Điều kiện giải quyết chế độ người có công nuôi dưỡng liệt sĩ
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ thì người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ dưới 18 tuổi, thời gian nuôi từa 10 năm trở lên.
Việc nuôi dưỡng liệt sĩ ở đây được hiểu là liệt sĩ khi còn nhỏ đã không còn (không có) người nuôi dưỡng theo quy định pháp lệnh (không còn cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng bản thân cha mẹ không có khả năng lao động và cũng không có khả năng về kinh tế để nuôi con hoặc vì lý do khác mà không thể sống cùng cha mẹ hoặc được cha mẹ cho đi làm con nuôi người khác…) và được người khác nuôi dưỡng, chăm sóc.
Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ phải là người có khả năng tự lập về kinh tế để bảo đảm cuộc sống của bản thân và gia đình (nếu có), bảo đảm nuôi dưỡng liệt sĩ trưởng thành bằng tài sản, sức lực và tình cảm, coi liệt sĩ như con đẻ của mình, được gia đình, họ tộc liệt sĩ và UBND cấp xã xác nhận.
Đối với các anh, chị, em trong cùng một gia đình thì đều phải có trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên cần lưu ý, chăm sóc khác với nuôi dưỡng. Anh chị cũng có trách nhiệm góp phần chăm sóc, đùm bọc em cùng khôn lớn trưởng thành nhưng không được coi là người nuôi dưỡng nếu bản thân anh (chị) khi đó vẫn là người sống phụ thuộc hoặc chưa độc lập được về kinh tế để tự nuôi sống bản thân và bảo đảm trách nhiệm nuôi dưỡng liệt sĩ trưởng thành.
Pháp luật về người có công với cách mạng không quy định độ tuổi của người nuôi dưỡng liệt sĩ, do đó cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần kiểm tra, xác minh, nếu Bà Nguyễn Thị An thực sự độc lập được về kinh tế để tự nuôi sống bản thân và bảo đảm trách nhiệm nuôi dưỡng liệt sĩ trưởng thành thì xem xét, giải quyết chế độ người nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.