Doanh nghiệp bán lẻ nhập cuộc hội nhập

2017-10-05 09:50:02 0 Bình luận
HOANHAP.VN - Trước sự tấn công của các nhà bán lẻ nước ngoài, các DN bán lẻ trong nước đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt là tập trung đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, thương mại điện tử. Qua đó, bước đầu Thế giới Di động, Saigon Co.op, Pico đã lên kế hoạch đưa thương hiệu ra nước ngoài. Tuy nhiên, không dễ để chinh phục những thị trường tiềm năng như Myanmar, Lào hay Campuchia.
Thu hút người tiêu dùng trong nước

Theo Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 đạt 326.600 tỉ đồng, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1,9 triệu tỉ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4% (cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2016).




Có thể thấy thị trường bán lẻ trong nước đang rất tiềm năng. Với quy mô đầu tư 110 tỉ USD năm 2016 và dự báo sẽ tăng lên 180 tỉ USD vào năm 2020, Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, thị phần bán lẻ hiện đại hiện mới chỉ chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.

Theo dự báo, thị trường bán lẻ hàng thực phẩm sẽ phát triển mạnh đến năm 2020 với sức tiêu thụ tăng bình quân 5%/năm. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỉ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại chiếm trên 45% so với mức 25% của năm 2016. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Chính sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ trong nước đã thu hút rất nhiều các tập đoàn, nhà bán lẻ lớn của nước ngoài đến đầu tư trong những năm gần đây. Đặc biệt, việc Việt Nam đã và đang chuẩn bị tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều chính sách ưu đãi như chính sách miễn thuế, nhiều mặt hàng giảm thuế về 0%... đã biến thị trường này trở thành “mảnh đất màu mỡ” của rất nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Đến nay đã có nhiều tập đoàn, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới đầu tư và mở rộng thị trường tại Việt Nam. Có thể kể đến như Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc)... Cùng với đó, việc các nhà bán lẻ nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam ngày càng nhiều đang tạo ra những cơ hội, thách thức lớn đối với DN trong nước. Để trụ vững và phát triển, các DN, nhà bán lẻ trong nước cũng đang nỗ lực để chiếm lĩnh và giữ vững thị trường. Trên thực tế, phần lớn những DN, nhà bán lẻ trong nước giữ vững được vị thế đều đã chủ động tìm ra hướng đi riêng bằng cách đẩy mạnh mở rộng và phát triển hệ thống, đổi mới công nghệ, thay đổi phương thức bán hàng, tập trung vào thương mại điện tử…

Có thể kể đến như: Saigon Co.op, Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Thế giới Di động, FPT… Theo đại diện Saigon Co.op, hiện nay hệ thống Co.opmart đang chạy thử một số hạng mục dựa trên nền tảng công nghệ như thanh toán tự động ở phân khúc cao, phát triển phục vụ đa kênh.

Ngoài bán lẻ theo phương thức truyền thống, Co.opmart đang trong giai đoạn hoàn chỉnh kênh bán hàng online. Đây sẽ là phương thức bán hàng trong tương lai bởi nhu cầu người tiêu dùng mua sắm thông qua thương mại điện tử đang phát triển mạnh.

Mới đây, trong danh sách Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2017 do Tạp chí bán lẻ châu Á (Retail Asia Publishing) và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor Intenational vừa công bố, có đến 10 nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam. Đây là tín hiệu vui khi mà các nhà bán lẻ Việt Nam đã có những bước tiến vươn lên mạnh mẽ cạnh tranh cùng các đồng nghiệp trên thế giới.

Theo bảng xếp hạng, Thế giới Di động (gồm cả Điện máy Xanh) là nhà bán lẻ có doanh thu cao nhất tại Việt Nam, đạt hơn 1,4 tỉ USD. Xếp ngay sau là Saigon Co.op với hơn 1,2 tỉ USD, hệ thống của Big C xếp kế tiếp với hơn 700 triệu USD.

Theo đại diện Thế giới Di động, đến nay công ty đã mở mới 272 siêu thị trên toàn quốc, nâng tổng doanh thu của siêu thị lên con số 1.527 tỉ đồng. Số lượng mở mới chủ yếu là Điện máy Xanh với 148 siêu thị, 2 chuỗi còn lại mỗi chuỗi mở mới 62 cửa hàng. Trong nửa đầu năm 2017, Thế giới Di động đạt doanh thu hợp nhất 31.243 tỉ đồng, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.070 tỉ đồng, tăng trưởng 28%.

Có thể thấy, trước sức ép cạnh tranh từ các nhà bán lẻ nước ngoài, các DN trong nước đã không ngừng nỗ lực đổi mới phương thức kinh doanh để bắt kịp xu thế. Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh mở rộng các cửa hàng, chuỗi siêu thị thì việc đầu tư công nghệ để hướng tới kinh doanh qua mạng đang được các DN quan tâm. Đặc biệt là chinh phục những thị trường tiềm năng như Myanmar, Lào và Campuchia.

Đưa thương hiệu vào các nước trong khu vực

Thực tế, cuối tháng 6, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Không dùng thương hiệu Thegioididong.com, cửa hàng tại Campuchia được đổi thành BigPhone nhưng có bộ nhận diện thương hiệu giống với các cửa hàng của Thế giới Di động tại Việt Nam. BigPhone tập trung vào điện thoại và tablet với 85% số lượng sản phẩm, 15% còn lại dành cho phụ kiện, sim số, thẻ cào. Cụ thể, điện thoại di động thương hiệu Samsung, Apple, Nokia. Huawei, OPPO, Camfone, LG là sản phẩm chính được bán tại BigPhone. Thế giới Di động đặt mục tiêu đạt doanh thu 100.000 USD/tháng cho cửa hàng đầu tiên này.

DN này đặt mục tiêu mở từ 10-15 cửa hàng tại Campuchia trong năm nay. Khi mô hình này thành công, Thế giới Di động sẽ tiếp tục mở rộng quy mô tại Phnom Penh, thị trường Lào và Myanmar. Bên cạnh, BigPhone sẽ triển khai các dịch vụ trả góp, thanh toán hộ khi cửa hàng được mở rộng và hoạt động ổn định. Cùng với bộ máy đang có, công ty này đang tìm kiếm nhân sự để vận hành và phát triển tại thị trường mới.

Chia sẻ với truyền thông, lãnh đạo Pico cho biết, đã thành lập tổ nghiên cứu thị trường, lên kế hoạch xâm nhập các thị trường tiềm năng như Myanmar, Lào, Campuchia. Trong các quốc gia lân cận, Myanmar là lựa chọn hàng đầu vì thị trường này khá thuận lợi, mặt bằng dễ tìm kiếm và chưa có cạnh tranh.

Trước đó, Satra và Saigon Co.op cũng đã lên kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài, ưu tiên các nước khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Campuchia. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP HCM khi còn đương chức Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op đã nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của thị trường các nước đối với Saigon Co.op, trong đó Lào và Campuchia là hai thị trường mà Saigon Co.op đã tính đến trong việc phát triển mạng lưới. “Điều quan trọng là Saigon Co.op phải tìm được các đối tác tin cậy trong việc kinh doanh ở nước ngoài” – ông Hòa chia sẻ.

Mặc dù, thị trường Campuchia, Lào hay Myanmar được đánh giá là rất tiềm năng nhưng việc thâm nhập không dễ dàng. Chia sẻ về những khó khăn khi khai phá thị trường  Campuchia, ông Hồ Viết Đông, Tổng giám đốc Thế giới Di động tại Campuchia cho biết: “Mặc dù được sự hợp tác của các hãng điện thoại nhưng chúng tôi phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc mở cửa hàng đầu tiên tại Campuchia. Thị trường điện thoại không chính hãng tại đây vẫn còn phức tạp. Việc nuôi dưỡng và đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu lâu dài cũng cần được xét đến”.


Thế giới di động thưởng nhân viên lượng cổ phiếu lớn. Ảnh: Internet


Thâm nhập thị trường nước ngoài đối với ngành bán lẻ điện máy đã khó, việc thâm nhập của ngành bán lẻ tổng hợp càng khó khăn hơn. Saigon Co.op đã có kế hoạch mở siêu thị tại Campuchia nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, lý do của sự chậm trễ này là do đối tác Campuchia thay đổi. Không chỉ đơn giản là hệ thống cửa hàng mà DN bán lẻ tổng hợp muốn thành công phải xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics mang tính toàn cầu hóa, mà điều này là không dễ. “Dù vậy, kế hoạch đưa thương hiệu ra các nước trong khu vực sẽ không dừng lại và hiện tại chúng tôi đang làm việc với một số đối tác. Chậm nhất là đến năm 2020, siêu thị Co.opmart sẽ có mặt tại Lào, Myanmar” – ông Nhân khẳng định.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sun Symphony Residence - mảnh ghép hoàn thiện “bản giao hưởng” bên Dòng sông Ánh sáng

Ngày 12/5, hơn 2000 nhà đầu tư đã thăng hoa cùng “nốt sol” Sun Symphony Residence của bản giao hưởng bên sông Hàn - Dòng sông Ánh sáng tại sự kiện do Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) tổ chức đồng thời ở Hà Nội và Đà Nẵng
2024-05-13 18:20:32

Quảng Ninh: Động thổ xây dựng lại ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi tại Thị xã quảng Yên

Vừa qua, tại xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng chùa Lái (hay còn gọi là Linh Ngai Tự).
2024-05-13 15:24:20

Bí quyết thành công của quán kem trái cây tươi “chốt đơn” hàng nghìn que mỗi ngày

Xưởng kem thủ công của anh Tô Tuấn Anh tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội sản xuất loại kem làm từ hoa quả tươi có xuất xứ từ Mexico. Thu hút thực khách nhờ hương vị trái cây “thật”, không sử dụng hương liệu, phẩm màu hay chất bảo quản, loại kem này nhanh chóng trở thành món ăn giải nhiệt được yêu thích vào mùa hè này.
2024-05-13 11:09:06

Hơn 12 năm hành trình ''Cơm 5.000 đồng Hà Nội''

Đều đặn mỗi sáng cuối tuần căn bếp ấm cúng tại căn nhà nhỏ trên phố Minh Khai lại lên lửa, hàng chục bạn trẻ nhóm Cơm 5000 Hà Nội cùng nhau xắn tay áo, chuẩn bị các xuất cơm đặc biệt lan tỏa đến các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện lớn.
2024-05-13 10:52:54

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
2024-05-13 10:36:53

Giá nhà chung cư Hà Nội quay về giá trị thực?

Sau một thời gian tăng giá chóng mặt với mức cao ngất thì đến thời điểm hiện tại, giá chung cư tại Hà Nội đã dần có sự điều chỉnh quay đầu, trở về với giá trị thực. Sự đảo chiều bất ngờ nhưng đúng quy luật này chính chỉ là chỉ dấu cho thấy cơn sốt giá chung cư ảo ở Hà Nội đã hạ nhiệt.
2024-05-13 09:26:56
Đang tải...