Công tác triển khai thi hành Hiến pháp được Chính phủ chỉ đạo sát sao
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2017 cho thấy, công tác triển khai thi hành Hiến pháp trong 8 tháng năm 2017 đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao và được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến các đạo luật được tiến hành kịp thời, khẩn trương và sâu rộng trong phạm vi cả nước. Qua đó quy định, nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, nhất là các quy định mới, tiến bộ của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân được làm sâu sắc hơn, sinh động hơn, thực tiễn hơn qua các quy định cụ thể của các đạo luật.
Công tác xây dựng, ban hành các luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 về cơ bản đã được Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện trong giai đoạn 2014-2016, trong đó đã ban hành 55/82 tổng số luật, pháp lệnh bao gồm các luật, pháp lệnh trong lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, về an ninh quốc phòng, về tư pháp và tố tụng, về kinh tế... như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp...
Nhìn chung, các luật nêu trên đều bảo đảm phù hợp với tinh thần Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp. Một trong những biện pháp để bảo đảm được kết quả nêu trên là việc Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 11/4/2014.
Hội đồng được thành lập nhằm mục đích tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc xem xét cho ý kiến về: Mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những định hướng cơ bản xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp do Chính phủ trình, bảo đảm cụ thể hóa thống nhất với nội dung, tinh thần của Hiến pháp; cho ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh không do Chính phủ trình trong quá trình chuẩn bị ý kiến của Chính phủ về các dự án luật, pháp lệnh này; tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp do các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo.
Hội đồng đã tổ chức cho ý kiến đối với nhiều dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp và Báo cáo của Hội đồng được gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản; đồng thời được gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ trì thẩm tra.
Đến nay, còn 27 dự án luật trong danh mục các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 chưa được ban hành theo Kế hoạch, trong đó có nhiều dự án luật dự kiến được trình Quốc hội giai đoạn 2016-2020.
Đối với các dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp tới cụ thể hóa quy định của Hiến pháp cần được sớm ban hành đang được Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Cơ bản các dự án, dự thảo được trình đúng tiến độ; số lượng các dự án được Quốc hội thông qua chiếm tỷ lệ lớn. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết nhanh hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, với tổng số 40 văn bản được ban hành trong 6 tháng đầu năm 2017, giảm 16 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (56 văn bản). Số văn bản nợ ban hành là 15 văn bản và giảm 10 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (25 văn bản). Kết quả này thể hiện sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chuyển biến về nhận thức, sự quyết tâm, đầu tư của các bộ, ngành trong công tác xây dựng thể chế.
Xác định tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp là việc làm thường xuyên, liên tục, bám sát các nhiệm vụ Chính phủ được giao tại Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, Chính phủ đề ra các nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp trong thời gian tới là: Tổ chức sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 nhằm đánh giá các nhiệm vụ đã được triển khai trong giai đoạn 2013-2018, đề xuất các hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp đi vào chiều sâu; xác định các vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thi hành Hiến pháp và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục. Ưu tiên tập trung cho công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội khóa XIV để bảo đảm tiến độ và chất lượng vì số lượng các dự án là rất lớn, trong đó quan tâm đặc biệt tới các dự án luật trong danh mục các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, gồm các dự án luật quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân như dự án Luật biểu tình, dự án Luật về hội…; các dự án luật phúc đáp yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp, đồng thời tiếp tục phát huy, tăng cường vai trò của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các dự án luật, pháp lệnh theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp...
Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành khẳng định trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết; Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện nhằm kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, tập trung vào một đầu mối là tổ chức pháp chế, góp phần rút ngắn quy trình ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Mặc dù, vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản, nhưng đã giảm dần so với các năm trước, cụ thể: giảm 44 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (57 văn bản) và giảm 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2016 (35 văn bản).
Những kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào việc thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của luật, pháp lệnh, đưa luật, pháp lệnh nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo đảm tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí…
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể là: Tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành 141 văn bản quy định chi tiết; tổ chức triển khai thi hành các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, UBTVQH thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức triển khai thi hành các dự án luật sẽ được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (dự kiến có 16 dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, trong đó có 2 dự án, dự thảo đang đề nghị bổ sung vào chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 4).
Thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết mà Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết số 20/2011/QH13, Nghị quyết số 67/2013/QH13, Nghị quyết số 75/2014/QH13; đồng thời, đẩy mạnh công tác tổ chức triển khai thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, đảm bảo kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, nhất là quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, bảo đảm làm rõ chính sách trước khi dự thảo luật, pháp lệnh; trình dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo dự án luật, pháp lệnh.
Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2017 của ủy ban Pháp luật khẳng định, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH trong việc chuẩn bị 2 Báo cáo về hai nội dung này một cách đầy đủ, có chất lượng. Báo cáo số 370/BC-CP và Báo cáo số 369/BC-CP của Chính phủ đã cơ bản phản ánh được thực trạng tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 8 tháng năm 2017; kết quả công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội từ kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016) đến nay đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân; đồng thời, đưa ra giải pháp, kiến nghị cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao chất lượng của công tác này.
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với nhiều nội dung của 2 Báo cáo và nhận thấy giai đoạn từ tháng 10/2016 đến nay, cho rằng Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, đổi mới, coi việc triển khai thi hành Hiến pháp, xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động của Chính phủ; triển khai đồng bộ với các hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, địa phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.