Giải pháp nâng cao việc tham gia bảo vệ đa dạng sinh học của Hải quan Việt Nam

2023-10-24 09:47:22 0 Bình luận
Đa dạng sinh học là vấn đề toàn cầu vì hiện nay đang có hàng triệu loài động thực vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra.

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và Cục Bảo tồn Thiên nhiên và Đa dạng Sinh học, Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện nay sự đa dạng sinh học này đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái ngày càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu là hoạt động của con người như sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, buôn bán động thực vật qua biên giới…

Hải quan Việt Nam tham gia bảo vệ đa dạng sinh học theo các quy định tại Điều 7, Điều 51, Luật Đa dạng sinh học, triển khai các nhiệm vụ gồm: Nghiêm cấm vận chuyển, mua, bán trái phép loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; nghiêm cấm nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen; nghiêm cấm nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.

Ảnh minh họa.

Những kết quả đạt được

- Hải quan Việt Nam đã tăng cường kiểm soát nhập khẩu các loài ngoại lai, bảo vệ nguồn gen; kiểm soát vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác bảo tồn đa dạng sinh học. 

- Công tác kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến đa dạng sinh học qua biên giới có chuyển biến rõ rệt, giảm cả về số lượng và quy mô các điểm nóng. Từ đó, ngăn chặn các đường dây buôn bán xuyên quốc gia động, thực vật hoang dã bất hợp pháp, cắt đứt tại chỗ các luồng buôn bán bất hợp pháp.

- Chủ trì và phối hợp triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp, gây được nhiều tiếng vang trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.    

- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu, phóng thích trái phép sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen; Nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại.  

- Triển khai hiệu quả Cơ chế Một cửa quốc gia giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục cấp Giấy phép CITES và một số thủ tục về cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Bên cạnh đó, vận hành và ứng dụng triệt để CNTT góp phần đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Từ đó, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp XNK trước và sau thông quan hàng hóa, đảm bảo hàng hóa này an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học.

- Chủ động, tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế tham gia các hoạt động phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học, tội phạm môi trường, tội phạm về ĐVHD…

- Tổ chức triển khai các hoạt động nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; thường xuyên thu thập thông tin, nắm tình hình, xác định sớm các dấu hiệu nghi vấn để tổ chức lực lượng theo dõi, bắt giữ các lô hàng vi phạm; thực hiện quản lý rủi ro, đáp ứng yêu cầu quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, thông tin kịp thời tới các lực lượng thực thi pháp luật để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đa dạng sinh học.

Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác này còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, như:

- Thẩm quyền của Hải quan trong việc xử lý, bắt giữ người và tang vật vận chuyển trái phép hàng hóa, động thực vật hoang dã, quý hiếm qua biên giới chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ và hoạt động của cơ quan Hải quan.

Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cho cơ quan Hải quan đối với 03 tội danh quy định tại Điều 188, Điều 189 và Điều 190 tại Bộ luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong thực tế thực thi nhiệm vụ, các vụ việc buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD, sinh vật ngoại lai đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự lại quy định tại Điều 244, Điều 234, Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) nhưng cơ quan Hải quan không có thẩm quyền điều tra, khởi tố hình sự đối với các vụ việc này, mà phải chuyển toàn bộ hồ sơ cho cơ quan điều tra có thẩm quyền xử lý, trong khi đây là lực lượng có nhiều thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và đã phát hiện nhiều vụ việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc các phụ lục của Công ước CITES.

- Công tác phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm: Việt Nam được đánh giá là địa bàn trung chuyển trong các đường dây buôn bán ĐVHD quốc tế, được nhận định là một trong những điểm đến, điểm trung chuyển chính, trong chuỗi cung ứng ĐVHD và các sản phẩm từ ĐVHD. Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép ĐVHD ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn, hoạt động không theo quy luật, không cố định. Nguồn lực của cơ quan Hải quan có hạn, chưa có cơ chế biệt phái tình báo Hải quan tại nước ngoài. Các tuyến đường được lựa chọn để buôn lậu, vận chuyển trái phép với số lượng lớn thường tập trung tại đường biển; đường hàng không dưới dạng gửi hàng cho đối tượng không xác định. Điều này dẫn đến khi cơ quan Hải quan kiểm tra phát hiện và xác minh thì thường đối tượng nhận hàng là không có thật, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, truy vết, xử lý đối tượng.

- Thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà, nhiều công đoạn, việc phối hợp trao đổi giữa các đơn vị liên quan còn nhiều bất cập... Nhiều trường hợp hàng hoá cùng phải kiểm tra chuyên ngành tại 02 Bộ khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp mà trên thực tế chỉ cần 01 Bộ thực hiện quản lý kiểm tra chuyên ngành là đủ.

- Cơ sở vật chất và trang, thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học còn thiếu. Việc thiếu các thiết bị hiện đại cũng làm cho công tác xử lý tang vật, khâu giám định mẫu vật còn hạn chế. Chưa có hệ thống kho lạnh để bảo quản. Đặc biệt là đối với một số ĐVHD còn tươi nếu không bảo quản cẩn thận có thể dẫn đến phân hủy, ảnh hưởng đến công tác xác định khối lượng, trị giá để sau này làm căn cứ xác định khung hình phạt.

- Chưa có các cán bộ có năng lực về quản lý nuôi động vật hoang dã, còn thiếu kỹ năng trong nhận biết về đa dạng sinh học nói chung cũng dẫn đến khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.  

Một số giải pháp nâng cao việc tham gia bảo vệ đa dạng sinh học của Hải quan Việt Nam thời gian tới

Về hoàn thiện cơ sở pháp lý

Đề xuất tăng thêm thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cho cơ quan Hải quan, trong đó có thẩm quyền khởi tố đối với các tội danh liên quan đến hàng hóa thuộc danh mục CITES để phù hợp với phạm vi năng lực và chuyên môn đặc thù và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của ngành Hải quan. Theo đó, bổ sung thẩm quyền khởi tố hình sự của cơ quan Hải quan tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; trao thêm thẩm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan Hải quan đối với tội phạm quy định tại Điều 234 và Điều 244, Điều 246 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Hiện tại, các quy định về xử phạt hành chính hoặc hình sự đối với các tội về buôn bán ĐVHD quý, hiếm, nguy cấp được xác định theo theo trị giá tang vật vi phạm, nhưng những mặt hàng này không phải là hàng hóa được mua/bán trên thị trường nên không có giá xác định cụ thể. Nên cần bổ sung quy định xác định theo định lượng tang vật vi phạm đối với tang vật không xác định được trị giá để tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng thực thi pháp luật, đề xuất xử lý vi phạm hành chính hay truy tố hình sự phù hợp.

Về kiểm soát hải quan

Chủ động tổ chức quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp từ công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành đến công tác triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát phòng ngừa, đấu tranh, nhất là các hoạt động phòng chống buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác, tê tê và các loại gỗ quý hiếm thuộc danh mục các Phụ lục Công ước CITES.

Siết chặt và thực thi hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Tăng cường thu thập thông tin, trao đổi thông tin nghiệp vụ hải quan, nắm vững diễn biến tình hình tại địa bàn quản lý; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh, hành lý của hành khách xuất nhập cảnh, đặc biệt là các trường hợp nhập khẩu các loài động, thực vật có mầm bệnh hoặc có nguy cơ biến đổi nguồn gen; hàng đã qua sử dụng, hàng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; hàng hóa cấm nhập khẩu, quá cảnh động vật, thực vật chưa qua kiểm dịch vi sinh vật ngoài danh mục cho phép.

Chủ động tăng cường công tác nắm tình hình, thu thập, phân tích, sàng lọc thông tin, dữ liệu từ các địa bàn, chủ động kiểm soát được tình hình, phát hiện và đấu tranh triệt để với các phương thức, thủ đoạn mới, triệt phá thành công nhiều chuyên án, vụ việc lớn, phức tạp.

Thực hiện đúng quy trình kiểm soát, bắt giữ, xử lý vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã qua biên giới để bảo đảm tốt các yêu cầu nghiệp vụ và pháp luật.

Đẩy mạnh hoạt động chỉ huy trực tuyến 24/7 để theo dõi, phân tích thông tin dựa trên cơ sở dữ liệu của Ngành, cơ sở dữ liệu Một cửa quốc gia và thông tin tình báo thu thập, thông tin từ các cơ sở bí mật… tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay quốc tế, qua đó kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường, phương thức thủ đoạn mới, cảnh báo các đơn vị hải quan cửa khẩu theo dõi, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về kiểm tra chuyên ngành

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Hải quan từ xa, từ trước và trên các lĩnh vực.

Rà soát đánh giá các văn bản quản lý chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực đa dạng sinh học, kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa trong lĩnh vực CITES, đề xuất điều chỉnh giảm danh mục hàng hóa áp dụng quản lý chuyên ngành; đồng thời rà soát, điều chỉnh các đề xuất áp dụng tiêu chí phù hợp với từng yêu cầu quản lý chuyên ngành theo hướng lược bỏ những yếu tố rủi ro thấp, chuyển giao đơn vị Hải quan các cấp thực hiện phân tích, đánh giá rủi ro để áp dụng biện pháp kiểm tra phù hợp đối với các trường hợp chính sách chuyên ngành và danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành chưa được chuẩn hóa.

Lực lượng Hải quan cửa khẩu chủ động, phối hợp với các đơn vị kiểm dịch tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo ngăn chặn hiệu quả sự xâm nhập của các loài ngoại lai xâm hại; kiểm soát hoạt động nhập khẩu trái phép các loài trong Danh mục các loài ngoại lai xâm hại.

Chủ động phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành để rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành có mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa XNK Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022.

Về quản lý rủi ro

Tập trung phân tích, xác định trọng điểm, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, người xuất nhập cảnh và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để kịp thời đề xuất áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát phù hợp đối với doanh nghiệp, người xuất nhập cảnh, lô hàng có dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm.

Kịp thời hướng dẫn, cảnh báo rủi ro đối với một số lĩnh vực, loại hình có rủi ro cao, đồng thời áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro hợp.

Kiểm soát rủi ro từ sinh vật biến đổi gen, chú trọng việc quản lý nhập khẩu, cấp phép và phát triển việc nuôi, trồng sinh vật biến đổi gen; tăng cường hợp tác, trao đổi và học tập kinh nghiệm nâng cao năng lực kỹ thuật, chuyên môn của các cơ quan, đơn vị về quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen.

Nghiên cứu áp dụng nền tảng Mạng lưới kiểm soát hải quan toàn cầu (CENcomm) để chia sẻ dữ liệu và thông tin tình báo về tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã và lâm sản bất hợp pháp. Cơ sở dữ liệu này được chia sẻ và sử dụng như một kho dữ liệu quốc gia về các vấn đề của tội phạm buôn bán động thực vật hoang dã và lâm sản bất hợp pháp để tất cả các cơ quan thực thi pháp luật liên quan có thể truy cập.

Về đảm bảo nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực

Đào tạo, tập huấn cho lực lượng kiểm soát thi hành việc quản lý, bảo vệ ĐVHD, về kiến thức pháp lý, kỹ năng phối hợp thực hiện, các biện pháp thu thập thông tin, điều tra, xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm.

Tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao kỹ năng phân tích thông tin, điều tra hình sự, kỹ năng nhận dạng tang vật, cứu hộ ban đầu với động vật sống và xử lý vi phạm hành chính, hình sự theo thẩm quyền của cơ quan Hải quan đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động thực vật hoang dã qua biên giới.

Tiếp tục xây dựng và ban hành cẩm nang hướng dẫn nhận dạng các loài ĐVHD, loài ngoại lai xâm hại; nhận dạng các sản phẩm từ ĐVHD và loài ngoại lai xâm hại bị buôn bán phổ biến ở Việt Nam để trang bị cho các đơn vị Hải quan địa phương làm tài liệu tra cứu tại chỗ nhằm nhận dạng nhanh chóng, chính xác tang vật vi phạm.

 Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại

Về việc quản lý, bảo quản tang vật vi phạm, hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể trong việc bảo quản tang vật là ĐVHD (đã chết). Cơ quan Hải quan cũng chưa có hệ thống kho lạnh để bảo quản. Do đó làm ảnh hưởng đến công tác xác định khối lượng, trị giá làm căn cứ xác định khung hình phạt sau này. Vì vậy, tại các địa phương có cửa khẩu biên giới, cảng biển, sân bay hoặc các thành phố lớn, cần thiết phải trang bị kho lạnh bảo quản hàng hóa là mẫu vật thuộc loài ĐVHD (đã chết) hoặc kho/không gian đủ rộng để bảo quản tang vật là ĐVHD (còn sống) trước khi bàn giao tang vật cho cơ quan có thẩm quyền. Hoặc cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong việc cho mượn địa điểm bảo quản tang vật này.

Trang bị thêm hệ thống máy soi container, camera giám sát, hệ thống giám sát định vị vệ tinh, chíp giám sát điện tử nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan; đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa XNK; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp; máy soi góp phần hỗ trợ cho công chức Hải quan trong kiểm tra, kiểm soát các thủ đoạn che dấu, gia cố hàng hóa là ĐVHD trái phép trong hàng hóa, phương tiện...  

Về công tác phối hợp với Hải quan các nước, tổ chức quốc tế có liên quan

Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức quốc tế, xây dựng và hình thành được cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin chặt chẽ, phục vụ hỗ trợ đắc lực, kịp thời, hiệu quả nhằm ngăn chặn và kiểm soát việc vận chuyển trái phép các loài hoang dã; nâng cao nhận thức về tình hình buôn lậu động thực vật hoang dã trong khu vực cũng như các thủ đoạn, xu hướng mới.

Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa đơn vị thực thi pháp luật phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loại tội phạm trên, kịp thời phát hiện sớm, ngăn chặn việc săn giết, buôn bán, vận chuyển ĐVHD.

Xây dựng đầu mối điều phối hoạt động này tại các địa bàn trọng điểm, đầu mối trao đổi thông tin thường xuyên về tội phạm trong lĩnh vực này ở các nước láng giềng nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về thông tin xác minh, điều tra.

Tăng cường trao đổi hợp tác và trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để kiểm soát và ngăn chặn những hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép các loài hoang dã ở khu vực biên giới giữa các cơ quan kiểm tra chuyên ngành trong nước như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển; và đặc biệt là Hải quan các nước qua các thông tin tình báo, thông tin trước, phục vụ tốt nhất cho công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

 Về công tác phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các Bộ, ngành

Cần sớm có quy chế phối hợp, trao đổi thông tin cụ thể, chi tiết, thường xuyên giữa các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ bảo vệ đa dạng sinh học, phòng chống buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã, loài ngoại lai xâm hại.

Tích cực phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ rà soát, thống kê, thu thập thông tin các đối tượng liên quan đến việc bắt giữ động, thực vật hoang dã trái phép qua biên giới, từ đó đề ra các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp.

Phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng liên quan, nhân dân tại địa phương để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, xác minh thu thập thông tin.

Cơ quan Hải quan cần tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật khác trong công tác tuần tra, kiểm soát, phối hợp xác minh, chia sẻ thông tin và hiệp đồng tác chiến; trong việc phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ ĐVHD, loài ngoại lai xâm hại.

Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức quốc tế tổ chức chương trình đào tạo về đa dạng sinh học, an toàn sinh học,... nhận dạng loài (sinh vật ngoại lai xâm hại...); nhận dạng mẫu vật cho đội ngũ công chức hải quan làm kiểm soát ở biên giới./.

Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binhngười khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.

Ý kiến độc giả

0

Sun Symphony Residence - mảnh ghép hoàn thiện “bản giao hưởng” bên Dòng sông Ánh sáng

Ngày 12/5, hơn 2000 nhà đầu tư đã thăng hoa cùng “nốt sol” Sun Symphony Residence của bản giao hưởng bên sông Hàn - Dòng sông Ánh sáng tại sự kiện do Sun Property (thành viên Tập đoàn Sun Group) tổ chức đồng thời ở Hà Nội và Đà Nẵng
2024-05-13 18:20:32

Quảng Ninh: Động thổ xây dựng lại ngôi chùa cổ gần 500 năm tuổi tại Thị xã quảng Yên

Vừa qua, tại xã Liên Vị, Thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ động thổ xây dựng chùa Lái (hay còn gọi là Linh Ngai Tự).
2024-05-13 15:24:20

Bí quyết thành công của quán kem trái cây tươi “chốt đơn” hàng nghìn que mỗi ngày

Xưởng kem thủ công của anh Tô Tuấn Anh tại quận Long Biên, thành phố Hà Nội sản xuất loại kem làm từ hoa quả tươi có xuất xứ từ Mexico. Thu hút thực khách nhờ hương vị trái cây “thật”, không sử dụng hương liệu, phẩm màu hay chất bảo quản, loại kem này nhanh chóng trở thành món ăn giải nhiệt được yêu thích vào mùa hè này.
2024-05-13 11:09:06

Hơn 12 năm hành trình ''Cơm 5.000 đồng Hà Nội''

Đều đặn mỗi sáng cuối tuần căn bếp ấm cúng tại căn nhà nhỏ trên phố Minh Khai lại lên lửa, hàng chục bạn trẻ nhóm Cơm 5000 Hà Nội cùng nhau xắn tay áo, chuẩn bị các xuất cơm đặc biệt lan tỏa đến các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện lớn.
2024-05-13 10:52:54

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công

Thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
2024-05-13 10:36:53

Giá nhà chung cư Hà Nội quay về giá trị thực?

Sau một thời gian tăng giá chóng mặt với mức cao ngất thì đến thời điểm hiện tại, giá chung cư tại Hà Nội đã dần có sự điều chỉnh quay đầu, trở về với giá trị thực. Sự đảo chiều bất ngờ nhưng đúng quy luật này chính chỉ là chỉ dấu cho thấy cơn sốt giá chung cư ảo ở Hà Nội đã hạ nhiệt.
2024-05-13 09:26:56
Đang tải...