Chàng trai khuyết tật giúp đỡ hàng chục cảnh đời bất hạnh

2016-09-17 17:05:34 0 Bình luận
Sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, mồ côi cha từ nhỏ, anh và 3 anh chị em mắc căn bệnh câm điếc bẩm sinh. Những tưởng số phận nghiệt ngã ấy khiến anh không thể đứng vững. Thế nhưng chính những lúc khó khăn nhất, bi kịch nhất lại là động lực giúp anh Phạm Văn Thịnh (phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh) quyết tâm vượt qua số phận. Không chỉ được mệnh danh là "cây kéo vàng" của tỉnh, anh còn tình nguyện giúp đỡ, dạy nghề cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ...
Xuất ngoại tìm cách chữa bệnh cho con

Từ lâu anh Thịnh được nhiều người quanh vùng lấy làm tấm gương để dạy dỗ con cái. Dù xuất phát điểm vô cùng cơ cực, lại bệnh tật nhưng chưa khi nào anh khuất phục trước số phận nghiệt ngã. Sinh năm 1977 là con thứ 8 trong gia đình có tới 9 anh chị em.

Nhà nghèo là thế, vất vả là thế, nhưng trong số 9 anh em thì có tới 4 người bị câm điếc. Cuộc sống gia đình càng đi vào ngõ cụt khi mới chỉ 1 tuổi, cha anh không may bệnh nặng qua đời, để lại bao gánh nặng cơm áo cùng đàn con thơ lên vai người mẹ khốn khổ.

Bà Nguyễn Thị Nhinh (mẹ anh Thịnh) nhớ lại quãng đời cơ cực mà không cầm được nước mắt: "Lúc ông ấy mất, một mình tôi tưởng như gục ngã. Một đàn con, có tới 4 đứa bệnh tật, biết làm gì để sống đây. Tôi đang là công nhân bốc than, xúc cát khu vực cầu Đáp Cầu, công việc nặng nhọc vất vả lắm". Dù làm cật lực cả ngày nhưng bà Nhinh vẫn không thể cáng đáng nổi 9 cái "tầu há mồm", rồi chữa bệnh cho con. Đêm đến bà Nhinh tranh thủ mò cua, bắt ốc để sáng sớm hôm sau bán lấy chút tiền lo thuốc thang cho 4 đứa con bệnh tật. Nghe chỗ nào "có thầy, có thuốc" là đưa con tìm đến chữa.

Chàng trai khuyết tật giúp đỡ hàng chục cảnh đời bất hạnh
Anh Phạm Văn Cường (Anh trai anh Thịnh) và em Vũ Huy Tiến cũng bị câm điếc đang cắt tóc cho khách.

"Đưa chúng nó đi khắp nơi, chán ở bệnh viện rồi đến các tỉnh, khắp miền Bắc, miền Trung rồi tận cả miền Nam nữa" - bà Nhinh nhớ lại. Không chỉ dọc miền đất nước, bà Nhinh đã từng lặn lội sang tận Lào, Campuchia, Thái Lan để tìm thuốc cho con. Kết quả cho nhiều năm ròng rã đều thất bại. Bà Nhinh cay đắng nhìn lũ con lớn lên mà không lành lặn, không được như chúng bạn đến trường, được học chữ. Muốn nói cho các con nghe nhưng chúng cũng chẳng hiểu vì không nghe, cũng không nói được. Rồi lại nghĩ đến ông, nghĩ đến phận bạc của mình bà lại khóc. Nhưng người đàn bà phi thường ấy vẫn luôn có một niềm tin, một niềm hy vọng sẽ có điều kỳ diệu đến với gia đình mình.

Đam mê đến cùng

Một trong những người con khiếm khuyết, Phạm Văn Thịnh luôn tỏ ra là một cậu bé thông minh, khéo tay. Biết được hoàn cảnh gia đình của bà Nhinh, hàng ngày giáo xứ Đạo Ngạn đã tình nguyện dạy đọc, dạy viết cho anh chị em của Thịnh. Dù không nghe nói được, lại nhỏ tuổi nhưng Thịnh luôn hoàn thành tốt nhất những bài học của mình. Chẳng mấy chốc Thịnh có thể giao tiếp với mọi người qua giấy.

Năm 13 tuổi, Thịnh được các sơ đề nghị gửi vào Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Bắc Ninh. Ở đây Thịnh không chỉ được dạy văn hóa mà còn được dạy nghề may và nghề mộc. Tuy nhiên, Thịnh lại có cái duyên đặc biệt với nghề cắt tóc. Cứ chiều đến, Thịnh lại lặng lẽ ra cổng của Trung tâm ngồi chơi bên tiệm cắt tóc.

Mọi người nghĩ Thịnh ra đó chơi để thư giãn, ai ngờ cậu bé câm điếc ấy ra "học nghề". "Ngày ấy tôi thấy được niềm vui của khách hàng khi có được mái đầu đẹp. Tôi mê mẩn từng đường kéo của thợ, nhất là đôi bàn tay của họ, nghệ thuật lắm. Ngay từ lúc đó tôi nghĩ, cắt tóc là nghề phù hợp với tôi rồi"- anh Thịnh nhớ lại.

Thấy Thịnh mê mẩn với nghề cắt tóc, thương cảm trước hoàn cảnh của cậu, những người thợ ở đây đã quyết định truyền lại nghề. Những ngày đầu theo nghề thực sự là những tháng ngày vất vả và đáng nhớ với anh. Anh bỏ cả ngày chỉ để cầm kéo, tập cắt, tập bấm đến mức chảy cả máu tay. Khó khăn lớn nhất lúc này với chàng trai trẻ là giao tiếp. Muốn hỏi thầy điều gì đó cũng khó, hoặc trao đổi với khách cũng không được.

Chàng trai khuyết tật giúp đỡ hàng chục cảnh đời bất hạnh
Gia đình hạnh phúc của chàng trai khiếm thính.

Năng khiếu sớm được anh bộc lộ chỉ sau 1 tháng theo học, đôi bàn tay khéo léo trời cho đã tạo ra những kiểu tóc không thể chê được. Nhiều người đóng góp ý kiến với bà Nhinh cho anh ra Hà Nội để nâng cao tay nghề. Như cá gặp nước, Thịnh nhanh chóng thể hiện được khả năng của mình. Anh học rất nhanh, thành thục với từng nhát kéo, đôi bàn tay dần trở nên điêu luyện. Cơ sở nhận đào tạo nghề của anh mong muốn được giữ ở lại để làm và đào tạo những người đến sau. Dù rất biết ơn những người đào tạo mình nhưng Thịnh luôn ấp ủ ước mơ sẽ mở một tiệm cắt tóc trên chính quê hương mình.

Ước mơ là thế, nhưng kinh phí, địa điểm để mở tiệm cắt tóc lại là rào cản không hề nhỏ với Thịnh lúc này. Thời gian đầu, anh mở một "tiệm cắt tóc" ngay tại vỉa hè gần nhà để cắt tóc miễn phí cho người già và trẻ em. Chàng trai câm điếc dần dần đã lấy được cảm tình của mọi người.

Không chỉ tay nghề giỏi, lại là người thân thiện nên khách đến ngày một đông hơn. Người thì trả vài nghìn đồng, người thì cho tấm bánh, củ khoai. Nhận những đồng tiền đầu tiên mình làm ra, Thịnh mừng rơi nước mắt. "Một người tưởng như bỏ đi như tôi lại có thể kiếm được tiền thế này đúng là điều kỳ diệu. Từ bé tôi đã mơ ước lớn lên kiếm được tiền để phụ giúp mẹ, để nuôi bản thân. Nó như động lực lớn lao để tôi phấn đấu tiếp" - Thịnh tâm sự.

Sau 9 năm kiên trì với nghề, tiệm cắt tóc của anh Thịnh dần khang trang hơn. Chính từ nghề cắt tóc này mà anh đã tự nuôi được bản thân, giúp mẹ và em sửa sang lại nhà đàng hoàng hơn.

Điểm tựa vững chắc cho những người cùng cảnh ngộ

Hơn ai hết, anh Thịnh hiểu những người cùng hoàn cảnh với mình, anh hiểu họ khó khăn thế nào, vất vả thế nào để tự mưu sinh. Xuất phát từ đó anh luôn đau đáu phải giúp cho kỳ được những người có cùng cảnh ngộ.

Anh Thịnh tâm sự cuộc đời mình qua những nét chữ: "Tôi học nghề này để cố gắng sống được bằng chính đôi tay của mình. Hơn nữa cũng muốn giúp mẹ, bà đã vất vả vì anh em chúng tôi quá nhiều rồi. Tâm nguyện cuối cùng là giúp được những anh em có hoàn cảnh đặc biệt giống mình, để họ đỡ khổ và có công việc giúp ích cho xã hội".

Chàng trai khuyết tật giúp đỡ hàng chục cảnh đời bất hạnh
Anh Phạm Văn Thịnh đang cắt tóc cho khách hàng.

Gần đây, anh Thịnh quyết định mở một lớp dạy nghề miễn phí cho những người câm điếc. Tiếng anh Thịnh có "tay kéo vàng" đã thu hút rất nhiều người đến theo học, khắp trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng…

Đến nay tại lớp có khoảng 20 người đang được học miễn phí, chưa kể rất nhiều người đã thành nghề và trở về địa phương mở tiệm. Không chỉ dạy nghề mà anh Thịnh còn giới thiệu việc làm, cấp một chút vốn để học viên mua đồ nghề. Anh bảo: "Anh em đã bị khuyết tật đều rất khó khăn, giúp được gì tôi sẽ cố gắng hết sức. Hy vọng anh em sẽ nuôi sống được bản thân mình. Đặc biệt là phải tìm được niềm vui trong cuộc sống".

Tiệm cắt tóc của anh Thịnh không khi nào vắng khách, thế nhưng anh luôn lấy công rất phải chăng (10-15 nghìn đồng). Đặc biệt người già và trẻ em anh lấy rất rẻ, có thể cắt giúp mà không lấy tiền. Để đáp ứng nhu cầu, lúc nào tiệm cắt tóc của anh Thịnh cũng có 4 đến 5 thợ. Như anh Phạm Văn Cường (anh trai anh Thịnh) cũng bị câm điếc từ nhỏ, hay em Vũ Tiến Huy (sinh năm 1996, Lục Nam, Bắc Giang).

Huy là học trò khá đặc biệt của anh Thịnh, cũng bị câm điếc bẩm sinh, bố mất sớm, còn mẹ đang thụ án trong tù. Anh Thịnh kể: "Buổi sáng hôm đó, khi tôi mở cửa hàng thấy cậu bé đứng ngoài cửa, miệng ú ớ. Câu bé ấy nhìn tôi rồi khóc. Biết được hoàn cảnh, tôi đã nuôi và dạy nghề cho em từ đó đến nay".

Anh Nguyễn Công Sang, người cũng được anh Thịnh truyền nghề, dạy dỗ nay đã tự lập được. Vì bị câm điếc anh Sang chia sẻ bằng những dòng chữ đầy xúc động: "Nhờ có anh Thịnh mà hàng chục anh em chúng tôi như thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chúng tôi giờ không chỉ tự nuôi bản thân mà phần nào giúp đỡ thêm được gia đình. Đặc biệt hơn là anh Thịnh đã giúp chúng tôi không còn thấy mặc cảm, hòa nhập hơn với xã hội".

Dù không nói được trực tiếp với chúng tôi bằng ngôn ngữ nhưng qua nụ cười, ánh mắt và sự ân cần của anh đối với học viên, tôi hiểu anh Thịnh là người có ước mơ, dám ước mơ. Anh sẽ là chỗ dựa vững chắc, sẽ là người thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những người cùng cảnh ngộ với mình.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Quảng Ninh: “Bừng sáng cùng Kỳ quan” - Carnaval Hạ Long đầu tiên trên biển

Tối 28/4 tại khu du lịch Bãi Cháy thành phố Hạ Long, Carnaval Hạ Long 2024 lần đầu tiên được tổ chức trên biển đã mang tới cho du khách nhiều cảm xúc về vùng đất, con người Quảng Ninh với nhiều nét văn hóa đặc sắc, khởi động một mùa du lịch mới.
2024-04-29 14:43:11

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".
2024-04-27 19:43:25

Triển lãm ảnh những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử

Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng Bảo tàng chiến thắng B52 và Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam vừa tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới”.
2024-04-27 01:13:48

Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024

Tối 26/4, tại Công viên Thống Nhất, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội đã tổ chức Khai mạc Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024.
2024-04-26 23:56:34

SHB tăng tốc chuyển đổi, lợi nhuận quý I năm 2024 cao nhất lịch sử

Năm 2024, SHB đặt kế hoạch lợi nhuận đạt 11.286 tỷ đồng, cao hơn 22% so với năm trước. Với chiến lược chuyển đổi 2024 - 2028, SHB xác lập mục tiêu TOP 1 về hiệu quả, khẳng định vị thế định chế tài chính hàng đầu, vươn tầm khu vực.
2024-04-26 18:33:29
Đang tải...