Có một đoàn nghệ thuật như thế...?
2018-07-19 13:49:17
0 Bình luận
HOANHAP.VN - Đoàn Nghệ thuật mà tôi giới thiệu dưới đây, đó là Đoàn Nghệ thuật Văn hóa Nhân Đạo, của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục văn hóa Việt, thuộc Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.
Đoàn gồm 11 nam, nữ diễn viên và nhạc công, là con cháu các cựu chiến binh bị khuyết tật vì nhiễm chất độc da cam. Nhạc công và diễn viên trong đoàn đều là những người khiếm thị, sinh ra ở những miền quê kinh tế rất khó khăn như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh,… Song, nhờ có khả năng nghệ thuật bẩm sinh, được NSND. Tường Vi, nguyên Đại tá Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phát hiện, tuyển lựa, tiếp nhận đưa về dạy tại Trung tâm nghệ thuật tình thương do bà xây dựng, rồi được gửi vào bồi dưỡng tại các trường nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu và Nhạc Viện Hà Nội. Hiện nay đoàn đang hoạt động phục vụ theo chương trình: Nghiên cứu công tác giáo dục trải nghiệm của Hội khoa học Tâm lý – Giáo Dục Việt Nam, động viên tinh thần, khích lệ tâm lý học tập của các em học sinh tại các trường phổ thông.
Mặc dù vậy, hoạt động của đoàn cũng còn rất nhiều khó khăn, bởi các thành viên trong đoàn đều là những người có số phận không may mắn, bị khiếm thị và dị tật. Mọi sinh hoạt để đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho đoàn, rất cần sự chăm lo tỷ mỷ từ bữa ăn, đến nơi nghỉ, nơi vệ sinh riêng cho từng cá nhân nam, nữ diễn viên và nhạc công. Với tấm lòng nhân ái và tình thương yêu thân thiết, biết đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau đã giúp đoàn vượt qua mọi khó khăn, tiếp thêm nghị lực để các thành viên vượt lên số phận, vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình. Và chính từ đây, cũng để mọi người trong xã hội thấy rằng: “Người khuyết tật và những người lành lặn không còn khoảng cách, hiệu quả mà NKT đem lại cho cuộc sống cũng rất lớn, như làm vợi bớt những nỗi buồn, giúp mọi người vui hơn, sống có ý nghĩa hơn”.
NSND Tường Vi đang luyện thanh cho các cháu khuyết tật |
Được sự quan tâm giúp đỡ của UBND, Sở Văn hóa Thể thao, Sở Giáo dục Đào tạo của các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước, đặc biệt là khối trường học phổ thông TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 6 tháng đầu năm 2018, đoàn đã tổ chức được hơn 200 buổi giao lưu văn hóa nghệ thuật với các trường phổ thông Tiểu học và Trung học tại TP Hồ Chí Minh, TP Vũng Tàu … Chất lượng và nội dung của chương trình, đều mang tính giáo dục sâu sắc, có tác động mạnh mẽ đến tinh thần và kết quả học tập của học sinh, được trải nghiệm và đúc kết qua thực tế hàng tuần, hàng tháng của các Trường. Các thày cô giáo và học sinh rất tin yêu, mến phục, và đều có nhận xét đánh giá bằng văn bản gửi về Trung Tâm.
Thông qua nguồn từ thiện của các nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể xã hội, các doanh nghiệp, và các buổi tổ chức giao lưu văn hóa Việt, cùng với sự đóng góp giúp đỡ của các cán bộ và hội viên trong Trung tâm, đoàn đã chắt chiu dành dụm để có nguồn cung cấp tự trang trải và đảm bảo được cuộc sống ổn định. Đến nay, đoàn đã mua sắm được các trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ hiện đại, cùng một xe ô tô 35 chỗ ngồi, đảm bảo an toàn về chất lượng để chủ động đưa đón đoàn đi phục vụ ở mọi nơi.
Được sự chỉ đạo tận tình, trực tiếp của nhạc sỹ Nguyễn Văn Liền - Giám đốc trung tâm, chương trình của đoàn ngày một phong phú và đa dạng, đặc biệt là những tiết mục độc tấu nhạc cụ hiện đại và nhạc cụ dân tộc độc đáo do các em khiếm thị thực hiện rất thuần thục, điêu nghệ.
Do yêu cầu phục vụ đề tài nghiên cứu hoạt động giáo dục trải nghiệm, đòi hỏi chất lượng của chương trình phải đạt được trình độ chuyên môn cao, đa dạng, sinh động và nội dung mang tính giáo dục sâu sắc, vì vậy hoạt động nghệ thuật của đoàn không thể mang giáng dấp của một đội văn nghệ không chuyên “chỉ lo đi kể lể và hát để xin tiền”. Chính vì thế, Trung tâm đang xây dựng kế hoạch đào tạo bổ xung đội ngũ diễn viên và nhạc công kế cận, không chỉ phục vụ cho chương trình trước mắt và còn cho kế hoạch dài lâu trong tương lai.
Hiện nay Trung tâm đang tuyển dụng những nam, nữ diễn viên và nhạc công là những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, trình độ chuyên môn không đòi hỏi khắt khe, miễn là có khả năng có thể đảm nhiệm được tiết mục biểu diễn của mình. Trung tâm có trách nhiệm đào tạo, hướng dẫn chuyên môn, và đảm bảo cuộc sống ổn định để diễn viên và nhạc công có thể yên tâm gắn bó lâu dài với đoàn.
Theo nhạc sỹ Nguyễn Văn Liền, để cho chương trình nghiên cứu hoạt động giáo dục trải nghiệm mà Trung tâm đang thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam đạt hiệu quả cao và thiết thực, Đoàn nghệ thuật Văn hóa Nhân đạo rất cần sự quan tâm giúp đỡ của UBND các địa phương, các sở ban ngành chức năng, tạo điều kiện cho đoàn duy trì thường xuyên, liên tục được những hoạt động giao lưu với các trường học phố thông trong cả nước./.
Một số hình ảnh của Đoàn nghệ thuật Văn hóa Nhân đạo:
Một số hình ảnh của Đoàn nghệ thuật Văn hóa Nhân đạo:
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.
Hoàng Thành