Chủ tịch Quốc hội lên đường tham dự IPU-140
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại sân bay Melsbroek, thủ đô Brussels, Bỉ. Ảnh: TTXVN |
Trước đó từ ngày 3-6/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã có chuyến thăm làm việc với Nghị viện châu Âu.
Với 178 nghị viện thành viên và 12 thành viên liên kết, Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, hợp tác giữa các nước và Nghị viện các nước.
Mục tiêu chính của IPU gồm thúc đẩy giao lưu, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các Nghị viện và nghị sĩ các nước; tham vấn, thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan tới lợi ích quốc tế nhằm đề xuất hành động cho các nghị viện và nghị sỹ. IPU tích cực đóng góp vào việc bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới, yếu tố thiết yếu cho nền dân chủ nghị viện và sự phát triển, nâng cao nhận thức, tăng cường hiệu quả hoạt động của các thể chế đại nghị.
Việt Nam là thành viên chính thức của IPU vào tháng 4/1979. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại IPU, có đóng góp thực chất cho Đại hội đồng. Những đóng góp này có tác động lan tỏa, được bạn bè quốc tế và khu vực đánh giá cao. Thông qua diễn đàn IPU, quan hệ song phương của Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước được thiết lập và tăng cường.
Tháng 4/2015, Quốc hội Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch và tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 với việc thông qua Tuyên bố Hà Nội, đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Qatar Nguyễn Đình Thao, tại Đại hội đồng lần này, Đoàn Việt Nam dự kiến có nhiều sáng kiến đóng góp cho việc nâng cao vai trò của nghị viện với vai trò là “nền tảng để tăng cường giáo dục vì hòa bình, an ninh và pháp quyền” như chủ đề của Phiên họp toàn thể đã đề ra.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.