Cô giáo dùng thơ, kịch để dạy môn Hóa học
"Xin chào, tôi là phân Kali, sau đây tôi sẽ bắt đầu phần thi của mình", một nam sinh mặc chiếc áo đỏ cam, màu đặc trưng của phân kali, dõng dạc giới thiệu về mình trong cuộc thi Hoa hậu phân bón. Dưới lớp, tiếng vỗ tay, cổ vũ rào rào. Cùng với phân kali, cuộc thi còn có sự góp mặt của phân đạm, phân lân, hỗn hợp và vi lượng.
Cô Dương Thu Nguyệt, 35 tuổi, giáo viên dạy Hóa, trường THPT Đa Phúc ngồi dưới bàn học sinh, đóng vai ban giám khảo khi các "thí sinh hoa hậu" giới thiệu về mình, cũng chính là những tính chất đặc trưng của mỗi loại phân. Khi theo dõi phần thể hiện của học trò, cô Nguyệt thường xuyên nở nụ cười, gật đầu hài lòng.
Vở kịch mô phỏng cuộc thi hoa hậu được cô Nguyệt lên ý tưởng khi dạy đến bài Phân bón của chương trình Hóa học 11. Luôn tâm đắc với quan điểm "học sinh rất giỏi và sáng tạo, quan trọng là mình có tạo điều kiện cho các em hay không", cô Nguyệt thường xuyên mày mò, thay đổi hình thức dạy, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật để học sinh không còn sợ học Hóa.
Cô Dương Thu Nguyệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong một gia đình có bố và bác là giáo viên, từ nhỏ, cô bé Nguyệt đã tò mò và ao ước được theo chân bố mỗi lần ông xách cặp đi dạy. Tuy nhiên, vì định hướng chưa rõ ràng, Nguyệt không chia sẻ nhiều về ước mơ này với mọi người. Trong suốt những năm phổ thông, nhờ tính cách hướng ngoại, sôi nổi, Nguyệt tham gia rất nhiều hoạt động đoàn. Nhiều người nghĩ, cô chắc sẽ thi trường Ngoại giao nhưng trái lại, Nguyệt quyết định trở thành sinh viên khoa Sư phạm, nay là Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.
"Thật ra tôi đã yêu nghề giáo từ rất lâu. Tôi tự thấy mình may mắn khi ở nhà có bố là thầy, trên lớp lại gặp được những giáo viên tận tình, tâm huyết giúp đỡ nên tình yêu đó được duy trì trong nhiều năm", Nguyệt lý giải, khẳng định đến với giáo dục "như một lẽ tự nhiên".
Khi lựa chọn ngành, nữ sinh 18 tuổi được khuyên theo Toán bởi "đây là một học nền tảng, dù xã hội thay đổi như nào cũng vẫn cần" nhưng Nguyệt lắc đầu. Hình ảnh sôi nổi và nhiệt huyết của giáo viên dạy Hóa tại trường THPT Đa Phúc, nơi Nguyệt học cấp ba, gây ấn tượng mạnh nên nữ sinh quyết định theo đuổi ngành Sư phạm Hóa học.
Sau bốn năm học, cô Nguyệt quay trở lại trường THPT Đa Phúc công tác. Thời điểm đó, trường đang xây mới nên không có phòng thí nghiệm Hóa học. Trước mỗi buổi dạy, để có hóa chất cho học sinh làm thí nghiệm, cô giáo trẻ phải hì hục tìm trong kho hoặc tự pha chế nên mất đến vài giờ. "Lúc ở đại học, tôi được xem và thực hành Hóa học nhiều nên thấy rất thiệt thòi cho các em nếu chỉ học lý thuyết suông ở môn này", cô nói.
Biết Hóa học là môn khô khan, đa số học sinh không thích học, cô giáo sinh năm 1985 mày mò và tìm tòi các phương pháp tạo hứng thú cho các em. Nguyệt luôn cố gắng gắn Hóa học vào thực tế hay những câu chuyện quen thuộc với học sinh để các em cảm thấy gần gũi, hào hứng với bài giảng. Hình thức truyền tải được cô Nguyệt sử dụng đa dạng, từ kịch, thơ đến các tác phẩm văn học.
Đối với những học sinh lớp xã hội, cô Nguyệt chủ yếu đưa thơ, văn vào hóa học vì biết đây là thế mạnh của các em. Thay vì phải học thuộc lòng những tính chất khô khan, cô tổ chức cuộc thi chuyển nội dung bài học thành thơ lục bát, thậm chí phổ nhạc để học trò nhớ bài nhanh hơn. Ngoài ra, cô còn tận dụng truyện cổ tích để đưa vào bài học của mình. Chẳng hạn, trong truyện Tấm Cám, phân đoạn Tấm phải nhặt thóc và gạo rồi mới được đi xem hội, cô Nguyệt xây dựng nhân vật Tấm rất giỏi Hóa học, biết màu và tính chất của thóc và gạo, từ đó phân loại rất nhanh.
Để làm được những hoạt động này, cô giáo mất nhiều thời gian lên ý tưởng và chuẩn bị đạo cụ. Cô thường ở lại trường muộn, nhiều hôm soạn bài xong vẫn hì hục với đạo cụ đến tận khuya chưa ngủ. Nhiều lần hàng xóm xì xào "chả hiểu làm cái gì mà về muộn suốt", cô Nguyệt chỉ cười. "Quan điểm của tôi là mình vui, thoải mái và hoàn thành tốt công việc là được", cô chia sẻ.
Ngoài thời gian chuẩn bị, cô Nguyệt gặp khó khăn khi phải cân đối và dạy gộp để tổ chức hoạt động vì một tiết Hóa chỉ kéo dài 45 phút. Ví dụ với bài Nhôm dài ba tiết, cô dạy hai tiết, còn lại để học trò tham gia hoạt động. Cô giáo cho rằng, ngoài dạy và giao bài tập theo cách truyền thống, những hoạt động này giúp học sinh yêu thích và không sợ việc học, dễ tiếp thu hơn.
Trong 14 năm ở trường THPT Đa Phúc, cô Nguyệt gặp nhiều học trò tự ti, học kém vì không được đầu tư Hóa từ cấp 2. Cách đây hai năm khi tiếp nhận học sinh vào lớp 10, cô giáo ấn tượng với một nữ sinh nhút nhát, luôn sợ sệt mỗi lần đến giờ Hóa. Thời điểm đó, lực học của em rơi vào nhóm ba người kém nhất lớp. Sợ học trò tủi thân, cô Nguyệt tranh thủ giờ ra chơi hỏi chuyện, để lại số điện thoại và Facebook và dặn "khi nào muốn hỏi gì thì cứ nhắn cô". "Sau cả học kỳ thấy được quan tâm, em đó dần dần mới dám hỏi. Hiện tại, học sinh này học lớp 12 và điểm Hóa luôn trong top 5 của lớp", cô Nguyệt cho hay.
Những năm gần đây, cô giáo quê Sóc Sơn gặp một số vấn đề sức khỏe, phải phẫu thuật hai lần. Cả hai lần đó đều rơi vào thời điểm đội tuyển ôn thi học sinh giỏi và nhóm nghiên cứu khoa học đang trong những ngày cuối, gấp rút ôn luyện. Hai ngày sau mổ, cô Nguyệt nhắn học trò, mang sách vở vào bệnh viện, không hiểu gì cô sẽ giải đáp luôn. "Lúc đó bác sĩ mắng phải nghỉ ngơi thêm, nhưng tôi sốt ruột, lại lo học trò vắng cô không biết hỏi ai", Nguyệt nhớ lại. Kết quả, học sinh của cô giành giải nhất môn Hóa, còn nghiên cứu khoa học đạt giải ba, đều ở cấp thành phố.
Cô Nguyễn Thị Tươi, Hiệu trưởng trường THPT Đa Phúc, chính là giáo viên dạy Hóa năm xưa đã truyền cảm hứng cho cô Nguyệt lựa chọn và theo đuổi ngành Sư phạm Hóa. Trong ký ức của cô Tươi, Thu Nguyệt là học trò xuất sắc, năng nổ trong công tác đoàn và khi làm cán sự lớp. "Khi thấy học trò quay về trường giảng dạy, tôi rất xúc động", cô Tươi nói.
Lãnh đạo trường THPT Đa Phúc đánh giá cô Nguyệt là giáo viên sáng tạo, mỗi bài giảng đều được đầu tư để có phương pháp, sắc thái riêng. Chia sẻ quan điểm về việc học sinh có thể gây ồn khi học, cô Tươi cho rằng chương trình tương đối mở nên để giáo viên chủ động, sáng tạo để tạo hứng thú cho học trò. "Tôi nghĩ có những tiết học cần sự ồn ã, sôi động chứ không nên lúc nào cũng im phăng phắc. Nhiều phụ huynh, học sinh cũng phản hồi tích cực với tôi về phương pháp dạy của cô Nguyệt", nữ hiệu trưởng chia sẻ.
Nhờ việc tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy, đầu tháng 11, cô Thu Nguyệt được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Nhìn lại hơn 10 năm theo nghề "gõ đầu trẻ", cô giáo tự nhận mình đã thông cảm và học cách làm bạn với học trò hơn trước rất nhiều. Trước kia, mỗi khi các em không làm đầy đủ bài tập, cô Nguyệt thường cáu và quát mắng. Việc này khiến học sinh sợ, chép bài của nhau để đủ bài.
Khi bình tĩnh, cô thấy rằng học sinh rất vất vả, phải học hơn 10 môn nên việc lúc nào cũng làm tốt tất cả rất khó. "Do đó, thay vì trách hay quát mắng, giờ tôi sẽ bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Tôi luôn hy vọng sẽ trở thành người mà học trò tin tưởng, thoải mái chia sẻ và những tiết học Hóa là kỷ niệm đẹp của các em khi nhớ về thời phổ thông", cô nói.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.