Chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội
Sự hy sinh vì nước của đồng bào và chiến sĩ ta là vô giá không có gì sánh nổi. Đó là biểu thị lòng yêu nước oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và sự nghiệp xây dựng bảo vệ tổ quốc.
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam (VAIDE) luôn đề cao công tác “Đền ơn - Đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đến các thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC... |
Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” ngay từ những ngày đầu kháng chiến cách đây 72 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” để Đảng, Nhà nước và nhân dân tỏ lòng “hiếu nghĩa bác ái” với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là dịp để chúng ta ôn lại, tôn vinh và tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã hy sinh xương máu vì tổ quốc Việt Nam thân yêu, vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.
Với truyền thống đạo lý của dân tộc Đảng và Nhà nước không ngừng phấn đấu làm nhiều việc tốt trong lĩnh vực chăm sóc thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đường lối, chủ trương nhất quán trước sau như một của Đảng ta đối với người có công đã được thể chế hóa về mặt nhà nước phù hợp với tình hình cách mạng trong mỗi thời kỳ và trong từng giai đoạn cụ thể nhằm góp phần ổn định chính trị - xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc tăng lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ ta tạo nên động lực mới trong đời sống xã hội đất nước và dân tộc.
Chính sách người có công với cách mạng không chỉ là vấn đề đạo lý truyền thống mà còn là vấn đề tư tưởng, tình cảm, một vấn đề xã hội không chỉ cấp bách trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài của Đảng và nhà nước ta.
Các thế hệ của dân tộc Việt Nam luôn tỏ lòng biết ơn và tri ân các anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc. |
Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt văn bản pháp quy nhằm xử lý những vấn đề bất hợp lý về chính sách, chế độ và những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, bảo đảm sự công bằng trong chính sách xã hội đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng cho phù hợp với sự chuyển đổi của nền kinh tế từ đó đề ra những chính sách phù hợp với từng giai đoạn cách mạng của nước ta. Sự kế thừa, chọn lọc hệ thống chính sách đó xuất phát từ quan điểm đổi mới đất nước từ tính tất yếu khách quan cần thiết của đời sống xã hội, tình hình đời sống của thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Ngày 28/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” bao trùm 13 đối tượng người có công và gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi người có công, tiếp đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cũng được quy định trong đối tượng của Pháp lệnh người có công.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thương binh tàn nhưng không phế” mặc dù mang trong mình nhiều thương tật, bệnh tật nhưng anh chị em thương binh đã nỗ lực vươn lên, tích cực tham gia lao đống sản xuất, làm giàu cho gia đình, quê hương đất nước. Hàng ngàn thương bệnh binh đã thành lập các doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng vạn thương bệnh binh, con em gia đình chính sách, biết bao doanh nghiệp của thương binh đã đứng vững trước cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp được Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đánh giá cao, nhiều đồng chí được tuyên dương anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Các đồng chí luôn là những tấm gương sáng để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.
Sự nghiệp đổi mới và toàn diện của đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh. Công tác thương binh liệt sĩ và người có công là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị xã hội, xây dựng bảo vệ tổ quốc vì vậy được Đảng và nhà nước đặc biệt quan tâm.
Ông Dương Minh Đỗ, Phó Chủ tịch Thường trực VAIDE phát biểu tại Chương trình từ thiện của Hiệp hội tại tỉnh Điện Biên (tháng 7/2019). |
Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết của Đảng cùng với chính sách ưu đãi của nhà nước, phát huy truyền thống dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” “Đền ơn đáp nghĩa”... đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội là những nội dung quan trọng trong các diễn đàn đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, huy động sức mạnh của toàn xã hội đã trở thành công việc thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực.
Những năm gần đây, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi cán bộ và nhân dân trong cả nước được tổng kết, nhân rộng điển hình ở khu dân cư xã, phường trở thành những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Để làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân đối với người có công với cách mạng trong thời gian tới cần tập trung một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách, triển khai đồng bộ, thống nhất và kịp thời tất cả các chính sách ưu đãi đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách bảo đảm đủ phẩm chất, năng lực công tác chuyên môn, đủ khả năng tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tập trung thực chương trình tình nghĩa như: xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc giúp đỡ thương bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng....
Ba là, khuyến khích động viên và tạo điều kiện để anh em thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế góp phần ổn định và nâng cao đời sống gia đình xứng đáng người công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu.
Bốn là, tổ chức sơ tổng kết, biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, thương binh và gia đình người có công có nhiều cố gắng trong học tập, công tác, phát triển kinh tế và tham gia hoạt động xã hội, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
Công tác thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng có vị trí hết sức quan trọng. Làm tốt công tác này góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Để thực hiện tốt lĩnh vực này, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần nêu cao việc hỗ trợ trách nhiệm của mình phù hợp với tình hình của địa phương, khơi dậy truyền thống yêu nước thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.