Hà Nội lên kế hoạch di dời các cây xăng không đủ điều kiện
Thông tư 22/2019/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành có hiệu lực từ 1/7/2020 (thay thế Thông tư 32/2009/TT-BXD và Quyết định 04/2008/QĐ-BXD) quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng, cửa hàng xăng dầu cố định đô thị phải tuân thủ khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn PCCC. Cụ thể:
Khoảng cách tối thiểu từ cửa hàng xăng dầu cố định đến nơi thường xuyên tập trung đông người (chợ, trung tâm thương mại, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, công sở) là 50m.
Cây xăng tại địa chỉ 168 Định Công nằm trong khu đông dân cư và nằm sát mặt đường.
Khoảng cách giữa 2 cửa hàng xăng dầu cố định phải cách nhau tối thiểu 300m (tương tự như quy định tại Quyết định 04/2008/QĐ-BXD).
Bên cạnh đó, vị trí các cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới phải bảo đảm tiếp cận thuận tiện và an toàn với hệ thống giao thông; Lối ra, vào cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định quy hoạch mới phải cách điểm có tầm nhìn bị cản trở ít nhất là 50 m và nằm ngoài hành lang an toàn đối với cầu, cống, hầm đường bộ; Lối ra của cửa hàng xăng dầu xây dựng cố định mở ra đường cấp khu vực trở lên phải cách chỉ giới đường đỏ của tuyến đường cấp khu vực trở lên giao cắt với tuyến đường có lối ra của cửa hàng xăng dầu tối thiểu là 50 m.
Cửa hàng 168 Định Công nằm rất gần mặt đường và khách mua xăng thường xuyên chiếm vỉa hè của người đi bộ.
Nghị định 13 về an toàn công trình dầu khí trên đất liền cũng quy định khoảng cách an toàn đối với kho chứa xăng dầu của cửa hàng xăng dầu loại 3 - là loại nhỏ nhất hiện nay đến khu vực nhà dân tối thiểu là 15 m, khu vực đường giao thông tối thiểu là 20m.
Đối chiếu với quy định hiện hành, có thể thấy cây xăng tại địa chỉ số 168 phố Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không đạt được khoảng cách tối thiểu với những ngôi nhà kế bên, các công trình xung quanh.
Cụ thể theo quan sát, cây xăng tại địa chỉ số 168 Định Công nằm trong khu đông dân cư, điểm đặt trụ xăng chỉ cách mép đường Định Công chưa đầy 5m. Vỉa hè dành cho người đi bộ đã biến thành chỗ dừng, đỗ xe cho khách hàng vào mua xăng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc và mất an toàn giao thông khi người dân dừng đỗ để mua xăng.
Do nằm trong khu dân cư có mật độ lớn, sát mặt đường nên trong quá trình xuất nhập xăng do tiếp xúc gần với mặt đường được làm từ nhựa asphalt, dễ xảy ra cháy nổ.
Nhiều người dân sinh sống gần cây xăng số 168 phố Định Công cho biết họ cảm thấy bất an, khó chịu với mùi xăng nồng nặc, nguy cơ cháy nổ do không đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành. Ông K.N – người dân sống gần cửa hàng xăng dầu số 168 Định Công bày tỏ lo lắng: “Nhiều năm nay, Chúng tôi phải sống chung với mùi xăng bốc lên rất ảnh hưởng sức khỏe. Trường hợp không may xảy ra cháy nổ thì nguy hiểm quá, trong khi trạm xăng dầu ở rất gần với các nhà dân, công trình xây dựng".
Trên thực tế từng xảy ra không ít vụ cháy cây xăng để lại những hậu quả lớn. Điển hình như vụ cháy cây xăng số 9 quân đội ở 2B Trần Hưng Đạo (Hà Nội) năm 2013 và tiếp theo đó là hàng loạt các vụ cháy lớn, nhỏ gây thiệt hại lớn khiến nhiều người bị thương, tổn thất hàng nghìn tỷ đồng là hồi chuông cảnh tỉnh về sự cần thiết của các biện pháp an toàn, phòng cháy cây xăng tại các điểm kinh doanh xăng dầu.
Theo quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội có trên 50 cửa hàng xăng dầu phải di dời hoặc giải tỏa vì quá chật hẹp, không đảm bảo theo các quy định hiện hành, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ.
Được biết tháng 6/2021 sau khi tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cư tri về đề nghị TP di chuyển trạm xăng dầu tại số 10 phố Láng Hạ (Ba Đình, Hà Nội) để đảm bảo cuộc sống cho người dân xung quanh. Phản hồi về kiến nghị của cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ di dời cửa hàng xăng dầu này.
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.