Hà Nam: 2 Công ty xây dựng cầu cảng trái phép trên sông Đáy
Mặc dù chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam cấp phép xây dựng, hoạt động cầu cảng, thế nhưng nhiều năm qua Công ty Trang Huy và Công ty Hợp Tiến tại xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm) đã tự ý xây dựng cầu cảng trái phép lấn chiếm lòng sông Đáy, hằng ngày cho xe vận tải chở VLXD len lỏi qua khu vực dân cư để rót vật liệu xuống thuyền gây bụi, tiếng ồn, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Hoạt động này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn uy hiếp an toàn giao thông đường thủy.
Thời gian qua, người dân tại xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm) liên tục phản ánh tới Báo Tài nguyên và Môi trường về việc 2 cầu cảng (còn gọi là bến thuỷ) của Công ty TNHH khoáng sản Trang Huy và Công ty TNHH Hợp Tiến được xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng sông Đáy, không đảm bảo an toàn; xe vận tải chở VLXD ngày đêm hoạt động, len lỏi qua khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cầu cảng của Công ty Trang Huy và Công ty Hợp Tiến xây dựng, hoạt động trái phép. |
Bà N.H.P (người dân tại xã Thanh Nghị) cho biết, hai cầu cảng này hoạt động ở đây đã nhiều năm, mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải chở vật liệu xây dựng, đá, cát nhân tạo… chạy qua khu vực dân cư. Mỗi khi những xe chở vật liệu xây dựng chạy qua đây, rót vật liệu xuống tàu, thuyền để vận chuyển đi tiêu thụ, một lượng lớn bụi tỏa ra khiến khu vực này bị ô nhiễm nặng. Cùng với đó, các ôtô tải vận chuyển đất đá ra các bến bãi không được che phủ bạt, rơi vãi xuống đường cũng gây bụi mù mịt. Con đường qua khu vực dân cư ra bến thủy, cầu cảng tự phát kể trên bị xe tải cày xới, băm nát nham nhở. Do lượng xe đi lại quá lớn và lượng bụi quá nhiều nên mặc dù các nhà dân đã sử dụng mành, rèm để chắn bụi thế nhưng đồ dùng, vật dụng trong nhà luôn bị phủ một lớp bụi dầy.
Mặc dù tồn tại nhiều năm nhưng chính quyền địa phương không hay biết? |
Cùng chung tâm trạng bức xúc, bà T.T.L lo lắng: “Xe tải chở vật liệu xây dựng, cát sỏi ra vào các bến thủy tại đây liên tục, tiếng động cơ xe tải gầm rú cộng với tiếng tàu thuyền, xà lan ầm ầm dưới sông suốt ngày đêm khiến người lớn đau đầu, trẻ con choáng váng không thể học hành. Người dân ra đường nơp nớp lo bị xe tải cán. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm can thiệp để trả lại cuộc sống yên bình cho người dân”, bà L. bức xúc nói.
Từ những phản ánh của người dân, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi ghi nhận thực tế, tại đây có 2 cầu cảng được xây dựng, đua ra phía sông Đáy. Những chiếc xe tải chở VLXD có dấu hiệu cơi nới, chở quá khổ, quá tải, không được che phủ bạt chở vật liệu len lỏi qua khu vực dân cư rồi rót thẳng xuống tàu. Tại khu vực cầu cảng không có chụp mềm, không phun nước, không có biện pháp để giảm thiểu bụi. Phía ngoài cầu cảng có nhiều tàu đang được neo đậu để lấy VLXD đi tiêu thụ.
Con đường đi qua khu dân cư ra cảng bị xe vận tải "băm" nát. |
Liên quan đến sự việc trên, ông Lê Quý Hoạch – Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị cho biết, hiện trên địa bàn xã không có cầu cảng nào của Công ty Trang Huy và Công ty Hợp Tiến.
“Trên địa bàn xã hiện tại không có cầu cảng nào của Công ty Hợp Tiến và Công ty Trang Huy. Xã không cấp phép và không quản lý bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến việc cấp phép hoạt động cầu cảng của 2 Công ty này. Đây là dự án của Công ty Cổ phần Nam Kinh, nếu anh (PV) muốn tìm hiểu thì có thể liên hệ với Công ty Nam Kinh sẽ rõ nhất”, ông Hoạch cho biết.
Khi được đề nghị cung cấp một số hồ sơ, biên bản kiểm tra liên quan đến 2 khu vực cảng trên, vị Chủ tịch này bày tỏ thái độ né tránh: “Hiện tại chúng tôi đang bận, và đang dịch bệnh nên không muốn tiếp. Hiện tại xã cũng không tiếp công dân, không tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ gì cả”, ông Hoạch nói.
Từ thông tin của Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Nam Kinh để làm rõ hơn về việc xây dựng 2 khu cầu cảng nói trên.
Công ty Nam Kinh cho biết, đơn vị mới thực hiện xong giai đoạn 1. Hai cầu cảng nêu trên của Công ty Trang Huy và Công ty Hợp Tiến là trái phép, tự phát. |
Phía đại diện Công ty Nam Kinh cho biết, đơn vị có thực hiện dự án xây dựng cầu cảng, đã được UBND tỉnh chấp thuận và có đầy đủ giấy phép của các cơ quan ban ngành cấp. Tuy nhiên, dự án được chia làm 2 giai đoạn, hiện tại phía công ty đã hoàn tất các hồ sơ thủ tục và đi vào hoạt động giai đoạn 1 . Giai đoạn 2 đơn vị đã được chấp thuận chủ trương nhưng chưa tiến hành thi công, xây dựng do chưa thoả thuận được với người dân để đền bù, giải phóng mặt bằng.
“Hiện tại, 2 cầu cảng được xây dựng trên diện tích đất nằm trong giai đoạn 2 của dự án không phải của Công ty Nam Kinh mà là của Công ty Trang Huy và Công ty Hợp Tiến. Hai cầu cảng này được xây dựng trái phép, tự phát, hoàn toàn không liên quan đến Công ty chúng tôi”, đại diện công ty Nam Kinh cho biết.
Như vậy, hoạt động tự ý xây dựng các bến thủy (cầu cảng) của Công ty Trang Huy và Công ty Hợp Tiến đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về an toàn giao thông đường thủy, về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, khoáng sản, xây dựng, môi trường… Bên cạnh đó còn thể hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương khi để 2 cầu cảng xây dựng, hoạt động trái phép nhiều năm mà không hay biết!
Trước thực trạng trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam sớm có biện pháp chấn chỉnh, xử lý dứt điểm, không để hoạt động cầu cảng trái phép uy hiếp an toàn giao thông đường thủy và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Theo Việt Linh/ Báo Tài nguyên & Môi trường
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.