Chủ tịch Lê Mã Lương thăm Công ty Chân - Thiện - Mỹ tại Bắc Ninh
AHLĐ Đoàn Xuân Tiếp phát biểu tại buổi làm việc. |
Đây là cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật tại Bắc Ninh do AHLĐ Đoàn Xuân Tiếp sáng lập. Ông Đoàn Xuân Tiếp sinh năm 1950 tại xã Đại Lai (Gia Bình, Bắc Ninh) trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 1972, trong không khí toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã tình nguyện nộp đơn nhập ngũ. Trở về sau 19 năm, ông cảm thấy nghẹn lòng khi quê hương còn nghèo đói, đời sống nhân dân khó khăn. Đặc biệt, cuộc sống của những NKT còn chật vật hơn, trong đó có cả đồng đội từng "kề vai sát cánh" trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ. Sau bao đêm suy nghĩ trằn trọc không yên giấc, cuối cùng ông cũng đã tìm được một hướng đi mới giúp những mảnh đời kém may mắn.
Công ty đi vào hoạt động dưới sự lãnh đạo của ông Đoàn Xuân Tiếp đã mở được nhiều khóa học miễn phí, trong đó tỷ lệ NKT chiếm số lượng lớn. Có những người trước kia họ quan niệm là gánh nặng của gia đình và xã hội đến nay họ đã có lòng tin, khẳng định vị trí, họ tự hào về sản phẩm do chính mình làm ra, và hơn hết họ không những lo được cho bản thân mà còn hỗ trợ gia đình.
Chưa dừng lại ở đó, với ý tưởng đào tạo nghề ở trình độ cao cho NKT, năm 2011, ông Tiếp đã cùng các chuyên gia về quản lý giáo dục, các nhà giáo, các nhà đầu tư có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và có khả năng tài chính vững chắc tham gia vào hội đồng sáng lập xây dựng Đề án khả thi thành lập trường Đại học Kinh Bắc (ĐHKB). Đề án đã thuyết phục được các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước bởi tính đặc thù riêng, đây là một mô hình đào tạo hệ đại học chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Trường ĐHKB mang tính đặc thù riêng bởi ngoài việc tạo điều kiện cho mọi công dân trong độ tuổi được vào học, trường đặc biệt quan tâm đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ cho các đối tượng sinh viên khuyết tật (SVKT). Sinh viên ĐHKB sẽ vừa học lý thuyết trên giảng đường vừa thực hành tại tổ hợp các doanh nghiệp của công ty Chân - Thiện - Mỹ, công ty Hồng Ngọc. Đặc biệt sau khi tốt nghiệp, SVKT sẽ được ưu tiên nhận vào làm việc tại các công ty của giám đốc Đoàn Xuân Tiếp và hệ thống các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh của Hiệp hội VAIDE.
Tại buổi làm việc, ông Đoàn Xuân Tiếp đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình hoạt động của công ty trong thời gian qua và đề xuất với Hiệp hội tìm ra giải pháp để nâng cao chất lượng hàng hóa do người khuyết tật làm ra và tìm hướng xuất khẩu sản phẩm do người khuyết tật sản xuất.
Các ý kiến tại buổi làm việc đã thống nhất giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp của người khuyết tật bằng cách tăng cường thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp hội viên. Chủ tịch Lê Mã Lương cho biết, trong thời gian tới Hiệp hội sẽ có kế hoạch làm việc với Bộ Công Thương để khai thông các thị trường xuất khẩu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hội viên tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm Trường đại học Kinh Bắc do AHLĐ Đoàn Xuân Tiếp sáng lập nhằm tạo ra cơ sở đào tạo cho khu vực phía Bắc và có sự quan tâm ưu đãi đối với sinh viên là người khuyết tật.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.