Dành 11.000 tỉ đồng để tăng lương
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội (QH) chiều 10-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết phương án tăng lương cơ sở đã có. Tuy nhiên, chiều 10-11, Bộ Tài Chính và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH phải thảo luận lại để hôm nay, 11-11, trình QH biểu quyết.
Triệt để tiết kiệm
Chiều 10-11, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách năm 2016 đã dành 11.000 tỉ đồng để tăng lương cơ sở, dù mức tăng chỉ 5%.
Theo ông Thụ, gần cuối giờ chiều 10-11, dự thảo đang được hoàn thiện lần cuối sau khi đạt được thống nhất với các bộ liên quan về việc dành nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức. Theo đó, nếu được QH thông qua, từ ngày 1-5-2016, lương cơ sở sẽ tăng thêm 5%, từ 1.150.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.210.000 đồng/tháng. Đây là mức lương điều chỉnh đối với người lao động có hệ số từ 2,34 trở lên.
Trong khi đó, nhóm đối tượng hưởng lương hưu và người có lương thấp dưới hệ số 2,34 sẽ được giữ nguyên mức tăng 8% như đã điều chỉnh trong năm 2015 và thực hiện ngay từ ngày 1-1-2016.
Để có nguồn tăng lương, ông Bùi Đức Thụ cho biết phải cơ cấu lại phần chi theo tinh thần triệt để tiết kiệm, cắt giảm 30% tiền chi hội nghị, công tác, dự án chưa thật cấp bách.
Ông Thụ phân tích: “Lộ trình cải cách tiền lương đã chậm nên đời sống của người làm công ăn lương khá khó khăn. Vì thế, dù lần này không đạt được kỳ vọng là tăng lương 8% nhưng việc điều chỉnh lên mức 5% vẫn có ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người lao động”.
Sai phạm tràn lan tại các nông, lâm trường quốc doanh
Cùng ngày, QH thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014.
Hơn 30 đại biểu (ĐB) đã phát biểu, trong đó nhiều người cho rằng sau 10 năm đổi mới, sắp xếp, bản chất hoạt động các nông, lâm trường quốc doanh không thay đổi, vẫn “bình mới rượu cũ”, hoạt động kém hiệu quả; nhiều sai phạm trong quản lý đất đai do buông lỏng quản lý, nông dân nhiều nơi thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, các nông, lâm trường để hoang hóa hàng trăm ngàn hecta đất và quản lý, sử dụng không hiệu quả. Các ĐB thống nhất đề xuất QH ban hành nghị quyết về tăng cường quản lý đất đai tại nông trường, lâm trường quốc doanh.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết hiệu quả sử dụng đất thấp, thất thu tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất. Hiện có hơn 428.000 ha đất chưa sử dụng, sử dụng vào mục đích khác, để hoang hóa. “Các nông, lâm trường quản lý đất đai khá lớn, khoảng gần 8 triệu ha nhưng nộp ngân sách nhà nước 10 năm qua chỉ được 1.722 tỉ đồng là quá thấp” - bà Khá bức xúc.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả, chưa được như mong đợi dù đã cố gắng.
Về giải pháp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết sẽ đề xuất giải thể 28 nông, lâm trường trong số 255 đơn vị. Trong số hơn 1,8 triệu ha đất do các nông, lâm trường đang quản lý nhưng chưa sử dụng sẽ bàn giao cho địa phương 325.000 ha.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng nhận khuyết điểm trong quản lý nhà nước đối với những yếu kém kéo dài trong quản lý đất đai của các nông, lâm trường.
Đặt mục tiêu GDP 2016 tăng 6,7%
Sáng cùng ngày, với tỉ lệ 100% ĐB tham gia biểu quyết (447/447) tán thành, QH đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Theo đó, QH đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 đạt 6,7%.
Mục tiêu tổng quát trong năm 2016 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm trước, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Một số chỉ tiêu chủ yếu: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỉ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3%-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 24,5 giường; tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 76%...
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.