Điều kiện chuyển nhượng quyền SDĐ của hộ gia đình
Bố ông Tiến
cho rằng mình là chủ hộ nên có quyền bán đất. Ông Tiến hỏi, ý kiến của bố ông
có đúng không? Ông cần làm thế nào để bảo vệ quyền sử dụng đất của hộ gia đình?
Luật sư Lê
Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời vấn đề này
như sau:
Theo quy định
tại Điều 108; Khoản 2, Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2005, trường hợp Giấy chứng nhận quyền
sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình thì tất cả mọi thành viên trong hộ gia
đình có quyền sử dụng chung.
Việc xác định
những người có quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình được căn cứ vào sổ hộ khẩu.
Những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm thửa đất được cấp Giấy chứng
nhận đều có quyền sử dụng đối với thửa đất đó. Việc định đoạt tài sản chung của
hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.
Điểm a, Khoản
3, Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hợp đồng chuyển nhượng, tặng
cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải
được công chứng hoặc chứng thực.
Theo đó, khi
công chứng hoặc chứng thực đối với hợp đồng chuyển đổi, chuyển nhượng, thuê,
thuê lại quyền sử dụng đất; hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất; hợp
đồng thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng
chung của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi
dân sự trong hộ gia đình đó thống nhất và ký tên hoặc có văn bản uỷ quyền theo
quy định của pháp luật về dân sự.
Trường hợp
cha của ông Phùng Tiến là người đứng tên chủ hộ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất cấp cho hộ gia đình, khi muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia
đình phải được tất cả thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia
đình đó thống nhất và ký tên vào hợp đồng có sự chứng nhận của công chứng viên
hoặc chứng thực của người có thẩm quyền chứng thực.
Nếu có ít nhất
1 thành viên trong số các thành viên hộ gia đình không thống nhất, không ký tên
điểm chỉ; hoặc có người bị mắc bệnh tâm thần ký tên, điểm chỉ vào hợp đồng, thì
hợp đồng đó có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu về chủ thể.
Căn cứ Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2005, khi trong hộ gia đình có người do bị mắc bệnh tâm thần mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì theo yêu cầu của các thành viên trong hộ gia đình, Toà án sẽ ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.