Dịch COVID-19: Tỷ lệ bệnh nhân trầm cảm tại Anh tăng gần gấp đôi
Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), 19% số người trưởng thành cho biết trong tháng 6, họ đã gặp phải một số dạng trầm cảm, tăng đáng kể so với tỷ lệ 10% trong 9 tháng (tính đến tháng 3/2020).
Đường phố London, Anh (Ảnh TTXVN)
Căng thẳng và lo âu là những biểu hiện thường gặp nhất của chứng trầm cảm ở những người trưởng thành. Theo ONS, cứ 8 người thì lại có 1 người gặp bệnh lý này ở mức độ từ vừa đến nặng trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi tỷ lệ bình phục chỉ là 1/25.
Số liệu thống kê cũng cho thấy những nhóm người dễ bị trầm cảm nhất trong số những người trưởng thành là thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người không có khả năng chi trả những khoản chi phí phát sinh.
Những người khẳng định không thể chi trả khoản phí phát sinh lên tới 850 bảng Anh (1.119 USD) cũng là những người có nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm.
Báo cáo phân tích của ONS nhận định số liệu trên làm dấy lên nghi ngờ về tác động lớn hơn của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực y tế công cùng với việc Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong số các nước lớn tại châu Âu.
Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố năm 2018 cho thấy mỗi năm, Anh mất 4% Tổng sản phẩm quốc nội để giải quyết những vấn đề sức khỏe tâm thần tại nước này.
Theo bà Elaine Fox - Giáo sư tâm lý thuộc Đại học Oxford, báo cáo của ONS cho thấy một vài số liệu đáng lo ngại khi các triệu chứng trầm cảm gia tăng trong thời đại dịch. Chuyên gia này nhấn mạnh những yếu tố kinh tế có thể đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của người Anh trong thời gian dài tới đây.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành và biện pháp phong tỏa trên phạm vi toàn quốc để phòng dịch được triển khai từ tháng 3 đã tác động mạnh chưa từng thấy đối với nền kinh tế Anh.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.