Chuyện về người lái xe anh hùng
Năm 1962, khi đang làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp quê nhà (xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa), chàng trai Lê Duy Cận xung phong nhập ngũ, vào Trung đoàn 254 Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô. Sau quy trình kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, Lê Duy Cận được cấp trên cử đi học lớp lái xe mô tô 3 bánh, tham gia đợt duyệt binh năm 1962, rồi được điều động làm lái xe cho cơ quan Bộ tư lệnh CANDVT (nay là Bộ tư lệnh BĐBP).
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Duy Cận.
Kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên của lái xe Lê Duy Cận là vào tháng 3-1966, khi ông nhận nhiệm vụ theo đoàn chở hàng vào Quảng Bình để giao cho các đơn vị biên phòng. Do tuyến đường bị địch đánh phá ác liệt nên một mình ông phải lái xe suốt 26 ngày đêm liên tục. Vừa đến phà Nghiên (Hà Tĩnh), đoàn xe nhận được tin hai đồng chí phụ trách phà hy sinh do trúng bom của địch. Ông xuống xe, động viên anh em còn lại cùng mình kéo phà lánh sang chỗ khác, sau đó vượt qua khu vực nguy hiểm, bảo đảm người và hàng an toàn. Sau nhiều lần chết hụt, đầu năm 1968, Lê Duy Cận lại được lệnh lái xe chở cán bộ vào miền Nam công tác. Xe đến Đô Lương (Nghệ An) thì bị gãy cần số. Khu vực xe hỏng cũng là nơi địch vừa đánh bom, nhiều xe-máy của ta bị cháy nằm rải rác. Biết khu vực này đang nguy hiểm vì có thể còn bom nổ chậm, song không thể chậm trễ, Lê Duy Cận quyết định vừa dò đường tránh bom, vừa vào bãi để tìm trong số xe bị cháy, lấy được một cần số mang về thay thế. Tưởng đã vượt qua khó khăn, nào ngờ, tới ngầm Thanh Lạng, xe của anh tiếp tục gặp bom đánh phá. Sức ép của quả bom làm Lê Duy Cận suýt văng ra khỏi buồng lái, nhưng anh vẫn nén đau, giữ vững tay lái cho xe vượt ngầm, đưa đoàn cán bộ tới nơi tập kết an toàn.
Ngoài những kỷ niệm sinh tử trên, Lê Duy Cận còn được mọi người nể phục ở đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, luôn đi đầu trong thực hiện lời Bác Hồ dạy: "Yêu xe như con, quý xăng như máu". Trên đường công tác, anh luôn chịu khó thu nhặt từng chiếc ốc, sợi dây điện và những phụ tùng cần thiết ở những chiếc xe hỏng để về tự sửa chữa, lắp ráp vào chiếc xe ngày càng xuống cấp của mình. Nhờ đó, chiếc xe của anh ngày càng tốt, tiêu thụ nhiên liệu ít hơn. Sau 4 năm “tiếp quản” phương tiện, Lê Duy Cận đã tiết kiệm 805 lít xăng, lập kỷ lục tiết kiệm xăng trong toàn lực lượng. Trong suốt thời gian lái xe, anh đã chạy hơn 41.000km bảo đảm an toàn tuyệt đối người và hàng. Với những thành tích xuất sắc, ngày 25-8-1970, Lê Duy Cận được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, một phần thưởng đặc biệt cao quý đối với người lái xe.
Đất nước thống nhất, Lê Duy Cận được cấp trên điều động giữ nhiều chức vụ. Năm 1988, ông được cử đi học nghiệp vụ tại Liên Xô và năm 1989, khi về nước, ông được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Hậu cần BĐBP. Ở cương vị mới, ông thường xuyên đi kiểm tra thực tế tại các đồn, trạm để nghiên cứu phương pháp bảo đảm hậu cần toàn diện, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức nuôi gia súc theo đàn lớn, thành lập các trại sản xuất... Nhờ đó, đời sống của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên biên phòng ngày càng được nâng lên. Ông còn tham mưu đắc lực cho Bộ tư lệnh BĐBP sản xuất thuốc viên nén trị sốt rét, giảm đáng kể số ca tử vong của bộ đội tại các đồn vùng sâu, vùng xa do sốt rét gây ra.
Sau 38 năm công tác trong quân đội, năm 2000, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Lê Duy Cận được nghỉ chế độ. Với tinh thần “nghỉ hưu chứ không nghỉ ngơi”, về khu dân cư, ông tham gia nhiệt tình vào các hoạt động và được bầu làm bí thư chi bộ của tổ dân phố suốt 10 năm liền...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.