Để doanh nghiệp xuất khẩu vươn xa qua thương mại điện tử
Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử còn một số hạn chế về văn hóa, ngoại ngữ cũng như hiểu biết về các quy tắc hoạt động của thương mại điện tử tạo nên thách thức lớn cho Việt Nam trong quá trình xuất khẩu xuyên biên giới.
Thương mại điện tử giúp kết nối doanh nghiệp và người bán rất nhanh chóng. Thay vì như trước đây, doanh nghiệp thường đi những cuộc hội trợ, những cuộc triển lãm ở nước ngoài, mất rất nhiều thời gian và tốn nhiều chi phí, giờ đây khi đến với thương mại điện tử, doanh nghiệp và sản phẩm được tiếp cận với khách hàng nhanh hơn. Khách hàng có thể mua sản phẩm của doanh nghiệp từ tất cả các quốc gia trên thế giới.
Đáng chú ý, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đứng Top 3 ở trong khu vực Đông Nam Á. Đó là một phương thức kinh doanh rất hiệu quả trong những năm gần đây.
Nhiều ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng nhờ thương mại điện tử. Ảnh Trọng Triết
Ở góc độ sàn thương mại điện tử, bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam cho rằng, sản phẩm của Việt Nam có những thuận lợi về giá cả cạnh tranh, mẫu mã, chất lượng. Các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu tiếp cận, học hỏi và ứng dụng những xu hướng mới vào trong thiết kế và tạo ra những sản phẩm đa dạng, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngày càng tập trung vào cải tiến chất lượng. Do đó chất lượng sản phẩm của Việt Nam không hề kém cạnh so với những nhà cung cấp khác đã tồn tại trên sàn thương mại điện tử 23 năm qua.
Bên cạnh đó, một lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin đẩy mạnh xuất khẩu, đó là những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà chúng ta ký với các quốc gia, như: Anh, châu Âu, Mỹ hay Đông Nam Á. Những lợi thế về thuế xuất, nhập khẩu thấp hoặc đạt đến mức bằng 0 với những quốc gia, như: Anh và EU giúp doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với nhà cung cấp, doanh nghiệp ở các quốc gia khác, như: Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.
Tuy vậy, khó khăn đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch thương mại xuyên biên giới là vấn đề về ngôn ngữ. Thực tế hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đã cải thiện về ngôn ngữ, tuy nhiên vẫn có hạn chế về giao tiếp bằng tiếng Anh. Trên nền tảng Alibaba.com đã hỗ trợ 18 ngôn ngữ, giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng giao tiếp với các khách hàng quốc tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, với những giao tiếp ngoài nền tảng thì doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong việc thương thuyết với khách hàng.
Việc thiếu những kĩ năng về marketing, sử dụng các công cụ tiếp thị trên sàn dẫn đến việc doanh nghiệp chưa phát huy, sử dụng những công cụ kĩ thuật số để tiếp cận khách hàng nhiều hơn. Ngoài ra, vẫn có những hạn chế về vấn đề logistics dẫn tới không đảm bảo về thời gian giao hàng, tiến độ giao hàng dẫn đến giao dịch bị ảnh hưởng.
Thực tế khó khăn chung của các doanh nghiệp hiện nay là vượt qua các rào cản, những quy định khắt khe của thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được những quy định về từng thị trường xuất khẩu, những thị trường mục tiêu mà họ mong muốn xuất khẩu. Chẳng hạn, thị trường Mỹ, Nhật, EU, Hàn Quốc và đặc biệt là Trung Quốc…, mỗi một thị trường đều có những quy định riêng, những tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm riêng, doanh nghiệp phải nắm được tất cả những quy định này.
Bên cạnh đó, vẫn còn những rào cản về năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ. Hiện nay, có một số doanh nghiệp không nắm được những thông tin về thị trường, không nắm được những yếu tố tâm lí của người tiêu dùng đối với những thị trường mục tiêu dẫn đến những khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường đó.
Đặc biệt, khó khăn chung đối với rất nhiều doanh nghiệp liên quan đến hoạt động logistics. Doanh nghiệp cần nắm rõ được những quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, những phương án bảo quản hàng hóa hiệu quả, tính toán được những phương án logistics để có được giá cả cạnh tranh so với những doanh nghiệp có cùng những sản phẩm đó.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian tới, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái xúc tiến thương mại số; đa dạng hoá việc phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước; tham mưu ký kết các thoả thuận hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt là xây dựng Gian hàng quốc gia Việt Nam trên các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới để quảng bá hình ảnh, sản phẩm Việt Nam tới khách hàng quốc tế./.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.