Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc
Thay mặt Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc, trong đó nêu ra 5 vấn đề để Đại hội xem xét, thảo luận, quyết định.
1. Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò nòng cốt. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Mặt trận Tổ quốc là tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ rõ: "Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo."
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chào mừng và chỉ đạo tại Đại hội. |
Chính vì lẽ đó, bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể, với nhiều hình thức vận động phong phú, đa dạng thông qua các tổ chức thành viên, Mặt trận phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng tới mục tiêu chung là giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Mặt trận cần động viên các tầng lớp nhân dân củng cố, tăng cường khối liên minh giữa công nhân-nông dân-trí thức, làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân. Phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận cần phát huy dân chủ, thân ái trao đổi, bàn bạc, bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng, thông cảm lẫn nhau; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia-dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Trong những năm tới, đất nước ta tiếp tục thực hiện mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong việc chủ trì hiệp thương, phối hợp với các cấp chính quyền và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhằm phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tự tôn dân tộc, đổi mới sáng tạo của các tầng lớp nhân dân thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Mặt trận cần tiếp tục tổ chức tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh," "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế," bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, lan tỏa, sát hợp với thực tế.
3. Mặt trận Tổ quốc phải làm tốt hơn vai trò tập hợp, lắng nghe ý kiến nhân dân để phản ánh với các cơ quan đảng và nhà nước ở Trung ương cũng như các địa phương. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ kháng chiến cũ, các vùng chiến lược, vùng có đông đồng bào tôn giáo.
Các cấp ủy đảng và chính quyền phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của nhân dân; tin dân và tôn trọng dân; đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm nhân dân thực sự làm chủ, được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
4. Mặt trận cần tiếp tục vận động, phát huy vai trò của nhân dân tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội, tin tưởng vững chắc vào đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo. Cần làm tốt vai trò chủ trì hiệp thương, phân công, phối hợp các tổ chức thành viên trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, bao gồm cả việc giám sát các cán bộ, đảng viên, các đại biểu dân cử, các công chức, viên chức, cơ quan nhà nước các cấp, góp phần làm cho tổ chức đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Mặt trận cần Chủ động góp ý kiến với Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách, làm người phản biện sắc sảo, chân tình giúp Đảng và chính quyền tự điều chỉnh, tự hoàn thiện để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn. Cần lựa chọn các nội dung, vấn đề liên quan tới quyền, lợi ích chính đáng của người dân, những vấn đề bất cập mà nhân dân quan tâm; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp, mỗi địa phương.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục chủ động tham gia sâu hơn, toàn diện, hiệu quả hơn và động viên nhân dân tích cực tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch; phát huy vai trò giám sát của mình, của nhân dân, báo chí và công luận. Mặt trận phải là nơi tin cậy để người dân phản ảnh, tố giác tội phạm, tham nhũng, "lợi ích nhóm," tố giác những người có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân.
5. Mặt trận cần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn bó thường xuyên, mật thiết với nhân dân, vì quyền lợi chính đáng của nhân dân, tập trung hướng mạnh về cơ sở. Tăng cường vai trò chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên. Chú trọng việc phối hợp với chính quyền bằng các quy chế, chương trình, kế hoạch cụ thể để thực sự tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị thực hiện nhiệm vụ chung.
Cần nghiên cứu đổi mới mô hình và tổ chức hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 khóa XII. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận có tâm huyết, trách nhiệm với công việc; đặc biệt là đội ngũ cán bộ hoạt động chuyên trách ở các cấp. Phát huy tối đa vai trò các nhà khoa học, các chuyên gia, các cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.
Sau lễ khai mạc, buổi chiều ngày 19/9, đại hội đã tiến hành tổ chức các phòng thảo luận theo đúng chủ đề mà thủ tướng đã đưa ra.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.