Con trai hằng ngày bế mẹ bại liệt đến nơi làm việc để tiện chăm sóc
Từ nhà ở quận Lâm Vị, thành phố Vị Nam, tỉnh Thiểm Tây đến nơi làm việc của Hiểu Ba - bệnh viện cộng đồng Đỗ Kiều - chỉ hơn 1km. Khu làm việc của Triệu Hiểu Ba ở tầng 6, nơi điều trị bệnh cho bệnh nhân lớn tuổi.
Đến chỗ làm, Triệu bế mẹ đến một chiếc giường trống rồi đắp chăn cho bà. Anh mở iPad, bật một bộ phim truyền hình để bà theo dõi khi đợi con tan làm.
Công việc chính của Hiểu Ba là hỗ trợ các y tá chăm sóc bệnh nhân. Từ 8h tối, anh bắt đầu đi một vòng tầng 6, nơi có 40 bệnh nhân đang nằm điều trị để kiểm tra tã lót, giúp họ đi vệ sinh và tắm rửa. Anh cũng dìu bệnh nhân đi khám, đến phòng ăn hoặc phòng sinh hoạt cộng đồng... khi họ có nhu cầu.
Công việc hàng ngày của Triệu Hiểu Ba là hỗ trợ y tá chăm sóc bệnh nhân lớn tuổi tại Bệnh viện cộng đồng Đỗ Kiều, tỉnh Thiểm Tây. Ảnh: sina
Mỗi ca trực, Hiểu Ba phải đi ít nhất 4 vòng khu vực điều trị, thay ga, lật người cho các cụ khoảng 160 lần. Công việc vất vả nhất là vào 10-11h đêm khi bệnh nhân chuẩn bị đi ngủ. Anh cho biết, trong số những bệnh nhân ở đây có người là đồng nghiệp của bố mẹ anh, số khác là cha mẹ của bạn học.
Hiểu Ba sẽ được nghỉ ngơi từ 23h đến 2h sáng trên chiếc giường gấp đặt cạnh giường người mẹ. Ngoài thời gian này, anh còn phải giặt giũ quần áo bệnh nhân, ga giường. Công việc kết thúc 6h30 sáng hôm sau, anh bế mẹ xuống giường rồi thu dọn đồ đạc, bế mẹ ra xe về nhà.
"Làm việc ở đây, tôi vừa kiếm được tiền, vừa chăm sóc được mẹ", người đàn ông 40 tuổi nói.
Hiểu Ba từng làm trong ngành xây dựng. Năm 2012, mẹ anh bị liệt nửa người do đột quỵ. Anh trai lớn bị khuyết tật nhiều năm trước do tai nạn lao động không thể chăm sóc mẹ. Người cha khi đó đã 67 tuổi phải một mình chăm sóc vợ.
Tháng 8/2016, bố Hiểu Ba qua đời vì bị ngã đập đầu xuống đất trong lúc hỗ trợ vợ đi vệ sinh. Mẹ anh cũng bị thương rất nặng sau cú ngã này.
Triệu Hiểu Ba phải về nhà đưa mẹ lên thành phố chăm sóc. Mỗi ngày anh đều chở bà đi làm cùng và đỗ xe dưới tán cây to cạnh khu nhà xưởng của công ty. Vì người mẹ không duỗi thẳng được chân nên anh trải một chiếc chăn dày lên ghế sau xe và để bà nằm lên đó. Cứ hai tiếng lại mang nước uống và đưa bà đi vệ sinh. Đến trưa, anh gọi một suất cơm cho hai mẹ con cùng ăn.
Tết năm 2020, cả hai về quê và kẹt lại do Covid-19, Hiểu Ba đành nghỉ hẳn việc và ở nhà chăm sóc mẹ.
Tháng 7/2021, quận Lâm Vi nơi hai mẹ con sinh sống, phối hợp cùng với Bệnh viện cộng đồng Đỗ Kiều tổ chức khóa đào tạo chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Hiểu Ba được mời tham gia.
Suốt khóa học, giám đốc bệnh viện nhận thấy người đàn ông này học tập rất chăm chỉ, đặc biệt kiên nhẫn với người già. "Chúng tôi cần một người đàn ông có sức khỏe để hỗ trợ y tá chăm sóc bệnh nhân", vị giám đốc trung tâm nói với Hiểu Ba. Ngay từ tháng 8, anh đã được trả mức lương hàng tháng là 4.000 tệ.
Hiểu Ba rất hài lòng với mức thu nhập này, quan trọng hơn là người mẹ có thể được chăm sóc tốt hơn khi ở trong viện thường xuyên.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.