Đắk Lắk phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ có khát vọng cống hiến

2022-10-05 17:23:00 0 Bình luận
Trong xu thế phát triển triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, kinh tế số, sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề cấp thiết hiện nay. Xác định tầm quan trọng đó, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung trọng tâm về công tác cán bộ, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đạt được những kết quả tích cực.

Công tác cán bộ chuyển biến toàn diện, tích cực, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) và Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, công tác cán bộ của tỉnh Đắk Lắk được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo được sự chuyển biến tích cực, hiệu quả. Hệ thống văn bản lãnh đạo về công tác cán bộ được ban hành, sửa đổi, bổ sung ngày càng đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với thực tế. Công tác quy hoạch cán bộ được triển khai thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, chủ động tạo nguồn, bố trí cán bộ.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, từng bước gắn với vị trí việc làm, chức danh cán bộ đang đảm nhiệm và quy hoạch, sử dụng cán bộ. Công tác bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện công khai, dân chủ, minh bạch, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Việc thẩm định, thẩm tra, xác minh, kết luận tiêu chuẩn chính trị được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Chính sách cán bộ được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025).

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh của khu vực Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có 7.474 cán bộ, công chức; trong đó, cấp tỉnh có 1.614 đồng chí, chiếm 21,5%; cấp huyện có 2.262 đồng chí, chiếm trên 30%; cấp xã có 3.598 đồng chí, chiếm 48%; cán bộ nữ có 2.556 đồng chí, chiếm 34%; cán bộ là người dân tộc thiểu số (DTTS) có 1.166 đồng chí, chiếm 15,6%. Về chuyên môn, nghiệp vụ: Cán bộ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có 710 đồng chí, chiếm 9,4%; đại học, cao đẳng có 5.812 đồng chí, chiếm 77,7%. Về lý luận chính trị: Cán bộ trình độ cao cấp, cử nhân có 1.466 đồng chí, chiếm 19,6%;  trung cấp có 3.420 đồng chí, chiếm 45,7%.

Thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, nhằm lựa chọn, sử dụng cán bộ có năng lực và đổi mới quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý, tỉnh Đắk Lắk đã thí điểm tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm chức danh Giám đốc Sở Công thương, Phó Giám đốc Sở Y tế, 2 Trưởng phòng của Sở Nội vụ; tổ chức thí điểm tuyển chọn bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện; giới thiệu và lựa chọn 9 đồng chí đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia dự tuyển, qua đó đã tuyển chọn được 2 vị trí chức danh Bí thư Huyện ủy Lắk và Bí thư Huyện ủy Buôn Đôn. Với cách làm mới trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã góp phần chống chạy chức, chạy quyền, được dư luận quan tâm, đánh giá cao.

 Đến nay, 15/15 bí thư huyện ủy, thị ủy, thành ủy đã được bố trí không phải người địa phương. Cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, giới thiệu ứng cử cơ bản bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao; khắc phục tình trạng điều động cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị này sang giữ chức vụ cao hơn ở đơn vị khác. Đặc biệt, công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp; quy trình đánh giá được thực hiện chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy trình, thực chất, giúp cán bộ nhìn nhận được ưu điểm, khuyết điểm của bản thân, từ đó, xây dựng kế hoạch, biện pháp khắc phục, sửa chữa. Thông qua kiểm điểm, nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý thể hiện được tính dân chủ, khách quan, toàn diện và phù hợp với điều kiện công tác cụ thể của từng cán bộ, kết luận theo đa số; công khai đối với cán bộ được nhận xét, đánh giá. Đây là cơ sở quan trọng để lựa chọn cán bộ có phẩm chất chính trị, có năng lực trong thực thi nhiệm vụ để làm căn cứ xem xét quy hoạch cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, khen thưởng cán bộ…

Công tác tổ chức xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. Đến nay, 100% thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều có chi bộ; đã xóa tình trạng “trắng” tổ chức đảng như trước đây. Cùng với đó, các tổ chức cơ sở đảng được sắp xếp lại theo từng loại hình, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và hoạt động thực chất, hiệu quả hơn; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; số tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh bình quân hằng năm đạt từ 50% trở lên; tỉ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm; chất lượng sinh hoạt chi bộ từng bước được nâng lên; vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở ngày càng được phát huy.

Công tác phát triển đảng viên mới hằng năm liên tục tăng cao. Từ năm 2016 đến nay, toàn đảng bộ tỉnh đã kết nạp được trên 18.000 đảng viên, nâng tổng số đảng viên của đảng bộ tỉnh lên gần 90.000 đồng chí; bình quân mỗi năm kết nạp trên 3.500 đảng viên. Cơ cấu đội ngũ đảng viên có nhiều chuyển biến; tỷ lệ đảng viên là đoàn viên thanh niên, đảng viên là nữ, người DTTS, trí thức, đảng viên ở nông thôn chất lượng ngày càng cao.

Với đặc thù là tỉnh có 35,7% số dân là đồng bào DTTS, từ đó, xác định việc xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 19-5-2022 về “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Nghị quyết xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đạt 15% trở lên; đến năm 2030 đạt 30% và đến năm 2045, cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỉ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.

Có thể khẳng định, Đắk Lắk thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp phù hợp với tiêu chuẩn, chức danh, vị trí việc làm; bước đầu phát huy được năng lực, trình độ, sở trường công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Công tác cán bộ được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ ở tất cả các khâu, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện trong bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, phân công, bố trí sắp xếp cán bộ. Việc điều động, luân chuyển cán bộ tiếp tục được đổi mới; chú ý toàn diện sắp xếp, bố trí cán bộ từ dưới lên, từ trên xuống, từ cơ quan Đảng, đoàn thể sang chính quyền và ngược lại.

Những đổi mới, đột phá, chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ đã giúp tỉnh Đắk Lắk từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ có khát vọng cống hiến, nhằm cụ thể hóa một cách sinh động nhất, hiệu quả nhất những chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Từ đó, huy động tối đa nguồn lực, khơi thông những “điểm nghẽn”, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, truyền lửa niềm tin, hành động quyết liệt, hiệu quả,  hợp lý các nguồn lực để tận dụng thời cơ, bứt phá đi lên.

Tập trung nâng cao chất lượng cán bộ - khâu đột phá trong thời gian tới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) xác định: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, cán bộ chủ chốt của tỉnh đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi trội, luôn đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, có tâm, có tài, có uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, thực hiện hoàn thiện đồng bộ các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Tiếp tục thực hiện chủ trương bố trí chức danh không phải là người địa phương như: Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, trưởng các ngành: tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, công an, tài chính, thuế ở những nơi có điều kiện; xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

Phấn đấu đến năm 2025, thực hiện đạt 8 nhóm chỉ tiêu: 1- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh: Từ 15-20% dưới 40 tuổi, từ 25-35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 2- Đối với cán bộ quản lý cấp phòng, chi cục, trung tâm và tương đương của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh: Từ 20-25% dưới 40 tuổi. 3- Đối với lãnh đạo, quản lý cấp huyện: Từ 20-25% dưới 40 tuổi. 4- Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, đoàn thể và tương đương cấp huyện: Từ 20-25% dưới 40 tuổi. 5- Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã: Có trình độ đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng công tác. 6- Đối với đội ngũ cán bộ khoa học, chuyên gia: Đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. 7- Đối với cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước: Nâng cao tính đảng và ý thức tuân thủ pháp luật; sản xuất kinh doanh hiệu quả; phấn đấu từ 40-50% có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. 8- Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp; tỉ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỉ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. Ở những địa bàn có đồng bào DTTS, phải có cán bộ lãnh đạo là người DTTS phù hợp với cơ cấu dân cư.

Trao Quyết định bổ nhiệm cán bộ tại Huyện ủy Krông Búk (ảnh Báo Đắk Lắk).

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chỉ tiêu trên, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về vai trò, vị trí quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ; xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị và là một trong các tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm và cả nhiệm kỳ. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhận thức đúng đắn về quyền lợi và trách nhiệm, tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, tự phấn đấu học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo trong công việc, cống hiến lâu dài cho sự phát triển của tỉnh.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ.

Thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác cán bộ, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả trong hệ thống chính trị. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu, tư duy đổi mới, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Tiếp tục rà soát cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Thứ ba, đổi mới tư duy, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các khâu công tác cán bộ.

Tiếp tục hoàn thiện đề án vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; công khai, minh bạch nhu cầu, vị trí và thông tin trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức thông qua hình thức thi (xét) tuyển gắn với vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng quy định. Nâng chất lượng công tác quy hoạch cán bộ; phải tiến hành công khai, thực hiện theo đúng phương châm “động” và “mở”, bảo đảm số lượng, chất lượng nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch, quan tâm cán bộ có phẩm chất, năng lực, làm việc năng động, sáng tạo, có hiệu quả, có nhiều triển vọng phát triển; chú trọng quy hoạch ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm như: khoa học kỹ thuật, kinh tế, nông lâm nghiệp, văn hóa, y tế, giáo dục, dân tộc.

Ưu tiên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn; đào tạo theo yêu cầu vị trí việc làm, chức danh đảm nhiệm; chú trọng đào tạo phương pháp tư duy, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và đào tạo chuyên sâu để có đội ngũ cán bộ trong các ngành, lĩnh vực trụ cột, trọng điểm, mang tính đột phá phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh. Xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ; kịp thời thay thế cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước, không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực hạn chế, uy tín thấp, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Thực hiện việc bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc, phù hợp với vị trí việc làm, trình độ, năng lực, sở trường của cán bộ và tình hình thực tiễn; quan tâm phát hiện, tuyển chọn, bố trí và sử dụng cán bộ, nhất là cán bộ người DTTS tại chỗ.

Tổng kết, nhân rộng mô hình thi tuyển các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua trình bày đề án công việc trước tập thể ban thường vụ cấp ủy, để đánh giá, sử dụng cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức danh. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm và kết quả thực hiện đề án công việc đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý được bổ nhiệm thông qua hình thức thi tuyển; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất về công tác cán bộ; kịp thời phát hiện, uốn nắn, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ, tránh tình trạng cục bộ, thiếu khách quan, công tâm, dân chủ trong thực hiện công tác cán bộ. Mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân; giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong việc tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan công tác cán bộ.

Thứ năm, nâng cao chất lượng tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, có quan điểm, chính kiến, có trình độ, kiến thức về khoa học tổ chức, nắm vững nguyên tắc, đồng thời có kinh nghiệm, kỹ năng, thực hiện các quy trình công tác cán bộ để làm tốt công tác tham mưu về tổ chức, cán bộ. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với các cơ quan trong hệ thống chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk quyết tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng cán bộ; đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

CSGT Lào Cai dùng 'mắt thần' đặc biệt đối phó xe phóng ẩu

Quá trình làm nhiệm vụ, Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai đã dùng "mắt thần" phát hiện, ghi hình hàng loạt tài xế ô tô lái xe chạy quá tốc độ.
2024-11-25 11:03:24

VPBankS khẳng định vị thế số 1 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam

Hai giải thưởng Top 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam ngành Dịch vụ tài chính khối Doanh nghiệp vừa và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam khối Doanh nghiệp là kết quả của sự nỗ lực chung của cả tập thể hơn 500 nhân sự của VPBankS.
2024-11-25 10:21:02

Từ chiến trường đến thương trường

Trong số những doanh nghiệp làm ăn giỏi trên địa bàn Hà Nội, có một doanh nghiệp khá đặc biệt. Ðó là Công ty Bao bì 27-7 Hà Nội, đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, doanh nghiệp của những người thương binh và các đối tượng chính sách, do Tổng giám đốc là một thương binh năng động "chèo lái".
2024-11-25 09:47:14

Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh

Tối 23/11, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh), tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
2024-11-24 07:35:00

Phát hiện, xử lý nhiều thanh niên tụ tập gây rối trật tự công cộng

Công an thị xã Sa Pa đã kịp thời phát hiện, xử lý nhóm thanh thiếu niên có hành vi tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự.
2024-11-23 13:52:22

Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VII: Lan tỏa giá trị văn hóa và tri thức

Giải thưởng Sách Quốc gia – sự kiện văn hóa thường niên, đã trở thành biểu tượng của nền xuất bản Việt Nam, không ngừng lan tỏa giá trị tri thức, văn hóa và góp phần xây dựng xã hội học tập.
2024-11-22 22:15:00
Đang tải...