Đề xuất nợ thuế 10 triệu bị hoãn xuất cảnh: Giải pháp quản lý hay rào cản kinh doanh?
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1/1/2025, cá nhân/chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Doanh nghiệp/hợp tác xã/liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Lý giải về đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết biện pháp này mang lại hiệu quả tích cực đối với công tác thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt đối với người nộp thuế có nợ chây ỳ, người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Công tác thu thuế sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Theo Bộ Tài chính, tham khảo chính sách của một số nước trên thế giới cho thấy, Trung Quốc, Malaysia, Mỹ... cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại đối với các cá nhân có nợ thuế lớn và thời gian nợ thuế dài mà không có sự hợp tác từ phía người nộp thuế để bảo vệ quyền lợi quốc gia.
Bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này, ông Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Sơn cho biết: “Nợ thuế 10 triệu với cá nhân không phải là một mức nhỏ, khi ấy có thể tránh được việc tạm hoãn xuất cảnh cho những khoản nợ nhỏ hơn, tránh gây phiền hà không cần thiết. Còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đề xuất cấm xuất cảnh với mức nợ thuế 100 triệu sẽ xây dựng được trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ thuế”.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài Chính cũng cho rằng, đề xuất mới đã “gỡ khó” cho một số trường hợp nợ thuế chỉ vài triệu cũng bị hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn về cơ sở thực tế để đặt ra ngưỡng quy định này. Theo ông Thịnh, nếu không có căn cứ, cơ sở để xây dựng đề xuất, khi thực thi sẽ dễ vướng mắc, dẫn đến việc sửa đổi lại không giải quyết được vấn đề thực tại.
TS. Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng chia sẻ, việc đưa ra ngưỡng nợ thuế 10 triệu và 100 triệu đồng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là “khá lạ” vì chưa rõ căn cứ và như vậy số lượng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ rất nhiều.
Ông Tú cũng cho biết, vừa qua, khi cơ quan thuế áp dụng biện pháp này đã gây bức xúc trong dư luận. Bởi trong danh sách cố tình chây ỳ không chịu nộp thuế thì cũng có những trường hợp thật sự gặp khó khăn do không bán được hàng, thiên tai, hỏa hoạn… Những trường hợp này, họ cần sự hỗ trợ, như phân kỳ nộp thuế, khi có dòng tiền thì nộp dần.
Cùng góp ý về đề xuất của Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Mai Dung, Giảng viên khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho rằng, so với các quốc gia khác, ngưỡng nợ thuế theo đề xuất còn khá thấp. Tại Mỹ, nợ thuế 55.000 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng) bao gồm cả phần tiền lãi và phạt, người nợ thuế mới có thể bị xem xét tạm hoãn xuất cảnh. Còn tại Đài Loan, doanh nghiệp có nợ thuế quá 2 triệu Đài tệ (khoảng 1,57 tỷ đồng) sẽ khiến người đại diện pháp lý của doanh nghiệp bị hạn chế xuất cảnh.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết nhiều doanh nghiệp phản ánh ngưỡng quy định này là “quá thấp”. Họ đề nghị nâng ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh lên 200 triệu đồng với cá nhân và doanh nghiệp là 1 tỷ đồng.
Hiện cơ quan thuế có nhiều biện pháp cưỡng chế nợ thuế như trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, kê biên và bán đấu giá tài sản. VCCI cho rằng nhà điều hành cần ưu tiên áp dụng các biện pháp này, đặc biệt trích tiền từ tài khoản ngân hàng hoặc bên thứ ba, trước khi hạn chế quyền đi lại của người dân.
Theo VCCI, cấm xuất cảnh chỉ nên áp dụng cho những trường hợp rất hoặc đặc biệt nghiêm trọng với số tiền nợ thuế lớn. Bởi trong đa số trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ra nước ngoài không phải để trốn nghĩa vụ thuế mà vì công việc giao dịch làm ăn với đối tác. Các giao dịch như vậy sẽ giúp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu, từ đó họ có khả năng tiếp tục đóng thuế cho Nhà nước, theo VCCI. Tổ chức này cũng cho rằng nếu cấm xuất cảnh trên phạm vi rộng sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại về kinh tế, giảm thu ngân sách trong dài hạn.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn luật sư Hà Nội, đề xuất việc ngăn cản xuất cảnh trong các trường hợp đi hợp tác kinh doanh hoặc chữa bệnh hiểm nghèo cũng cần được cân nhắc, tránh gây khó khăn không cần thiết và thiếu nhân văn. Quyền tự do đi lại là quyền cơ bản, nên chỉ áp dụng biện pháp này khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng.
Đề xuất ngưỡng nợ thuế mới cho tạm hoãn xuất cảnh là một nỗ lực tích cực của Bộ Tài chính trong việc siết chặt quản lý và bảo vệ nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, ngưỡng đề xuất được đặt ra khá thấp đã dấy lên không ít lo ngại về hiệu quả thực tiễn, đặc biệt khi chính sách có thể gây ảnh hưởng đến những cá nhân hoặc doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự.
Chính sách chỉ thực sự hiệu quả khi đặt con người làm trung tâm, đảm bảo sự minh bạch và linh hoạt trong áp dụng. Khi đó, việc quản lý thuế không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn thể hiện sự công bằng và nhân văn, giúp tạo niềm tin bền vững từ người dân và doanh nghiệp.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.