Du xuân Quý Mão 2023: Cẩn trọng với ngộ độc rượu, bia
Lạm dụng rượu bia có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí tử vong
Trong dịp Tết lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say, ngộ độc rượu, bia cũng nguy cơ tăng cao. Vậy để vừa vui xuân vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ là rất cần thiết.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân của say, ngộ độc rượu, bia là do lạm dụng rượu, bia hoặc uống rượu, bia vượt quá mức chấp nhận của cơ thể; do sử dụng rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do sử dụng rượu ngâm với thảo mộc, nội tạng động vật nhiễm độc tính. Trong 1 “đơn vị rượu” thường có 8-14g rượu nguyên chất chứa trong dung dịch đó. Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 ly rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 ly rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày, nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu/ngày được coi là lạm dụng rượu.
Ngộ độc rượu, bia có nhiều mức khác nhau, trong trường hợp nhẹ, người uống có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, mất khả năng vận động tự chủ,… Trường hợp nặng, bệnh nhân có thể hôn mê, trụy tim mạch, có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo các chuyên gia An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân không uống rượu nồng độ cồn từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ và rượu có hàm lượng methanol lớn hơn 0,1%. Không uống rượu ngâm với lá, rễ thực vật và phủ tạng động vật không rõ độc tính. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu, bia.
Làm gì khi bị ngộ độc rượu, bia?
Trong trường hợp nhẹ, người uống có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người… có thể xử trí tại nhà như sau:
- Cho bệnh nhân nằm ở phòng ấm, thoáng, tránh gió lạnh. Sau đó, cởi khuy áo cổ, tháo thắt lưng và đặt bệnh nhân nằm đầu thấp, nằm nghiêng để có thể nôn ra hết chất độc của rượu.
- Cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc để pha loãng nồng độ cồn trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng. Không cho uống các loại nước giải khát hay nước tăng lực thông thường, đặc biệt là các loại nước có gas, bởi loại nước này có thể cho ra lượng khí carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, đẩy nhanh tốc độ hấp thụ rượu làm tăng nguy cơ ngộ độc.
- Nếu bệnh nhân buồn nôn để cho nôn hết, có thể kích thích họng nhẹ để gây nôn, sau đó xát mạnh hai bên má.
- Không tự ý cho uống các loại thuốc bổ gan, vitamin, thuốc chống nôn.
Có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian sau sau đây có tác dụng giải rượu rất tốt:
- Thái một củ gừng tươi khoảng 60g thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng có tác dụng chống say rượu, vì gừng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể.
- Uống nước ép mía, cà chua, bưởi hoặc nước sắc đậu đen cũng có tác dụng giải ngộ độc rượu tốt.
Cần lưu ý, khi chăm sóc người bị ngộ độc rượu không nên để bệnh nhân ngủ li bì suốt ngày hoặc suốt đêm vì bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết, hạ thân nhiệt hoặc có thể bị sặc do khi say rượu nằm ngủ, dịch dạ dày nôn ra và bị hít vào phổi, rất nguy hiểm. Do đó, cứ khoảng 1 - 2 tiếng, người nhà nên đánh thức bệnh nhân, cho ăn cháo loãng ấm nóng. Trường hợp bệnh nhân có biểu hiện quá mệt không thể dậy được, gọi lâu không tỉnh, không ăn uống được hoặc cứ ăn vào là nôn thì cần đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe và xử trí kịp thời, tránh diễn biến nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.