Cụm di tích nhà Mạc tại Hải Phòng đón Bằng xếp hạng ‘Di tích quốc gia đặc biệt’
Vương triều Mạc kéo dài từ năm 1527 - 1592, do Thái tổ Mạc Đăng Dung sáng lập, trải qua 5 đời vua: Mạc Đăng Dung (1527 - 1529), Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540), Mạc Phúc Hải (1541 - 1546), Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) và Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592). Trong suốt thời gian 65 năm, nhà Mạc đã đưa ra nhiều chính sách cải cách, phát triển kinh tế làm cho đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định.
Thái tổ Mạc Đăng Dung (1483 - 1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng), là cháu 7 đời của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần. Sinh ra ở vùng biển. Thuở thiếu thời, Mạc Đăng Dung làm nghề đánh cá, nhưng lại có trí dũng hơn người. Trong cuộc thi tuyển dũng sĩ đời vua Lê Uy Mục tại Giảng Võ đường Thăng Long, ông đã trúng Đô lực sĩ xuất thân - Võ Trạng nguyên, được sung quân Túc vệ. Trong giai đoạn này, triều Lê suy yếu, các tướng chia bè phái đánh lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, Mạc Đăng Dung được giao trấn thủ Hải Dương. Vua Lê Chiêu Thống ở kinh thành Thăng Long bị quân khởi nghĩa của Nguyễn Kính nổi loạn, uy hiếp. Mạc Đăng Dung mang quân về kinh thành cứu giá, một mình dẹp loạn, được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công...
Năm 1527, ông được triều Lê phong làm thái sư An Hưng Vương. Tháng 6/1527, ông lập ra nhà Mạc với niên hiệu Minh Đức. Đến năm 1529, ông nhường ngôi cho con cả là Mạc Đăng Doanh - tức Mạc Thái Tông. Ông lui về làm Thái thượng hoàng, xây dựng Dương Kinh là kinh đô ven biển đầu tiên của nước ta. Nhà Mạc không theo chính sách “trọng nông, ức thương” như thời Lê sơ nhưng đã đưa được kinh tế vùng Đông Bắc mạnh lên với thủ công, thương nghiệp phát triển, tiêu biểu như gốm sứ thời nhà Mạc đã vươn tới thị trường Đông Nam Á và các nước Trung Đông v.v…Thời Mạc còn được gọi là “Mạc Thị sùng Nho”, trọng Nho sĩ, nhiều kỳ thi đã được tổ chức dù chiến tranh xuất hiện liên miên. Dưới thời nhà Mạc nhiều hiền tài đã xuất hiện, tiêu biểu trong số những hiền tài của đất nước thời bấy giờ là Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vương triều nhà Mạc đã để lại những dấu ấn tốt đẹp cho lịch sử nước nhà giai đoạn nửa đầu thế kỷ XVI.
Theo dòng thời gian, từ đường và chùa, khu tưởng niệm liên quan đến nhà Mạc được xếp hạng “Di tích quốc gia”, như sau: Từ đường họ Mạc năm 2002; khu tưởng niệm các vua nhà Mạc năm 2016; chùa Trà Phương năm 2007; chùa Nhân Trai năm 2003; đền - chùa Hòa Liễu năm 1993. Các Di tích nói trên là tổng hòa của nhiều yếu tố về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Tại đây, đang lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia (Định Nam đao, tượng Mạc Thái Tổ, bức phù điêu Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cùng các văn bia) mang tính độc bản và những lễ hội văn hóa phi vật thể quốc gia đặc sắc.
Được công nhận “Di tích quốc gia đặc biệt”, là sự kiện quan trọng, ghi nhận những giá trị to lớn, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của quần thể di tích này. Đây cũng là cơ hội để huyện Kiến Thụy cùng với thành phố Hải Phòng quảng bá về văn hóa, du lịch, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập.
Tại huyện Kiến Thụy, quần thể di tích Khu tưởng niệm vương triều nhà Mạc được xây dựng trên diện tích 10,5 ha, bao gồm các hạng mục nghi môn ngoại, cầu đá, hồ cá, nghi môn nội, nhà văn bia, nhà giải vũ và nhà chính điện. Nghi môn ngoại có kết cấu kiểu tứ trụ, hai trụ chính cao 5.27m hai trụ bên cao 4.88m. Trên các đầu trụ trang trí đèn lồng giống búp sen, trên đỉnh trụ hai bên có đắp Lân và hai đỉnh trụ giữa có đắp Phượng. Thân bốn mặt có chạm khắc tứ quý. Cây cầu đá được làm bằng đá khối, liên kết mộng truyền thống, tường lan can đục rỗng trang trí hoa văn họa tiết tinh xảo…
Trọng tâm của Khu tưởng niệm là nhà chính điện có diện tích 586.19 m2, được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của công trình lịch sử văn hóa thời Mạc với bố cục mặt bằng hình chữ công, bao gồm 7 gian tiền đường, 5 gian hậu cung và nối giữa tiền đường và hậu cung là ống muống hay còn gọi là nơi thiêu hương. Toàn bộ nhà chính điện được nâng đỡ bởi 100 cây cột gỗ lim. Trong nhà chính điện, còn có chuông Đại Hồng chung do các nghệ nhân Huế đúc vào ngày 15/8/2010 trước sự chứng kiến của con cháu họ Mạc cùng đông đảo bà con địa phương và du khách thập phương.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.