Diện mạo mới của xã Kiến Minh sau sáp nhập
Xã Đông Phương nằm về phía Bắc huyện Kiến Thụy. Từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đường 401 dài 3,5 km. Trước năm 1945, vùng đất này thuộc tổng Đại Trà. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Đông Phương được thành lập trên cơ sở Tổng Đại Trà cũ (gồm các thôn Đại Trà, Lạng Côn, Đức Phong và Phong Cầu). Vào thời kỳ cải cách ruộng đất năm 1956 xã Đông Phương tách ra thành 2 xã (Đông Phương và Đại Đồng). Đông Phương ổn định từ đó đến nay (gồm các thôn Đại Trà Đức, Đại Trà Hồng, Đại Trà Sơn, Đại Trà Hải, Lạng Côn Hải , Lạng Côn Hà).
Xã Minh Tân nằm về phía đông huyện Kiến Thụy, từ trung tâm xã đến trung tâm huyện lỵ theo đường 362 dài 2 km. Tổng diện tích tự nhiên của xã 606 ha. Minh Tân xưa có tên là Minh Liễn, được bao bọc bởi các sông Đa Độ, sông Tập, sông Sàng. Đời vua Thành Thái (1890) đổi tên xã Minh Liễn thành Cốc Liễn và đặt Phủ lỵ Kiến Thuỵ tại đây. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, vùng đất này là tổng Sâm Linh. Tổng Sâm Linh có 4 xã (Cốc Liễn, Sâm Linh, Thấp Linh, Thù Du). Trước kia, Thù Du bao gồm cả một phần đất thuộc xã Ngũ Đoan ngày nay, khi đào con sông Đa Độ, một nửa đất thuộc làng Thù cắt về Ngũ Đoan. Nguời dân trong các làng xã tổng Sâm Linh còn mở mang điền trạch sang lập ấp ở Đồng Mộc (Hoà Nghĩa), Thái Lai (Tân Phong). Năm 1946, xã Minh Tân được thành lập trên cơ sở địa dư hành chính của tổng Sâm Linh (gồm 6 thôn Sâm Linh, Cốc Liễn, Vũ Vị, Thấp Linh, Thọ Linh, Thù Du) và ổn định từ đó.
Trong kháng chiến chống Pháp, xã Đại Đồng nằm trong vùng địch tạm chiếm, Đình làng Phong Cầu vẫn là nơi hội họp việc làng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đình làng là một biểu tượng không thể nào quên đối với lớp lớp thanh niên làng Phong Cầu. Và, từ ngàn đời nay, trong tâm thức người dân Việt nam nói chung, người dân làng Phong Cầu nói riêng, hình ảnh “cây đa - bến nước - sân đình” đã trở thành biểu tượng của làng quê, gắn bó với sự tồn vong bao đời. Ngôi đình làng là nơi linh thiêng, thờ các vị thần trấn giữ bình yên cho những người con dân trong làng. Đó là tín ngưỡng để dân làng tụ họp trong những ngày lễ hội, là nơi hương khói và hội bàn những chính sách quan trọng của làng xã thời phong kiến. Đình làng là chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại và trải qua sự biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đình làng vẫn luôn là ngôi nhà chung của cộng đồng, nơi gắn kết của cộng đồng làng xã.
Công dân đầu tiên tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Kiến Minh
Sau sáp nhập, xã Kiến Minh có tổng diện tích khoảng 16,32 km², dân số trên 26.000 người, thuận lợi kết nối giao thông, giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Trụ sở hành chính mới của xã đã được quy hoạch tại vị trí trung tâm, thuận tiện đi lại, bảo đảm điều kiện làm việc cho bộ máy chính quyền và phục vụ người dân.
Về kinh tế, xã Kiến Minh có thế mạnh phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, với các mô hình sản xuất sạch, hữu cơ đang được nhân rộng. Bên cạnh đó, xã còn lưu giữ và phát triển các nghề truyền thống như trồng hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, nghề mộc, nghề dệt… tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân. Đây được coi là nền tảng quan trọng để xã Kiến Minh hướng tới phát triển kinh tế đa ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Về văn hóa - xã hội, xã Kiến Minh thừa hưởng hệ thống di tích lịch sử - văn hóa phong phú từ ba xã cũ, tiêu biểu như đình Đại Trà, chùa Sùng Khánh (xã Đông Phương), đình Cốc Liễn (xã Minh Tân), di tích lịch sử xã Đại Đồng - Đại Hà. Những di tích này không chỉ là giá trị văn hóa tinh thần quý báu mà còn tạo tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Hải Phòng nói chung.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.