Dự thảo Luật tiếp cận thông tin: Công dân có quyền gì?
Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về dự án Luật tiếp cận thông tin. Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật tiếp cận thông tin.
Dự thảo Luật gồm 5 chương, 34 điều. Dự thảo Luật đưa ra quy định về phạm vi điều chỉnh, quyền tiếp cận thông tin của công dân, giải thích từ ngữ; nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin; quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin; cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin; trách nhiệm xử lý thông tin không chính xác; các hành vi bị nghiêm cấm; chi phí tiếp cận thông tin; giám sát việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo; xử lý vi phạm; áp dụng pháp luật về tiếp cận thông tin.
Theo dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, các cơ quan nhà nước phải cung cấp các thông tin công khai theo yêu cầu của công dân. |
Nhằm khắc phục tình trạng thực tế có những thông tin không chính xác, không đúng sự thật đã gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến trật tự và ổn định xã hội, dự thảo Luật có quy định về xử lý thông tin không chính xác.
Theo đó, trong trường hợp phát hiện thông tin không chính thức, không chính xác, không đầy đủ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội thì cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin do mình tạo ra (khoản 2 Điều 7). Trong trường hợp phát hiện có nhiều cơ quan nhà nước cung cấp thông tin khác nhau về cùng một vấn đề thì cơ quan tạo ra thông tin có trách nhiệm khẳng định tính chính xác của thông tin do mình tạo ra (khoản 1 Điều 7).
Về chi phí tiếp cận thông tin, dự thảo Luật quy định đối với thông tin được công khai, người dân được tự do tiếp cận và không phải trả chi phí. Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí thực tế để in ấn, sao, chụp, gửi hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện, fax, trừ trường hợp chi phí thực tế để in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu thấp hơn mức phải tính chi phí theo quy định của pháp luật (Điều 9).
Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể các hình thức, thời điểm công khai thông tin, trong đó có quy định về việc công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng, đăng công báo, niêm yết. Việc quy định như vậy nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc chủ động công khai các thông tin, từ đó sẽ giảm tải cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, giảm chi phí hành chính cũng như chi phí tiếp cận thông tin cho người dân.
Dự thảo Luật cũng quy định về các trường hợp từ chối yêu cầu cung cấp thông tin (Điều 24) theo hướng rõ ràng, dễ áp dụng và tránh lạm dụng trong thực tiễn.
Về trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu, dự thảo Luật quy định ba loại trình tự, thủ tục:
(1) Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin;
(2) Trình tự, thủ tục cung cấp thông tin qua mạng điện tử;
(3) Trình tự, thủ tục cung cấp bản sao, bản chụp hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện, fax.
Trong mỗi điều quy định về từng loại thủ tục cách thức quy định đó là: trường hợp áp dụng cung cấp thông tin, thời gian cung cấp thông tin, từ chối cung cấp thông tin và chi phí đối với từng hình thức yêu cầu cung cấp thông tin.
Theo đó, việc cung cấp thông tin trực tiếp tại trụ sở cơ quan được thực hiện đơn giản và nhanh chóng; việc cung cấp thông tin qua mạngđiện tử và cung cấp thông tin qua đường bưu điện, fax chia thành hai trường hợp đơn giản và phức tạp nhưng có phân biệt thời gian cung cấp thông tin giữa hai phương thức cung cấp thông tin này.
Tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, có một đề xuất đáng chú ý nhất đó là vấn đề liên quan đến việc từ chối cung cấp thông tin. Ủy ban Pháp luật cho rằng, các điểm b, c và điểm đ khoản 1 Điều 24 của dự thảo Luật quy định các trường hợp từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu, bao gồm: Thông tin được yêu cầu không thuộc trách nhiệm cung cấp của cơ quan; thông tin đã được cung cấp hai lần cho chính người yêu cầu, trừ trường hợp người yêu cầu có lý do chính đáng; thông tin được yêu cầu với số lượng quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan.
Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn đối với các trường hợp nêu trên nhằm tránh tình trạng các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin lợi dụng để từ chối việc cung cấp thông tin cho công dân.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.