Hà Nội: Lùi lịch thi lớp 10, chia học sinh theo 3 nhóm để có phương thức tuyển sinh riêng
Hà Nội và chính thức điều chỉnh lịch, rút ngắn thời gian làm bài thi lớp 10 và chia học sinh theo 3 nhóm để có phương thức tuyển sinh riêng.
Theo đó, căn cứ diễn biến của dịch Covid-19, nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho học sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi, UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi vào lớp 10 công lập không chuyên vào ngày 12 và 13/6 (thay vì ngày 10 và 11/6-2021 như kế hoạch trước đây).
Ngày 11/6, các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót thông tin đăng ký dự thi (nếu có), học quy chế thi và nghe phổ biến lịch thi thông qua hình thức trực tuyến. Việc này sẽ do các phòng GD-ĐT quận, huyện chỉ đạo các trường THCS lựa chọn thời gian hợp lý để tổ chức, tạo điều kiện để phụ huynh cùng tham gia với thí sinh, nhưng hoàn thành trước 16h.
UBND thành phố cũng quyết định sắp xếp các môn thi vào 2 buổi sáng (mỗi buổi thi 2 môn), thay cho 3 buổi thi như trước đây.
Cụ thể, sáng 12/6, các học sinh làm bài thi môn Ngữ văn (trong 90 phút, từ 8h30 đến 10h), Ngoại ngữ (trong 45 phút, từ 10h30 đến 11h15).
Buổi sáng ngày 13/6, thí sinh thi môn Toán (thời gian 90 phút, từ 8h30 đến 10h) và môn Lịch sử (thời gian 45 phút, từ 10h30 đến 11h15).
Ngày 14/6, thí sinh thi môn chuyên. Ngày 15/6 và chiều 16/6, thí sinh thi chương trình song bằng tú tài.
Lịch thi và thời gian làm bài của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên và lớp 10 chương trình song bằng tú tài không thay đổi.
Như vậy, nếu so với lịch thi được công bố trước đây, với lịch thi này, các thí sinh dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên được giảm hai buổi thi. Số lượng môn thi vẫn giữ nguyên là 4 môn, song thời gian làm bài của các môn được điều chỉnh giảm.
Do giảm thời gian làm bài nên mức độ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của đề thi được tinh giảm phù hợp với thời gian thi.
Cụ thể, số lượng câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong đề thi môn Ngoại ngữ (không chuyên) và môn Lịch sử (không chuyên) là 30 câu/đề thi (giảm bớt 10 câu/đề thi so với kế hoạch trước), giảm bớt một số câu ở từng phần trong cấu trúc đề thi, nhưng vẫn đảm bảo sự phân hóa của đề để lựa chọn được những thí sinh có đủ năng lực theo yêu cầu của công tác tuyển sinh
Về phương án tuyển sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội thống nhất phương án chia thành 3 nhóm thí sinh.
Theo đó, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí để tổ chức phân loại thí sinh đã đăng ký dự thi thành 3 nhóm:
Nhóm 1 (thí sinh F0, F1); nhóm 2 (thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly theo quy định, diện lưu trú tại địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường do ảnh hưởng dịch Covid- 19) và nhóm 3 (các đối tượng thí sinh còn lại, được phép đến phòng thi).
Thời gian để phân loại đối tượng thí sinh đến 17 giờ ngày 11/6; các trường hợp phát sinh từ ngày 12-13/6 sẽ được xem xét bổ sung theo quy định. UBND quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xác nhận đối tượng thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 theo quy định.
Về phương án tuyển sinh với nhóm 1:
Thí sinh được tuyển thẳng vào trường THPT công lập mà thí sinh có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định (nguyện vọng 1, nguyện vọng 2, nguyện vọng 3) phù hợp với nơi cư trú của thí sinh.
Nguyện vọng trúng tuyển thẳng của thí sinh thuộc nhóm 1 không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của thí sinh thuộc các nhóm khác tại mỗi trường THPT công lập.
hương án tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên đối với nhóm 2: Áp dụng phương thức xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh theo công thức: Điểm THCS+ điểm trung bình môn Toán+ điểm trung bình môn Ngữ văn + điểm trung bình môn Ngoại ngữ+ điểm trung bình môn Lịch sử+ điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, điểm THCS là tổng điểm tính theo kết quả rèn luyện 4 năm cấp THCS; nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Điểm quy đổi như sau: Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi (5 điểm); hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá (4,5 điểm); hạnh kiểm khá và học lực khá (4 điểm); hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình (3,5 điểm); hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá (3 điểm); các trường hợp còn lại (2,5 điểm).
Điểm trung bình môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử là điểm trung bình tương ứng các môn này trong cả năm học lớp 9 cấp THCS của thí sinh. Điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh.
Thí sinh thuộc nhóm 3 đến trường thi theo quy định, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch. Các nội dung khác liên quan đến công tác tuyển sinh thực hiện theo đúng quy định và Quy chế thi.
Đối với lớp 10 chuyên và hệ song bằng tú tài, thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 đã đăng ký dự thi vào hệ này, nếu có nguyện vọng sẽ được phép đăng ký dự thi kỳ thi tuyển bổ sung.
Sở GD&ĐT sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu vào các lớp chuyên và lớp song bằng tú tài cho thí sinh thuộc nhóm 1, nhóm 2 mà không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của các thí sinh nhóm khác và sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể vào cuối học kỳ 1 năm học 2021- 2022.
Toàn TP Hà Nội có 93.362 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 - 2022 với 4.500 phòng thi tại 190 điểm thi. Hà Nội huy động 14.500 cán bộ, nhân viên được huy động tham gia làm công tác thi (nhiều hơn năm trước 2.500 người).
Tạp chí điện tử Hoà Nhập, cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và NKT Việt Nam, liên tục cập nhật thông tin liên quan về lĩnh vực kinh doanh của Thương binh và Người khuyết tật như: Đầu tư, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, bất động sản, sức khỏe. Ngoài ra, Tạp chí cũng xin giới thiệu tới độc giả những bài viết về chính sách cho người có công, tấm gương thương binh, người khuyết tật vượt khó, doanh nhân thương binh, người khuyết tật tiêu biểu, doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật. Kính mời độc giả đón đọc. Mọi ý kiến đóng góp và chia sẻ xin liên hệ qua email tapchihoanhap@gmail.com.