Đối tượng nào được hưởng chính sách cứu trợ xã hội?
Chị Ngọc Lan ở Hà Nam hỏi: Được biết nhà nước ta đã có chính sách cứu trợ xã hội để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Đề nghị luật gia tư vẫn cho tôi được biết theo quy định của pháp luật thì những trường hợp nào được hưởng chính sách xã hội và chế độ đối với từng trường hợp cụ thể?.
- Theo Điều 6 Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 9/3/2000 của Chính Phủ về chính sách cứu trợ xã hội thì những người sau đây thuộc diện được hưởng chính sách cứu trợ xã hội thường xuyên:
-Trẻ em mồ côi là trẻ em dưới 16 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị bỏ rơi, bị mất nguồn nuôi dưỡng và không còn người thân thích để nương tựa; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 88 của Bộ luật dân sự hoặc không có đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.
- Người già cô đơn không nơi nương tựa là người từ đủ 60 tuổi trở lên sống độc thân. Người già còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thíc để nương tựa, không có nguồn thu nhập. Trường hợp là phụ nữ cô đơn không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập, từ đủ 55 tuổi trở lên, hiện đang được hưởng trợ cấp cứu trợ xã hội vẫn tiếp tục được hưởng.
- Người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không có nơi nương tựa; người tàn tật nặng tuy có người thân thích nhưng họ già yếu hoặc gia đình nghèo không đủ khả năng kinh tế đê chăm sóc.
- Người tâm thần mãn tính là người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện đói nghèo.
Theo Điều 10 Nghị định số 168/2004/NĐ-CP ngày 20/9/2004 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2000/NĐ-CP ngày 09/3/2000 của Chính Phủ về chính sách cứu trợ xã hội thì kể từ ngày 1/1/2005 mức cứu trợ xã hội thường xuyên thấp nhất là 65.000đồng/người/tháng; mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước bằng 140.000 đồng/người/tháng; riêng đối với trẻ em dưới 18 tháng tuổi phải ăn thêm sữa và trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất bằng 210.000đồng/trẻ/tháng.
Mức trợ cấp sinh hoạt phí nuôi dưỡng thấp nhất đối với người tâm thần mãn tính tại các cơ sở bảo trợ xã hội của nhà nước bằng 160.000đồng/người/tháng.
Những người hoặc hộ gia đình khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra trong các trường hợp sau được hưởng trợ cấp xã hội đột xuất: Hộ gia đình có người bị chết, mất tích; hộ gia đình có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng; hộ gia đình mất phương tiện sản xuất, lâm vào cảnh bị thiếu đói; người bị thương nặng; người thiếu đói do giáp hạt; người gặp rủi ro ngoài vùng cư trú mà bị thương nặng hoặc chết, gia đình không biết để chăm sóc hoặc mai táng; người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú.
Mức trợ cấp cứu trợ xã hội đột xuất do Chủ tịch UBNDtỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định tùy mức độ thiệt hại và khả năng huy động nguồn lực. Riêng người lang thang xin ăn trong thời gian tập trung chờ đưa về nơi cư trú được trợ cấp 7000đồng/người/ngày nhưng không quá 15 ngày.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.