Đằng sau vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông
Nhà máy Rạng Đông sau đám cháy. |
Sức khỏe, đời sống con người khu vực quanh Nhà máy có bị ảnh hưởng?
Đây là vấn đề khiến dư luận hết sức quan tâm và nó còn là tâm điểm chú ý khi có sự bất đồng trong đánh giá của chính quyền. Cụ thể, ngay sau vụ cháy, UBND phường Hạ Đình đã phát thông báo về những biện pháp đề phòng và bảo vệ sức khỏe do tác động từ hậu quả của vụ cháy.
Nhưng chưa đầy 24 giờ sau đó, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với UBND phường Hạ Đình. Phường phải ra quyết định thu hồi thông báo vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở, khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Ở khía cạnh khác, Nhà máy Rạng Đông cũng có văn bản số 3282/QLHT-RĐ gửi UBND quận Thanh Xuân thống kê về thiệt hại của nhà máy và khẳng định các vật liệu được sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn đều đạt mức an toàn, không gây hại dù bị cháy.
Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, sáng 31/8, Bộ Tài nguyên Môi trường đã chứng minh hóa chất độc hại đối với sức khỏe người dân xung quanh hiện trường đám cháy nhà kho, xưởng sản xuất của nhà máy Rạng Đông đã bị phát tán. Vì thế môi trường không trong lành, an toàn như thông tin quận Thanh Xuân công bố trước đó. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
Nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng “bất thành”
Khi sự cố ô nhiễm môi trường cháy nhà máy Rạng Đông đang gây bất an cho người dân khu vực quanh nhà máy thì một thông tin bất ngờ khác lộ ra: 2 năm trước, Công ty Rạng Đông đã xin di dời nhà máy để xây dựng chung cư.
Theo tìm hiểu được biết, ngày 19/5/2017, nhà máy Rạng Đông có Văn bản số 2028/TTr-BĐPNRĐ đề nghị UBND thành phố cho phép lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu đất số 15 Hạ Đình (nay là số 87 - 89 Hạ Đình). UBND TP Hà Nội sau đó giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Hà Nội hướng dẫn triển khai các thủ tục.
Ngày 21/11/2017, trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành, Sở QHKT đã có Văn bản số 8058/QHKT-P1 trả lời phía nhà máy Rạng Đông. Nội dung chính văn bản nêu rõ: “Việc Công ty Cổ Phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy Rạng Đông và lập quy hoạch chi tiết theo Quy hoạch phân khu đô thị H2-3, tỷ lệ 1/2000 được duyệt là chưa có cơ sở để xem xét và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền về các nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ đối với việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa”.
Ngày 6/3/2018, nhà máy Rạng Đông lại tiếp tục có Văn bản số 1001/CV-BĐPNRĐ đề nghị tiếp tục thẩm định, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, câu trả lời nhận lại cũng tương tự Văn bản số 8058/QHKT-P1 ngày 21/11/2017 của Sở QHKT như đã nêu.
Theo đó, việc nhà máy Rạng Đông di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tổ chức lập quy hoạch chi tiết tại khu đất 87 – 89 Hạ Đình là không có cơ sở và cần chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền…
Nhà máy Rạng Đông không nằm trong danh sách di dời?
Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong các quận nội thành Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan đơn vị ra ngoài khu vực nội thành.
Thực hiện lộ trình trên, UBND TP Hà Nội cũng định hướng, quỹ đất của các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm sau khi di dời đều được UBND thành phố xem xét chỉ đạo ưu tiên phục vụ đầu tư xây dựng bổ sung các công trình trường học, cây xanh, công trình công cộng đơn vị ở... phần diện tích còn lại được xem xét, đầu tư xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở, trên cơ sở tính toán các chỉ tiêu, xem xét sự phù hợp với quy hoạch đảm bảo theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên, đến thời điểm xảy ra sự cố cháy nhà máy Rạng Đông thì việc điều chỉnh quy hoạch khu đất 87 -89 phố Hạ Đình chưa được thực hiện và sự cố cháy nhà máy Rạng Đông đã gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu vực xung quanh.
Đáng lưu ý, theo báo cáo của Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội thì khu nhà xưởng của nhà máy Rạng Đông không nằm trong danh mục, lộ trình các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm phải di dời ra khỏi khu vực nội đô của TP Hà Nội trước năm 2020.
Cụ thể, tại Văn bản số 5920/STNMT-CCQLĐĐ về tham gia ý kiến tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại khu đất số 87 - 89 Hạ Đình của nhà máy Rạng Đông. Mục 4 của văn bản này nêu rõ: “Ngày 20/6/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường có báo cáo UBND thành phố số 4817/BC-STNMT-CCQLĐĐ thực hiện lập danh mục, xác định tiêu chí lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành, trong đó không tổng hợp khu đất tại 87 - 89 Hạ Đình do nhà máy Rạng Đông quản lý sử dụng và không nằm trong danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực quận nội thành (theo Báo cáo số 22-BC/BCS ngày 16/1/2018 của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội).
Tiếp đó, ngày 24/8/2018, Văn bản số 5133/KH&ĐT –NNS của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng một lần nữa khẳng định: “Ban cán sự Đảng UBND thành phố đã có Báo cáo số 22-BC/BCS ngày 16/1/2018 trình Thành ủy về việc thực hiện lập danh mục, xác định tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp quy hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành, trong đó tổng hợp khu đất 87 - 89 Hạ Đình không nằm trong danh mục đã báo cáo”. Như vậy rõ ràng, nhà máy Rạng Đông không nằm trong danh mục di dời.
Hơn 5,7ha đất nhà máy Rạng Đông ẩn chứa tiềm năng "vàng"?
Nhà máy Rạng Đông trước đây là doanh nghiệp Nhà nước, sau này được cổ phần hoá theo Quyết định số 21/2004/QĐ-BCN ngày 30/3/2004 của Bộ Công nghiệp (sau khi cổ phần hoá Nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ) và trở thành doanh nghiệp 100% vốn tư nhân theo Quyết định số 513/QĐ/ĐTKDV ngày 31/8/2015 của Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) về việc cổ phần hóa của Tổng Cty tại Cty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Lô đất Công ty Rạng Đông đang sở hữu rộng 57.416m2 (khoảng 5,7ha) là đất vàng trong nội đô Hà Nội, trong đó 56.896m2 đất thuê 30 năm, 520m2 đất thuê hàng năm.
Khu đất nhà xưởng 5,7ha của Công ty Rạng Đông nằm trong quần thể nhiều nhà máy gây ô nhiễm như nhà máy Thuốc lá Thăng Long, Công ty cao su Sao Vàng thuộc phân khu đô thị H2-3, quy hoạch 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2005 xác định là đất công cộng, đất hỗn hợp xây nhà ở.
Phân khu đô thị này có diện tích rộng 89,5ha, mật độ xây dựng 20-53%, tầng cao các tòa nhà từ 1-50 tầng, dân số đến 2025 khoảng 33.950 người.
Rõ ràng khu đất 5,7ha nhà xưởng của Công ty Rạng Đông từ năm 2005 đã được thành phố Hà Nội phê duyệt là đất công cộng và đất hỗn hợp xây nhà ở. Vậy vì sao các sở, ngành của thành phố không đưa nhà máy Rạng Đông vào danh mục cơ sở ô nhiễm phải di dời trước năm 2020 và không cho doanh nghiệp này được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trước thực tế nêu trên, dư luận cũng đặt nhiều dấu hỏi hoài nghi. Vì sao Thủ tướng đã yêu cầu các nhà máy di dời khỏi nội đô mà nhà máy Rạng Đông lại không nằm trong danh mục di dời; vì sao phía Công ty đã nhiều lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng nhà máy Rạng Đông lại không được đồng ý dẫn đến tình trạng “tự cháy”. Liệu có vụ việc nhà máy Rạng Đông bị cháy có phải là "cố tình" hay còn điều gì ẩn giấu phía sau?
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.