùi hôi thối từ những đống rác thải bốc lên, xộc thẳng vào mũi người đi đường.
Hai đầu cầu Đông Tác có treo biển với nội dung “Khu vực cầu, cấm đổ rác, phế thải”. Tuy nhiên, 2 tấm biển ấy dường như không có tác dụng bởi ngay bên dưới chúng là những đống rác.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Sơn – Phó Chủ tịch phường Kim Liên cho hay, phường đã nhiều lần nhận được đơn kiến nghị của người dân về tình trạng đổ trộm phế thải trên cầu Đông Tác. Phường cũng đã nhiều lần ra quân xử lý vi phạm nhưng chỉ được vài ngày tình trạng trên lại tái diễn.
“Chúng tôi đã nhiều lần cho công an mật phục, tự quản canh gác. Tuy nhiên, khi có bóng dáng của lực lượng chức năng thì các đối tượng đổ trộm phế thải không hoạt động. Lực lượng chức năng nghỉ thì chỉ hôm trước hôm sau là phế thải lại đổ đầy cầu. Do lực lượng mỏng nên chúng tôi không thể canh gác cầu 24/24h”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, phường Kim Liên đã phối hợp với phường Trung Tự, Xí nghiệp môi trường đô thị số 4 cùng công an 2 phường đã gửi đơn lên quận, thành phố xin ý kiến chỉ đạo. Để giải quyết tình trạng đổ phế thải trên cầu, 2 phường đề nghị thành phố cho đặt thùng thu gom phế liệu ở 2 đầu cầu hoặc mở điểm thu gom phế thải ở gần đó. Xí nghiệp môi trường đô thị số 4 sẽ chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và thu phí đổ phế thải. Tuy nhiên, đề nghị này vẫn chưa được thành phố đồng ý.
Trong khi chờ thành phố phê duyệt, người dân vẫn hàng ngày phải ngửi mùi rác thối, đi qua cây cầu đầy rác thải.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận trên cầu Đông Tác ngày 9.11:
Rác, phế thải xây dựng đổ tràn lan trên cầu Đông Tác (Đống Đa, Hà Nội).
Phế thải lấn chiếm vỉa hè và lòng cầu, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Chính quyền địa phương đã cho gắn 2 tấm biển “Khu vực cầu, cấm đổ rác, phế thải” ở 2 đầu cầu nhưng tình trạng đổ trộm rác thải vẫn tiếp diễn.
Vỉa hè bị rác thải lấn chiếm, người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Rác thải sinh hoạt do người dân mang ra cầu vứt.
Phế thải xây dựng thường bị đổ trộm vào ban đêm.
Như một thói quen, người dân sửa nhà là mang phế thải ra cầu Đông Tác đổ. Trong ảnh, một người thu mua đồng nát đang đập kính lấy phần sắt trên cánh cửa của một nhà dân gần đó.
Dọn dẹp được vài ngày, rác thải lại chất đống. Người dân nơi đây đang mong mỏi cơ quan chức năng sớm có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.